Không đủ tiền đầu tư
Cả hai bãi rác thải sinh hoạt ở huyện Chư Păh và thành phố Pleiku đã có tuổi đời từ hơn 10 năm, hiện đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Từng núi rác ở đây không kịp chôn lấp, xử lý theo đúng quy trình, gây nên tình trạng bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.
Tại huyện Chư Păh, bãi rác thải sinh hoạt ở thôn 2, xã Hòa Phú xây dựng từ hơn 10 năm trước. Hiện tại, bãi rác này đã quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Ghi nhận tại bãi rác này cho thấy, rác sau khi đốt xong thì được chôn lấp một góc. Tuy nhiên tại nhiều vị trí, lượng rác chưa được đốt tập kết la liệt, tràn cả ra đường đi. Mùi hôi xộc thẳng vào mũi gây cảm giác buồn nôn. Nơi đây cũng trở thành nơi mưu sinh của nhóm người chuyên nhặt phế hiệu. Có khoảng 5 tốp người thường trực hằng ngày để bới rác hòng thu nhặt những vật dụng, đồ dùng về bán ve chai. Những người này cho biết, do kiếm sống bên bãi rác đã lâu, nên đã quen với mùi hôi thối bốc lên từ rác thải.
Gia đình bà Phạm Thị Hương (thôn 2, xã Hòa Phú) sống gần bãi rác. Bà Hương cho biết: “Nhiều lúc, rác thải cháy tạo thành cột khói, cộng với việc bốc mùi hôi, gây ảnh hưởng nặng nề cuộc sống của gia đình. Mùi hôi từ bãi rác khiến gia đình tôi cũng như các nhà lân cận không chịu nổi. Con cháu về nhà chơi là đóng cửa không dám ra ngoài”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Chư Pah cho biết, bãi rác huyện Chư Pah là nơi tập kết rác được thu gom về từ các xã lân cận trên địa bàn. Rác sau khi tập kết về bãi sẽ được đốt, chôn lấp. Tuy nhiên bãi rác này hiện đã quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. “Phòng thường xuyên kiểm tra và yêu cầu đơn vị quản lý bãi rác có giải pháp hạn chế tình trạng này. Địa phương đã đưa vào kế hoạch đầu tư nhà máy xử lý rác với chi phí 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện ngân sách huyện không đảm bảo kinh phí để đầu tư. Trước mắt, phòng đề nghị đơn vị quản lý bãi rác thu gom, xử lý nhằm giảm thiểu mùi hôi”, ông Dũng cho biết.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Còn tại thành phố Pleiku, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt được quy hoạch tại làng B, xã Gào, thành phố Pleiku từ khoảng 13 năm trước. Bao quanh bãi xử lý rác là rừng thông. Đi sâu vào bên trong, từng đống rác chất cao như những quả đồi. Mùi hôi thối từ các núi rác bốc lên nồng nặc, gây cảm giác khó thở. Nước thải tràn ra ngoài, có màu đen và cũng bốc mùi hôi thối.
Bãi rác này nằm cách làng B (xã Gào) khoảng 1km. Từ nhiều năm qua, mùi hôi thối của bãi rác khiến người dân khu vực làng B vô cùng khốn khổ. Chị Y Giang (làng B, xã Gào) cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi bốc lên từ bãi rác. Ngoài ra, nước thải từ bãi rác chảy ra ruộng có nhiều màu, cũng bốc mùi. “Nhiều hôm ăn cơm không ngon vì mùi hôi theo gió bay vào nhà. Bà con ở đây mong muốn chính quyền sớm có hướng xử lý để giảm thiểu mùi hôi, không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bà con”, chị Y Giang nói.
Theo một lãnh đạo UBND xã Gào thì, bãi rác này chưa có hệ thống xử lý đúng chuẩn, đa phần là chôn lấp, xử lý thuốc, nên mùi hôi còn nhiều. Thực tế là bãi rác đã quá tải, thường xuyên bốc mùi. Ở trong UBND xã, có lúc cũng nghe mùi hôi từ bãi rác. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân ý kiến bãi rác gây ô nhiễm, qua đó kiến nghị đầu tư nhà máy. Xã cũng mong sớm đầu tư bãi rác. Hiện đã có chủ trương kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác nhưng chưa triển khai.
Tại thành phố Pleiku cũng như nhiều địa phương khác thuộc tỉnh Gia Lai, bện cạnh nhiều bãi rác được quy hoạch, có không ít những vụ trí bỗng dưng biến thành bãi rác tự phát. Tại thành phố Pleiku, với địa thế đồi núi, nhiều dốc, lại đang là mùa mưa nên sau mỗi trận mưa, rác thải tràn ngập ra cả đường phố, trôi vào nhà dân ven đường...