Làng Ogimachi ở Shirakawa được UNESCO công nhận là di sản. Ở đó người ta bảo tồn nguyên vẹn lối kiến trúc và lối sống của cư dân nông nghiệp Nhật.
Ogimachi có hơn 600 khẩu sống trong những ngôi nhà gỗ mái lợp rạ dày cả mét khi thay thế cần tới hàng trăm người trèo lên. Mái rạ dày giúp cho người trong nhà giữ ấm khi lớp tuyết cao lút nóc nhà vào mùa đông. Trong những ngày giá rét dân làng hầu như không ra khỏi cửa. Lửa luôn cháy rần rật ở trên bếp, còn sakê luôn nóng bốc hơi ở trên bàn.
Làng kiếm sống bằng du lịch là chính nhưng nghề nông vẫn được bảo tồn. Tới tháng sáu, nông dân mới bắt đầu mùa vụ với giống lúa tẻ Nhật điển hình hạt tròn vo như gạo nếp, giá bán mỗi cân từ 100 - 150.000 đồng tiền Việt Nam.
Mấy năm trước, vài thửa ruộng cằn ở góc làng bị lấp đi làm bãi đỗ xe đã tạo nên một cơn địa chấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến cả nước Nhật phẫn nộ. Nông thôn Nhật có điều kiện sống không hề kém so với đô thị thậm chí nhiều nơi còn hơn. Nhà nào đều có một mảnh vườn xinh xắn với cây cối được cắt tỉa gọn gàng, có gara, có sân chơi, có chuồng nuôi động vật cảnh.
Những mảnh ruộng quanh Ogimachi nhỏ như những manh chiếu. Vừa độ tuyết tan lộ ra màu đất nâu khô cằn đầy đá sỏi. Do địa hình núi đồi nên ruộng đồng ở Nhật được thiết kế theo dạng bậc thang, trừ làm đất và thu hoạch bằng máy hầu hết công việc của nhà nông vẫn cần sử dụng đến sức người.
Một làng Nhật truyền thống
Đất không được tưới tắm bằng phù sa sông mà bằng nước băng tan trên núi hoặc nước máy, bờ ruộng phủ kín bằng bạt ngăn cho cỏ rả khỏi mọc. Không có chuyện dồn điền đổi thửa cũng không có những cánh đồng thẳng cánh cò bay như ở ta nhưng ruộng đồng được chăm chút tỉ mỉ, được trồng đủ thứ.
Có những người Tây đến định cư tại các vùng nông thôn Nhật để mua các nông sản, chế ra các món ăn Tây và bán với giá cũng Tây luôn. Thu nhập của nông dân không ít người ngang với người dân thị thành, thậm chí lương của thợ thủ công còn cao hơn lương kỹ sư nhà máy (trung bình lương quy đổi ra tiền Việt khoảng 70 - 80 triệu đồng/tháng).
Thế nhưng nông thôn Nhật rất vắng người trẻ bởi cuộc sống đô thị luôn hấp dẫn tầng lớp này hơn. Bà Masada ở tỉnh Kanazawa cho tôi hay đứa con gái của bà là một trong những thanh niên hiếm hoi chịu ở làng: “Làng giờ toàn người như tôi (71 tuổi) trở lên thôi”.
Người Nhật nổi tiếng trong việc ăn uống khoa học, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa phát triển tối đa trí não với lượng calo được tính chuẩn xác cho từng đối tượng làm việc. Ngũ cốc gồm cơm, mì và khoai lang còn thức ăn gồm chủ yếu là cá nướng, cá hấp bà đặc biệt là các loại cá ngừ, cá chích, cá hồi ăn sống.
Chính bởi thói quen ăn sống này nên người phục vụ trong các quán ăn Nhật ngoài bắt buộc phải khám sức khỏe ra trước khi bắt tay vào làm việc hằng ngày đều phải trải qua quy trình 8 lần rửa tay. Lần đầu rửa bằng xà phòng, lần hai rửa bằng chất khử trùng đặc biệt, lần ba, lần bốn, lần năm, lần sáu, lần bảy, lần tám rửa bằng nước sạch.
Cá sống thái mỏng chấm nước tương pha mù tạt gọi là sashimi, còn cá sống thái mỏng bọc kèm một miếng cơm ngoài cùng gói lại bằng miếng rong biển gọi là sushi. Có một loài cá sông duy nhất được lên bàn ăn, quý tương tự như cá anh vũ ở ta còn người Nhật hầu như chỉ dùng cá biển.
Ngoài ăn sống cá, dân xứ này còn ăn sống cả… thịt bò. Bò Úc ở Nhật bán rất rẻ, khoảng 200.000đ/kg nhưng bò Kobe lại có giá 8-10 triệu đồng/kg, đắt hơn 40-50 lần. Bởi đắt đỏ nên nhiều người bản địa cũng chưa hề nhìn thấy chứ chưa nói đến nếm thử cho biết loại thịt bò trứ danh vốn được gọi là thần hộ ngưu này.
Kobe nằm trên đảo Honshu. Địa hình miền núi chia cắt khiến cho tiểu khí hậu, cây cỏ, mạch nước ngầm ở đây rất đặc biệt. Người Nhật bắt đầu nuôi giống bò Kobe vào khoảng thế kỷ thứ 2 chỉ để làm các công việc nhà nông như kéo lúa, thồ hàng vì sức khỏe đặc biệt của chúng và vì hồi đó con người chưa biết ăn…thịt bò.
Bò Kobe và thịt bò Kobe
Khi bò nặng khoảng gần 5 tạ, người ta mới đem chúng đi giết thịt, không quên đánh mã số kèm theo giấy chứng nhận xuất xứ Kobe cho mỗi mẫu hàng. Nghiêm ngặt là thế nên mỗi năm chỉ có 3.000 - 4.000 con bò Kobe xuất bán ra thị trường, muốn đặt hàng có khi phải chờ cả vài tháng. Ngoài ở xứ anh đào trên thế giới chỉ có Macao và Hồng Kông là có thịt bò Kobe thật bày bán, còn tất cả các quốc gia khác kể cả Mỹ hay Việt Nam dù bỏ ra một số tiền lớn cũng chỉ có thể mua được thứ thịt bò na ná như Kobe… |
Khi thịt bò dần phổ biến, dân sở tại phát hiện ra loại bò thồ hàng này thịt thơm ngon đặc biệt nên đã chuyển hướng từ nuôi lấy sức kéo sang lấy thịt và hình thành một công nghệ chăn nuôi bò độc đáo nhất thế giới.
Mỗi trang trại bò Kobe chỉ được phép nuôi từ 10-15 con để dễ bề kiểm soát, chăm sóc. Từ nhỏ, các chú bê được cho ăn bằng lúa non, cỏ tươi, uống nước tinh khiết thậm chí là uống bia, tắm bằng nước ấm.
Người ta tin rằng chất lượng thịt bò ngon hay không phụ thuộc vào độ hạnh phúc của con bò. Chính vì vậy, ngoài việc được massage hằng ngày bằng bàn chải mềm chúng còn được nghe nhạc cổ điển của những nhà soạn nhạc danh tiếng thế giới như Chopin, Mozart.
Theo các nhà khoa học, massage không chỉ giúp con bò thư giãn mà giúp cho mỡ của nó quyện vào trong thịt tạo thành thớ thịt vân cẩm thạch, khi ăn mượt mà như muốn tan trong miệng. Bò được nghe nhạc để thực sự vui vẻ, không bị stress, không tiết ra bất kỳ chất có hại nào ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
Từ làng Ogimachi tới tỉnh Takayama đường cứ xuyên núi mà đi, không vòng vèo lên đèo, xuống dốc. Từ hầm này thoát ra, mắt chưa kịp mở cho quen với ánh sáng mặt trời đã nheo lại khi xe vùn vụt lao vào một đường hầm khác.
Hầm nối hầm, tôi đếm cả thảy có 12 cái, ngắn cũng 0,5 km, dài phải trên 11 km. Thế nhưng độ dài đó chưa là gì so với đường hầm xuyên núi dài nhất Nhật Bản với kỷ lục 16 km. Rất nhiều đường hầm được làm cách đây đã 30 - 40 năm.
Ngoài đào đường hầm xuyên núi, Nhật còn nổi tiếng với chuyện xây cầu. Toàn đất nước trải dài theo biển đảo này có khoảng 700.000 cây cầu lớn nhỏ, hầu như giao thông trong các thành phố đều đi trên cầu.
Hồi thiết kế cầu Cần Thơ, Nhật đã cử ba kỹ sư dày dạn kinh nghiệm sang làm tư vấn. Khi sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ khiến cho nhiều người chết, chính phủ nước này đã không hiểu tại sao những kỹ sư của mình vốn giỏi là thế lại để tai nạn đáng tiếc ấy xảy ra.