| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy chế biến quặng làm khổ dân

Thứ Ba 21/05/2024 , 07:30 (GMT+7)

CAO BẰNG Đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, Nhà máy Sản xuất Chế biến tinh luyện Chì, kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ bị người dân tố gây ô nhiễm môi trường.

Dân mất ăn, mất ngủ

Phản ánh đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, các hộ dân sống tại các xóm Bình Đường, Phúng Liáng, Tổng Sơ, Lũng Cam thuộc xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng) đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động của Nhà máy sản xuất chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ.

Theo thông tin từ người dân, nhà máy này hoạt động sản xuất cả ngày lẫn đêm, việc đốt bùn chì, gây ra khí thải ô nhiễm lan tỏa khắp vùng quê yên bình. Khí thải này không chỉ gây ra mùi hôi thối nồng nặc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Nhà máy sản xuất chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ.

Nhà máy sản xuất chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ.

Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường này không chỉ dừng lại ở con người mà còn lan rộng đến cây trồng và vật nuôi. Nhiều cây ngô và cây trúc sào trong vùng đã bị vàng lá, không thể sinh trưởng và phát triển bình thường. 

Biên bản đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND - Chủ tịch UBND xã Phan Thanh với người dân tại các xóm Bình Đường - Phúng Liáng - Lũng Cam - Tổng Sơ.

Biên bản đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND - Chủ tịch UBND xã Phan Thanh với người dân tại các xóm Bình Đường - Phúng Liáng - Lũng Cam - Tổng Sơ.

Sự ảnh hưởng nghiêm trọng từ nhà máy chế biến chì kẽm của Hợp tác xã Thanh Kỳ không chỉ gây ra mối đe dọa trực tiếp đến môi trường sống mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cư dân địa phương.

Theo các thông tin phản ánh từ người dân, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tìm về và làm việc trực tiếp với một số hộ dân. Ông Bàn Quầy Phâu ở xóm Phúng Liáng cho biết, nhà máy luyện quặng của Hợp tác xã Thanh Kỳ được xây dựng và hoạt động từ năm 2008, từ ngày nhà máy đi vào hoạt động bao nhiêu năm thì cũng ngần ấy năm người dân sinh sống quanh khu vực chịu ảnh hưởng từ mùi hối thối nồng nặc từ khí thải của nhà máy.  

Thời điểm dịch Covid bùng phát, nhà máy dừng hoạt động được một thời gian nhưng sau đó lại hoạt động trở lại. Đỉnh điểm, vào đầu tháng 3/2023, nhà máy chế biến quặng chì kẽm của HTX Thanh Kỳ xả khói, gây mùi khó chịu, làm không khí bị ô nhiễm, ngột ngạt khiến người dân không tài nào chịu được. Quá bất mãn, hơn 40 người dân tại 4 xóm là Bình Đường, Phúng Liáng, Tổng Sơ, Lũng Cam đã phải sử dụng “hạ sách”. Theo ông Bàn Quầy Phâu cho biết, người dân đã cùng nhau lăn những tảng đá to ra đoạn đường làng Tài Bó thuộc địa bàn 2 xóm Phúng Liáng và Tổng Sơ chặn 4 chiếc xe tải chuyên chở nhãn hiệu HOWO của HTX Thanh Kỳ đang chạy theo hướng từ nhà máy của HTX ra tỉnh lộ 218 địa phận xã Phan Thanh với mục đích phản đối, không cho nhà máy hoạt động, trả lại không khí trong lành cho bà con và bản làng.

Ông Bàn Quầy Phâu (bên trái) ở xóm Phúng Liáng, xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng).

Ông Bàn Quầy Phâu (bên trái) ở xóm Phúng Liáng, xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng).

Sự việc sau đó đã được giải quyết và lắng xuống, tháng 5/2023 nhà máy cũng ngừng hoạt động. Thế nhưng ngày 9/1/2024, UBND tỉnh Cao Bằng lại cấp Giấy phép môi trường cho nhà máy tiếp tục hoạt động, thời gian thử nghiệm đến 18/5/2024. Tuy nhiên, trong quá trình nhà máy vận hành thử nghiệm vẫn gây ra mùi  khó chịu, khiến nhiều người có cảm giác nôn trớ, không ăn không ngủ được, nhiều diện tích hoa màu cũng bị ảnh hưởng.

Còn gia đình anh Bàn Giào Chiêu, từ khi nhà máy hoạt động trở lại đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình rất nhiều, anh Chiêu cho biết: “Nhà máy đốt cả ngày lẫn đêm, khí thải từ nhà máy bốc ra như mùi thuốc sâu, thuốc súng, gia đình tôi hít phải rất buồn nôn, choáng váng, càng về đêm nhà máy hoạt động với công suất lớn hơn nên không khí càng ngột ngạt, khó chịu, không thể ngủ nổi”.

“Hôm nào ít gió còn đỡ, có những hôm đúng luồng gió thổi từ khu nhà máy qua thì không chịu được, mùi nồng nặc khó chịu nhất là những hôm thời tiết âm u, có sương mù. Không những thế, nhiều cây ăn quả của gia đình như cây mận, cây chanh chỉ ra được quả nhỏ bằng đầu ngón tay rồi cũng bị chết khô rồi rụng hết”, anh Chiêu cho biết thêm.

Anh Bàn Giào Chiêu bức xúc vì hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối như thuốc súng.

Anh Bàn Giào Chiêu bức xúc vì hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối như thuốc súng.

“Góc khuất” trong những lần kiểm tra nhà máy

Trong quá trình tìm hiểu thực tế và làm việc với các hộ dân tại xã Phan Thanh, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện ra một thực trạng, nhiều công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ cũng chính là người dân địa phương.

Những công nhân này, dù phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo, vẫn buộc phải gắn bó với nhà máy để có nguồn thu nhập. Qua trao đổi với một số công nhân hiện đang làm việc tại nhà máy, họ thừa nhận rằng hoạt động của nhà máy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của cả cộng đồng. Khí thải từ nhà máy không chỉ lan tỏa khắp vùng quê, gây mùi hôi thối và ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tác động tiêu cực đến cây trồng và vật nuôi của người dân.

Người dân cung cấp hình ảnh về vườn trúc sào gần khu vực nhà máy bị ảnh hưởng từ năm 2023.

Người dân cung cấp hình ảnh về vườn trúc sào gần khu vực nhà máy bị ảnh hưởng từ năm 2023.

Theo anh P. (xin được giấu tên), một công nhân đang làm việc trong nhà máy cho biết, anh cùng một số người dân trong xã đang làm việc ở trong nhà máy, những lúc thải xỉ đồng ra, khói mùi như thuốc súng, hít vào rất khó thở. Anh P. cũng lo ngại về nguy cơ nhiễm độc chì sau thời gian dài làm việc. Hoạt động xả thải chủ yếu diễn ra vào đêm, vào các khung giờ khoảng 19, 20h và 5h sáng, khói đi đến đâu khiến ngô chết đến đấy.

Ngoài ra, anh P. còn tiết lộ, những lần có đoàn môi trường vào kiểm tra, phía nhà máy đều chuẩn bị dọn sạch sẽ từ hôm trước và sẽ có “bài” để tránh được sự kiểm tra. Cụ thể theo anh P. khi có đoàn kiểm tra, nhà máy sẽ giảm máy, giảm công suất hoạt động và sử dụng một loại vôi để tẩm, phun làm giảm lượng khói và mùi hôi thối. Ngoài ra, quá trình đốt liệu (bùn chì) cũng được chuẩn bị làm 2 loại, khi có đoàn kiểm tra sẽ đốt loại liệu đãi, ít khói, chỉ có mùi khét của chấu.

Còn theo chị P. một công nhân khác đang làm việc tại nhà máy cho biết: Nhà máy hoạt động cả ngày lẫn đêm, công nhân làm việc được chia theo 3 ca/ngày, cứ 5 ngày làm ca ngày rồi lại đổi sang 5 ngày làm ca đêm. Nhiều lúc đi làm thấy mùi rất khó chịu, không thở nổi, nhưng vì ở nhà không ai kiếm được tiền, không có việc làm nên mới phải đi làm cho nhà máy, chị P. được trả với mức lương là 6 triệu đồng/tháng.

Khung cảnh về đêm tại Nhà máy sản xuất chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ.

Khung cảnh về đêm tại Nhà máy sản xuất chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ.

Anh Triệu Ỳ Chán, Bí thư Chi bộ, trưởng xóm Lũng Cam, xã Phan Thanh cho biết, Nhà máy sản xuất chế biến tinh luyện chì kẽm thỏi của Hợp tác xã Thanh Kỳ hoạt động bị người dân phản ánh rất nhiều về khói bụi và mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến một số hoa màu như cây ngô và một số cây trồng khác. Người dân có mời lãnh đạo nhà máy đi thực địa cùng người dân xem và đánh giá những cây trồng bị ảnh hưởng, thế nhưng lãnh đạo nhà máy báo bận và không đi.

“Công ty đóng trên địa bàn, cũng ảnh hưởng rất nhiều. Hôm vừa rồi có đội môi trường ở tỉnh vào tham quan xem nhà máy và lấy khí thải. Nhà máy biết trước thông tin là đoàn kiểm tra vào lấy khí thải thì lại ngừng hoạt động, giảm quạt gió hết, không cho khói ra ống khói trên. Hôm sau tôi ra đấy thì khói lại lên và lại xuất hiện mùi hôi thối. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, tôi cũng phản ánh rất nhiều nhưng vẫn không được giải quyết”, anh Triệu Ỳ Chán cho biết.

Anh Triệu Ỳ Chán, Bí thư Chi bộ, trưởng xóm Lũng Cam, xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng).

Anh Triệu Ỳ Chán, Bí thư Chi bộ, trưởng xóm Lũng Cam, xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng).

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Bàn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh thừa nhận, quá trình nhà máy chế biến quặng chì - kẽm của HTX Thanh Kỳ hoạt động gây ra mùi hôi thối, khó chịu, người dân cũng phản ánh rất nhiều. UBND xã đã nhiều lần báo cáo UBND huyện nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm tỉnh trạng này.

“Đối với xã cũng như người dân rất mong muốn phát triển du lịch. Vậy nên việc nhà máy hoạt động gây mùi hôi thối hay ô nhiễm sẽ là rào cản rất lớn để thu hút khách du lịch đến với địa phương”, ông Thắng cho biết thêm.

Ngày 9/1/2024, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã ký Giấy phép môi trường số 14/GPMT-UBND cấp phép cho Hợp tác xã Thanh Kỳ có địa chỉ tại tổ 10, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Dự án đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến quặng chì - kẽm, xóm Lũng Cam, xã Phan Thanh. Thời hạn của giấy phép là 10 năm. Tổng diện tích khu vực thực hiện dự án là 4,73ha. Công suất dự án theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt: Chế biến chì thỏi 2.000 tấn/năm và chế biến kẽm thỏi 1.000 tấn/năm.

Nội dung giấy phép cũng chỉ rõ, Hợp tác xã Thanh Kỳ có trách nhiệm vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải đảm bảo chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi gây ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép và phải dừng ngay việc xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung để thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.