| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ thành điểm 'nóng' về phá hoại cây trồng, vật nuôi vì thù hằn cá nhân

Thứ Sáu 27/04/2018 , 09:47 (GMT+7)

Những năm gần đây, mặc dù chính quyền huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tích cực tuyên truyền, vận động, thậm chí sử dụng “biện pháp mạnh” để răn đe các đối tượng phá hoại hoạt hoạt động sản xuất, chăn nuôi của nhà nước và cá nhân. tuy nhiên...

 Tuy nhiên, mọi giải pháp đều bị “vô hiệu hóa”, số lượng vụ việc vi phạm gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Từ phá của cá nhân

Không nói đâu xa, chỉ tính 3 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Hương Khê đã có hơn chục vụ việc vi phạm ANTT liên quan đến hủy hoại hoạt động sản xuất, chăn nuôi của tập thể, cá nhân. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến lợi ích kinh tế, thù hằn cá nhân mà ra.

Mới đây nhất, đêm 6/4/2018 hơn 160 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình ông Trần Văn Hanh, trú tại xóm 3, xã Hương Đô bỗng chốc bị chặt ngang gốc không thương tiếc.


Hiện trường vụ chặt phá bưởi Phúc Trạch tại xã Hương Đô

Ông Hanh bảo, để có được vườn bưởi này, gia đình ông phải vay vốn ngân hàng, ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chăm chút, bón từng bao phân, cuốc từng bụi cỏ, tưới từng xô nước...chờ ngày hái quả. Đùng một cái thành người trắng tay. “Trước nay tôi ăn ở không có thù oán với ai nên khi bưởi bị chặt cũng chẳng thể nghi ngờ ai được. Tôi băn khoăn không hiểu sao kẻ xấu lại ra tay tàn nhẫn như thế”, ông Hanh đau lòng nói.

Trước đó, ngày 3/2/2017, 8 con bò của gia đình ông Trần Hữu Vân, xóm Trại Tuần, xã Hương Vĩnh cũng bỗng nhiên chết bất thường. Cụ thể, vào thời điển trên, khi vào canh chừng đàn bò ở khu vực Khe Lạnh cách nhà khoảng hơn 1km, gia đình ông Vân bàng hoàng phát hiện 8 con trong số đàn bò của gia đình chết trong tình trạng phình bụng, chảy máu và ra bọt mép. Đàn bò này được nuôi từ nguồn vốn vay ngân hàng. Ước thiệt hại lên đến 130 triệu đồng.

Sau khi nhận tin báo từ người dân, các cơ quan chức năng liên quan đã đến tìm hiểu nguyên nhân, điều tra làm rõ các vụ việc. Kết luận chung, vụ việc chặt phá bưởi hay bò chết bất thường đều do tác nhân con người gây ra nhằm mục đích trả thù cá nhân, phá hoại tài sản người khác.

Ông Nguyễn Minh Long, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê cho rằng, thực trạng vi phạm ANTT bằng thủ đoạn phá hoại sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn Hương Khê thời gian gần đây là rất đáng ngại. Tất cả cũng do nhận thức thiếu hiểu biết của người dân. Mâu thuẫn trong cuộc sống thì vô vàn nhưng cây trồng, vật nuôi không làm gì nên tội để kẻ xấu đang tâm đầu độc, chặt phá như vậy.


Khám nghiệm xác bò bị đầu độc tại xã Hương Đô

“Hiện nay còn nhiều vụ việc chưa tìm ra được thủ phạm, điển hình như vụ 8 con bò của hộ ông Vân bị đầu độc. Nguyên nhân đã được xác định do thù hằn cá nhân, tuy nhiên không hiểu vì sao đến nay đã hơn một năm trôi qua, Cơ quan điều tra vẫn chưa bắt được thủ phạm để xử lý. Một lần nữa tôi phải khẳng định vụ việc này rất nhiêm trọng, cần phải làm sáng tỏ để răn đe các đối tượng khác”, ông Long nói.

Chung quan điểm, một lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện Hương Khê nhấn mạnh: “Thực trạng giải quyết mâu thuẫn bằng các phá hoại sản xuất, chăn nuôi đang khiến cho tình hình ANTT ở địa bàn nông thôn trở nên bất ổn. Các vụ việc nếu không được làm sáng tỏ sẽ gây hoang mang trong nhân dân”.
 

Đến phá của tập thể

Không chỉ hủy hoại tài sản của cá nhân, nhiều đối tượng còn ngang nhiên phá hoại tà sản nhà nước.

Thời điểm đầu năm 2016, lợi dụng việc khai thác rừng trồng các vùng liền kề, một số hộ dân xã Phú Gia ngang nhiên sẻ phát nhiều ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 229 để trồng keo. Diện tích này trước khi cắt chuyển từ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm giao cho UBND xã Phú Gia quản lý đã được Ban giao khoán theo Nghị định 135/CP cho bà Phan Thị Tâm, ông Phạm Lê Huân, Âu Văn Thanh và Nguyễn Văn Phương. Để hiện thực hóa chủ trương giao đất, giao rừng cho nhân dân theo đề án 3952 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND xã Phú Gia thông báo thu hồi diện tích đất từng giao khoán cho các hộ trên để tổ chức phân chia lại.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hào, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Khê, quá trình xã thực hiện thu hồi đất, người dân cho rằng lợi ích bị “chia năm xẻ bảy” nên mới tạo thành vụ việc phá rừng nhằm thể hiện sự chiếm đoạt, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất. Sau khi điều tra, làm rõ vụ việc, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hà Tĩnh) đã khở tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội “hủy hoại rừng”.

Rừng của nhà nước và hộ dân đang bị xâm phạm, phá hoại vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống

Một vụ việc nổi cộm khác xảy ra vào cuối tháng 1/2018. Hàng chục người dân xã Hương Giang sử dụng dao, rựa kéo lên TK 222 chặt phá hàng trăm gốc thông hơn 15 năm tuổi của hộ ông Trần Đình Phúc, xóm Phố Hạ, xã Gia Phố chỉ vì mâu thuẫn con đường đi lên khu vực nghĩa địa.  “Vụ việc này vừa gây thiệt hại rừng nhà nước, vừa gây thiệt hại cho cá nhân ông Phúc. Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, vụ việc được giải quyết theo phương án hòa giải hai bên”, ông Hào thông tin.

Như vậy, rất nhiều vụ phá hoại sản xuất, chăn nuôi của cá nhân, tập thể xảy ra trên địa bàn huyện Hương Khê xác định được nguyên nhân, đối tượng. Tuy nhiên không ít sự vụ đang bị bỏ ngỏ, để lại thiệt hại, bức xúc cho người dân.

“Nếu không xử lý dứt điểm hoặc xử lý chưa đủ tính răn đe các đối tượng thì sẽ tạo thành tiền lệ xấu. Vì vậy, theo tôi cả hệ thống chính trị của huyện phải xác định rõ, khu vực Hương Khê vốn phức tạp từ nội tại người dân nên công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức cho họ là yếu tố cần phải làm nhất hiện nay”, ông Nguyễn Quang Hào nói thêm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.