| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thách thức để nuôi biển vươn khơi

Thứ Hai 08/08/2022 , 07:03 (GMT+7)

Nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, công nghệ nuôi, hệ thống lồng bè chưa thích ứng biến đổi khí hậu...

Phải tổ chức lại sản xuất nuôi biển

Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề  “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, phải tổ chức lại sản xuất nuôi biển. Ảnh: KS.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, phải tổ chức lại sản xuất nuôi biển. Ảnh: KS.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế với bờ biển dài trên 3.260km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển.

Với sự quan tâm của Trung ương, của Chính phủ và Bộ NN-PTNT trong cách tiếp cận mới với biển, đề án về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT nghiên cứu làm thế nào để tiếp cận ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường một cách hài hòa nhất, lấy tinh thần giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng. Đây là quan điểm hết sức quan trọng.

Về phía Bộ NN-PTNT, cũng đã có chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị của Bộ làm sao hình thành tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thay vì tư duy sản xuất, sản lượng như trước kia. 

Theo ông Lê Quốc Thanh, việc đưa công nghệ mới, giải pháp mới, cách nhìn mới trong nuôi biển cần phải có chiến lược, vì không chỉ phát triển cho ngư dân mà còn phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường biển. Hơn nữa, phát triển nuôi biển không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành thủy sản, của hệ thống khuyến nông, mà còn liên quan tới tất cả các cơ quan của Bộ NN-PTNT và các địa phương.

Nuôi biển của ngư dân hiện nay chủ yếu lồng bè bằng gỗ, nhiều rủi ro trước thiên tai. Ảnh: KN.

Nuôi biển của ngư dân hiện nay chủ yếu lồng bè bằng gỗ, nhiều rủi ro trước thiên tai. Ảnh: KN.

Ông Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, hiện nay nuôi biển không thể theo hình thức cũ như từng ngư dân ra biển để nuôi, từng ngư dân đi bán sản phẩm hay từng ngư dân tìm giải pháp công nghệ, mà phải tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ chức hợp tác xã, tổ nhóm, hiệp hội hay các hình thức liên hết khác. Cùng với đó, phải kết nối với thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nuôi biển...

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, cả nước thả nuôi 9.000ha cá biển gồm gồm cá song, cá giò, cá tráp, cá hồng, cá vược, cá chim vây vàng, cá chim trắng, cá hồng và cá vược mõn nhọn và 4 triệu m3 lồng, với tổng sản lượng 57.837 tấn.

Thời gian qua, nghề nuôi biển đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo. Tuy nhiên nuôi biển nói chung và cá biển nói riêng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu…

Cần chuyển nhanh sang lồng HDPE

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, thách thức trong phát triển nuôi biển ở các tỉnh miền Trung là hầu hết có quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, nuôi ở vùng ven bờ và còn quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam. Ảnh: KS.

Ông cho rằng, việc di chuyển từ nuôi ven bờ ra xa bờ là đúng hướng, nhưng để làm được vấn này thì rất khó khăn. Thực trạng lồng bè nuôi hiện nay chủ yếu bằng gỗ, tre nên chỉ cần gió cấp 7 đã gây thiệt hại. Tương lai nuôi biển vì vậy cần phải chuyển sang nuôi công nghiệp. Nhưng làm sao chuyển lồng bè gỗ sang lồng HDPE là câu chuyện cần phải bàn giải pháp.

Vấn đề thách thức nữa trong nuôi biển là quy hoạch cũ của đã hết hiệu lực, nhưng quy hoạch mới chưa xong. Bên cạnh đó, hiện chưa tỉnh nào triển khai giao khu mặt nước lâu dài cho dân, dù đã có nghị định của Chính phủ về vấn đề này từ tháng 11/2021.

Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa xây dựng được tiêu chuẩn trại nuôi trên biển. Điều này khiến các cơ sở nuôi không thể thực hiện được việc đăng ký, đăng kiểm cho trại, kéo theo bảo hiểm, ngân hàng không thể tham gia vào cho dân vay vốn đầu tư nuôi biển…

Tại diễn đàn, hơn 30 câu hỏi của ngư dân được các nhà quản lý, khoa học trả lời liên quan về vấn đề quy hoạch, xây dựng vùng nuôi; quản lý, tổ chức sản xuất; cấp phép, giao quyền sử dụng mặt nước; cơ chế chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; vấn đề sản xuất, cung ứng giống, thức ăn, các công nghệ mới, kỹ thuật phòng dịch bệnh; công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nuôi trồng thủy sản; liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nuôi biển…

Nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Nuôi biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Trong đó, nhiều ngư dân thắc mắc về hiệu quả khi nuôi thủy sản bằng lồng HDPE và chi phí đầu tư lồng nuôi này. Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, ưu điểm lồng HDPE hơn hẳn lồng gỗ truyền thống là chịu được sóng gió, ít rủi ro. Khi nuôi lồng HDPE, cho năng suất đạt từ 15 - 20kg/m3, còn lồng gỗ chỉ từ 7 - 10kg/m3.

Hiện lồng HDPE với đường kính 10m, tương đương thể tích 500m3 có giá khoảng 180 triệu đồng; độ bền trên 20 năm, trong khi lồng gỗ chỉ 5 năm. Do đó, tính ra về chi phí đầu tư lồng HDPE sau 20 năm còn rẻ hơn lồng gỗ.

Về thực tế nuôi cá bớp bằng lồng HDPE thể tích 500m3 trên vịnh Vân Phong (Vạn Ninh) do Trung tâm triển khai, ông Khánh cho biết sản lượng trung bình đạt 5 tấn/lồng (do thả mật độ thấp), nhưng ngư dân có thể nuôi đạt sản lượng 10 tấn/lồng. Sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi hơn 100 triệu/lồng; tỷ suất lợi nhuận tăng 15 - 20% so với lồng nuôi cá truyền thống có cùng thể tích.

Về băn khoăn của ngư dân xung quanh chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng HDPE, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, riêng Khánh Hòa hiện UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT xây dựng cơ chế, chính sách giúp ngư dân chuyển đổi. Trước mắt về phía doanh nghiệp, Công ty nhựa Super Trường Phát có chính sách hỗ trợ 30% khi nông dân lắp đặt lồng nuôi HDPE.

Ngư dân tham quan mô hình nuôi lồng HDPE trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KN.

Ngư dân tham quan mô hình nuôi lồng HDPE trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KN.

Thông qua diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến để tổng hợp, báo cáo Bộ NN-PTNT những vướng mắc, cũng như cập nhập bổ sung nhằm phục vụ phát triển nuôi biển. Về phía sở NN-PTNT, trung tâm khuyến nông các địa phương, ông Hồng đề nghị tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh/thành phố để có các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề quy hoạch vùng nuôi, cấp quyền sử dụng mặt nước.

Đối với các viện nghiên cứu, đề nghị nghiên cứu về giống, công nghệ sản xuất, thị trường, nhất là thị trường quốc tế cần loại sản phẩm nào để phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp dựa trên thông tin kết quả từ diễn đàn, đề xuất đặt hàng các nội dung liên kết với hệ thống khuyến nông, HTX, nông dân để hợp tác cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm...

Đối với HTX, ngư dân, ông Hoàng Văn Hồng cũng cho rằng cần tổ chức sản xuất một cách hiệu quả như xác định rõ đối tượng nào phù hợp để sản xuất, sản xuất bán cho ai, đồng thời liên hệ với doanh nghiệp để cung ứng vật từ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện Tổng cục Thủy sản đang chủ trì sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP và nhiều chính sách như hỗ trợ một lần sau đầu tư 400 ngàn đồng/m3 lồng bè đối với nuôi từ 3 - 6 hải lý, 1 triệu đồng/m3 đối với lồng bè nuôi trên 6 hải lý; chính sách bảo hiểm, chính sách đào tạo nhân lực nuôi biển. Từ nay đến cuối năm, Tổng cục sẽ trình Chính phủ ban hành. Đối với cấp phép nuôi biển, ông Khôi đề nghị ngư dân liên hệ Sở NN-PTNT, việc giao vùng biển để nuôi biển có thể liên hệ với Sở TN-MT để được hướng dẫn.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.