| Hotline: 0983.970.780

Những chi tiết cải chính và quan điểm của báo NNVN

Thứ Ba 08/03/2011 , 09:41 (GMT+7)

Chúng tôi trở lại vụ việc Cty ICC kiện báo NNVN để độc giả hiểu rõ hơn về những tuyên buộc thiếu thuyết phục trong Bản án phúc thẩm số 194/2010/DSPT của TAND TP Hà Nội.

Như chúng tôi đã thông tin trên số báo ra ngày 7/3, hôm nay chúng tôi trở lại vụ việc Cty ICC kiện báo NNVN để độc giả hiểu rõ hơn về những tuyên buộc thiếu thuyết phục trong Bản án phúc thẩm số 194/2010/DSPT của TAND TP Hà Nội. Cũng xin nhắc lại, những vấn đề này chúng tôi đã có đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân Tối cao theo trình tự Giám đốc thẩm với niềm tin công lý sẽ được bảo vệ.

>> Cải chính

Nhận được "Đơn kêu cứu” của 12 hộ dân ở ngõ 2 phố Đội Nhân đề ngày 25/1/2005 và 15/3/2005, có nội dung “ngày 13/12/2004, tại cổng chính của Cty ICC (số 2-4 Đội Nhân, Hà Nội), họ trương lên bản panô quy hoạch xây dựng nhà chung cư và nhà vườn (biệt thự), quy hoạch thiết kế ngay trên nhà của khu tập thể chúng tôi, hơn thế nữa… họ đã rao bán nhà trên đất ở của các hộ chúng tôi đang ở”. Căn cứ điều 15 Luật Khiếu nại - Tố cáo, Ban biên tập báo NNVN đã cử PV Nghiêm Thị Hằng đi xác minh, và đã làm rõ: Trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam số 199 có đăng tin “Bán một số căn hộ số 2-4 Đội Nhân, Ba Đình, giáp sân thể thao Quần Ngựa, DT 80; 76; 105; 125; 257 m2. Khách hàng được chọn tầng, căn, DT và ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư”.

 Như vậy, đơn thư của các hộ dân là đúng. Để tiếp tục làm rõ, ngày 4/4/2005, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã có buổi làm việc với ông Trần Nhật Quang, nguyên Chủ tịch UBND phường Cống Vị quận Ba Đình (phố Đội Nhân nằm trên địa bàn phường Cống Vị), người trực tiếp chỉ đạo giải quyết GPMB tại số 2-4 Đội Nhân. Sau buổi làm việc đó, trên báo NNVN số 70 ngày 8/4/2005 đã đăng bài: “Chưa đền bù GPMB mà ICC đã rao bán nhà chung cư là không nên”. Xin lưu ý rằng cái “tít” của bài báo đó là lời ông Quang trong buổi làm việc nói trên với nhà báo Nghiêm Thị Hằng.

Khi được hỏi về việc được giao đất tại số 2-4 Đội Nhân từ ngày 17/12/2002 đến nay (4/4/2005) đã hơn 2 năm 4 tháng, ICC đã triển khai được những gì, đầu tư được gì trên diện tích đất trên? Ông Quang trả lời: “Theo tôi, dự án này mới ở giai đoạn khởi động. Tháng 3/2003 họp Hội đồng định giá. Tháng 9/2004 mới thành lập được Hội đồng GPMB của quận, tháng 10/2004 thành lập tổ GPMB của phường, cho đến nay (4/4/2005) chưa tiến hành đền bù và chưa giải phóng xong mặt bằng tại số 4 Đội Nhân”. Trả lời một câu hỏi khác của nhà báo Nghiêm Thị Hằng, ông Quang cũng nói rất rõ ràng: “…ICC có thể huy động vốn bằng nhiều cách, song khi chưa GPMB, chưa đầu tư hạ tầng cơ sở mà đã rao bán theo bản vẽ thiết kế là chưa đúng lúc. Khi còn là chủ tịch phường Cống Vị tôi đã phê bình việc làm này của ICC”.

Thế nhưng trong đơn khởi kiện của mình, ICC lại cho là báo NNVN nói sai sự thật, vì ICC đã bồi thường GPMB xong, và cũng không đăng quảng cáo bán nhà. Như chúng tôi đã có lần nêu ý kiến, là báo NNVN đã đăng nội dung cuộc làm việc giữa nhà báo Nghiêm Thị Hằng với ông Trần Nhật Quang. Nếu ông Quang cho là báo NNVN đã đăng sai lời ông nói, thì quyền khởi kiện này là của ông Quang chứ không phải của ICC. Vậy sự thực, cho đến thời điểm đó (4/4/2005) ICC đã bồi thường GPMB xong chưa?

Bản án phúc thẩm số 194/2010/DSPT của TANDTP Hà Nội cho rằng Cty ICC “đã thực hiện xong việc bồi thường GPMB, khoan thăm dò địa chất. Việc này được thể hiện ở các tài liệu như phiếu ủy nhiệm chi lập ngày 23/5/2002 giữa ICC và Cty Lương thực Hà Nội (CTLTHN) là đơn vị bị thu hồi đất tại số 2-4 Đội Nhân để giao cho ICC. ICC đã trả xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho CTLTHN”.

Bồi thường và GPMB là hai công đoạn khác nhau nhưng luôn đi liền với nhau trong quá trình thu hồi đất. Theo quy định của pháp luật, thì cơ quan, tổ chức hay cá nhân khi bị Nhà nước thu hồi đất sẽ được nhận tiền bồi thường. Và chỉ sau khi đối tượng bị thu hồi nhận được tiền bồi thường, bàn giao đất cho ban GPMB, thì việc GPMB mới được tiến hành. Tại thời điểm đó, tuy ICC đã trả tiền bồi thường cho CTLTHN, nhưng Cty Đại Dương, một doanh nghiệp liên doanh với CTLTHN vẫn đang sử dụng đất tại số 4 Đội Nhân. Do tranh chấp về hợp đồng liên doanh nên UBNDTP Hà Nội có quyết định giữ nguyên hiện trạng (năm 2008 Cty Đại Dương mới chuyển đi nơi khác). Và 12 hộ dân ở ngõ 2 Đội Nhân vẫn đang khiếu kiện khắp nơi. Thế thì làm sao gọi là “tại thời điểm đó ICC đã thực hiện xong việc bồi thường GPMB” được? Ông Trần Nhật Quang đã nói đúng và báo đã đăng đúng.

Còn việc ICC cho là mình không rao bán nhà. Việc NNVN đăng như vậy là ảnh hưởng đến uy tín của mình, ICC đã đưa ra một văn bản của Cty Trường Thành, với nội dung một số “cộng tác viên” đã mang tới Cty những thông tin về dự án 2-4 Đội Nhân, và Cty đã đưa thông tin đó lên báo mà không kiểm chứng, việc đưa thông tin này đã “gây ảnh hưởng” tới dự án. Như vậy là đã rõ, cơ quan “gây ảnh hưởng” tới ICC không phải là báo NNVN mà là Cty Trường Thành. Thế nhưng trong bản án số 194 nói trên, HĐXX phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên buộc báo NNVN phải cải chính 2 điều mà nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã viết đúng, báo đã đăng đúng đó.

Tiếp theo, bản án tuyên buộc báo NNVN phải cải chính các thông tin sau trên số báo 76 ngày 18/4/2005:

“ +…Cty ICC đã vẽ dự án sang cả phần đất ở ngõ 2 của chúng tôi”

“ +…Với những con số 35 tỷ đồng một năm nộp vào ngân sách…của Cty nêu trong bài báo, phải chăng đây là những con số lừa đảo?”.

Tức là tòa cho rằng Cty ICC không vẽ dự án sang phần đất ngõ 2 của 12 hộ dân, và một năm Cty này nộp NS 35 tỷ đồng là đúng. Sự thực ra sao? Sau số báo 70, để rộng đường dư luận, trên số báo 72 ngày 12/4/2005, NNVN đã cho đăng ý kiến của Cty ICC, và trên số 76 ngày 18/4/2005, NNVN lại cho đăng ý kiến của 12 hộ dân ở ngõ 2 Đội Nhân. Vì là ý kiến của các bên, nên báo NNVN đã tôn trọng tuyệt đối, đăng trung thực. Câu “Cty ICC đã vẽ dự án…” là ý kiến của 12 hộ dân. Nếu họ nói sai, thì ICC chỉ có quyền kiện họ chứ không thể kiện báo NNVN.

ICC có nộp ngân sách một năm 35 tỷ không? Để trả lời câu hỏi này, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã trình tòa những văn bản có tính pháp lý rất cao, không thể bác bỏ mà chị đã thu thập theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Đó là biên bản thanh tra, quyết toán thuế của Cục Thuế Hà Nội tại cơ sở kinh doanh của ICC; Thông báo của Tổng cục Thuế gửi UBNDTP Hà Nội; Biên bản làm việc giữa Tổng giám đốc ICC Hoàng Kim Đồng với cán bộ C15 Bộ Công an…

Tất cả đều nói lên một điều: Dù ICC có biện minh đến đâu thì ICC cũng không sao đưa ra được một văn bản chứng minh rằng mình đã nộp ngân sách một năm 35 tỷ. Câu hỏi của 12 hộ dân là có căn cứ.

Thế nhưng họ đã nói đúng. ICC đã vẽ dự án lan sang cả ngõ 2 Đội Nhân rồi lập tờ trình UBNDTP Hà Nội thu hồi 3.546 m2 đất. Nếu UBND TP Hà Nội cứ căn cứ vào tờ trình đó mà ra quyết định thu hồi, thì cả 12 hộ dân đã mất ngõ đi, trong đó có 5 hộ không chỉ mất ngõ mà còn mất cả đất ở. Chính vì họ khiếu nại, và khiếu nại của họ được đăng trên báo NNVN, nên theo đề xuất của Thanh tra thành phố, UBND TP Hà Nội mới có quyết định điều chỉnh lại diện tích, ranh giới đất tại 2-4 Đội Nhân. Và sau lần điều chỉnh này, diện tích tại 2-4 Đội Nhân của ICC chỉ còn 2.832 m2, 12 hộ dân đã được trả lại ngõ, được đưa ra khỏi dự án của ICC. Có thể nói tiếng kêu cứu của họ, với sự tiếp sức của báo NNVN, đã được UBND TP Hà Nội nghe thấu. Sự thực đã rõ như ban ngày. Tại tòa, mọi chứng cứ đã được nhà báo Nghiêm Thị Hằng đưa ra để chứng minh.

Trên số báo 72, ICC khẳng định một năm Cty nộp ngân sách 35 tỷ đồng. Còn trong số báo 76, trong ý kiến của mình, các hộ dân đã nêu một câu hỏi nghi vấn, nguyên văn như sau “Cty ICC mới được thành lập tháng 4/2001, với những con số một năm nộp ngân sách 35 tỷ và 300 CBCNV mà Cty nêu ra, phải chăng là những con số lừa đảo?”. Điều hài hước nhất là trên đời này, không ai lại đi kiện một câu hỏi, và không kiện người hỏi mà lại đi kiện một tờ báo đã đăng câu hỏi đó, với mục đích chuyển tải thông tin để bên bị hỏi có thể trao đổi lại với bên hỏi, để hai bên hiểu nhau hơn. Thế nhưng ICC vẫn kiện, và Tòa vẫn thụ lý là hà cớ gì(?). (Còn nữa)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất