| Hotline: 0983.970.780

Những dự án CPO Nông nghiệp cần đề cao vai trò của người dân

Thứ Ba 18/01/2022 , 19:39 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Bất cứ dự án nào cũng phải đầu tư đúng, hiệu quả cho người dân, địa phương, tránh tư tưởng làm qua quýt...

Ngày 18/1, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (CPO Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dự và chỉ đạo hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tổng kết và chỉ đạo Hội nghị công tác Ban CPO Nông nghiệp năm 2021. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tổng kết và chỉ đạo Hội nghị công tác Ban CPO Nông nghiệp năm 2021. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều dấu ấn

Năm 2021, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (CPO Nông nghiệp) thực hiện nhiều nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT giao, đặc biệt là công tác kế hoạch vốn. Tổng số vốn thuộc Ban quản lý là 858.320 triệu đồng (vốn ODA là 653.078 triệu đồng, vốn đối ứng 205.242 triệu đồng). Trong đó, vốn do Bộ NN-PTNT quản lý giao trực tiếp các CPMU (ban quản lý dự án) là 71.970 triệu đồng. Kết quả giải ngân năm 2021 ước tính đến 31/01/2022 là 67.119/71.970 triệu đồng, đạt 93% kế hoạch vốn Bộ giao.

Trong năm, CPO Nông nghiệp còn duy nhất 1 dự án là VnSAT đang thực hiện. Ước tính đến hết 31/01/2022, các CPMU thuộc dự án VnSAT giải ngân được 629.000 triệu đồng đồng, đạt 80% kế hoạch giải ngân điều chỉnh. Kết quả giải ngân các dự án thuộc CPO Nông nghiệp bao gồm cả vốn Bộ và vốn địa phương quản lý là 696.119 triệu đồng, đạt 81% kế hoạch năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong thời gian qua. Ông ghi nhận nỗ lực của tập thể Ban, nhất là trong bối cảnh cơ chế hoạt động, thu nhập của người lao động nhiều lúc chưa được đảm bảo. Đây là Ban rất lớn, lúc cao điểm có đến 200 người, với vốn giải ngân lên tới hàng tỷ USD.

Một trong những dấu ấn của năm 2021, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh là về lúa gạo. Trong năm, tổng diện tích lúa cả nước giảm khoảng 400.000ha, nhưng tổng sản lượng cả năm đạt 43,88 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020; đồng thời năng suất trung bình đạt 60,6 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha, trong đó có đóng góp quan trọng từ dự án VnSAT.

Dự án VnSAT đã đóng góp quan trọng vào chuyển biến tích cực của ngành lúa gạo trong những năm qua. Ảnh: BT.

Dự án VnSAT đã đóng góp quan trọng vào chuyển biến tích cực của ngành lúa gạo trong những năm qua. Ảnh: BT.

VnSAT là dự án lớn, bao gồm nhiều hạng mục như đầu tư, vốn sự nghiệp, chi hường xuyên, và được thực hiện ở 13 tỉnh, thành phố trải dài khắp đất nước là An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng. 

Dự án được kéo dài thêm 18 tháng, sẽ đáo hạn vào 30/6/2022 nhưng vẫn được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận xét, CPO Nông nghiệp đã phối hợp tốt với địa phương, đề xuất Bộ NN-PTNT và WB thông qua danh mục 119 tiểu dự án đầu tư công tại các tỉnh và 2 tiểu dự án vườn ươm thuộc dự án VnSAT.

Đến nay, 119 tiểu dự án trao thầu và đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Các CPMU hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công 117 tiểu dự án với số vốn 1600 tỷ đồng trong năm 2021, đẩy nhanh tiến độ thi công các tiểu dự án. Tính đến 31/12/2021, dự án hoàn thành trên 50% khối lượng hợp đồng. "Đây là khối lượng công việc lớn, phức tạp, đã tạo sự tin tưởng của Bộ NN-PTNT, nhà tài trợ", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ.

Sang năm mới 2022, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu CPO Nông nghiệp sớm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch cho các dự án mới, với khoảng 500 tỷ đồng, trong đó có dự án VnSAT. Các hướng dẫn cho địa phương cũng cần triển khai ngay từ đầu năm, để kịp tiến độ hoàn thành.

Với vai trò là chủ đầu tư các dự án, CPO Nông nghiệp cần phải hiện nhanh chóng, quyết liệt và đồng bộ công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ công tác quản lý, đẩy nhanh công tác quyết toán hoàn thành, giải ngân dự án VnSAT.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban CPO Nông nghiệp thừa nhận một số hạn chế như: Công tác quyết toán hoàn thành dự án ở các địa phương còn chậm, tổng hợp toàn dự án không đạt quy định. Ngoài ra, do dự án mới chưa được phê duyệt, công việc giảm, tâm lý, tinh thần cán bộ khi chuyển đổi mô hình tập trung bị ảnh hưởng.

Ông Hiến kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, sớm giao kế hoạch vốn năm 2022 để hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn khoảng 500 tỷ đồng. Ông cũng mong sự hỗ trợ từ Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) trong việc xây dựng, đề xuất dự án mới, đặc biệt là các hoạt động thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện, và quan hệ với các bộ, ngành trong quá trình thẩm định đề xuất dự án và nhà tài trợ để vận động vốn viện trợ không hoàn lại. 

Ông Lê Văn Hiến (đứng), Trưởng Ban CPO Nông nghiệp phát biểu tại hội nghị ngày 18/1. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Văn Hiến (đứng), Trưởng Ban CPO Nông nghiệp phát biểu tại hội nghị ngày 18/1. Ảnh: Bảo Thắng.

Định hướng nông nghiệp xanh

Bước sang năm 2022, CPO Nông nghiệp tập trung hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, xây dựng tổ chức thực hiện 3 dự án gồm: Phát triển thủy sản bền vững; Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu; Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 - 2025.

CPO Nông nghiệp cũng góp phần vào chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gồm các dự án: Phát triển Thủy sản bền vững (vốn vay WB); Phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam (vay vốn ADB); Thực phẩm nông nghiệp an toàn tại Việt Nam (vốn vay WB); Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển vùng ĐBSCL (vay vốn ADB); Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp (vay vốn WB) và các dự án ngân sách nhà nước khác. 

Nhiệm vụ nặng nề, kết hợp với việc nhiều dự án chưa hoàn tất thủ tục quyết toán, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu CPO Nông nghiệp trước mắt động viên tâm lý cán bộ, công nhân viên, người lao động; tránh tình trạng tồn đọng dự án, mệt mỏi kéo dài bởi dự án duy nhất đang triển khai là VnSAT hiện chủ yếu thực hiện ở địa phương, dẫn đến khó khăn về quản lý.

"Ban CPO Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) nghiên cứu cách làm bài bản, căn cơ, chi tiết, đi đúng trọng tâm. Chúng ta phải làm thật chi tiết, cụ thể, không để thiệt hại đến những người làm thật, tránh tình trạng không biết lỗi của ai", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.

Gợi mở vấn đề về các giá trị nhân văn, đồng thời đề cao vai trò của lãnh đạo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong CPO Nông nghiệp chủ động sớm trong công việc quyết toán, thanh tra, kiểm tra, rà soát dự án. Ông quan điểm rằng tiền nào cũng là thuế của dân. Do đó, bất cứ dự án nào cũng phải đầu tư đúng, hiệu quả cho người dân, địa phương, tránh tư tưởng làm qua quýt. Từng đồng vốn chi phải kiểm soát chặt chẽ, tạo ra hiệu quả thực. 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho CPO Nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho CPO Nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chia sẻ tâm huyết với định hướng chuyển biến về nhận thức, hành động, hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, giúp giảm phát thải khí nhà kính, phát thải các bon như những gì Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP 26.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hầu hết các nhà tài trợ hiện nay đều không muốn kéo dài dự án, mà muốn tái đầu tư, thu hồi vốn sớm để phát triển các chuỗi liên kết bền vững. Qua những trao đổi với ông Cao Thăng Bình, đại diện WB trong việc triển khai dự án VnSAT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thấy rằng mỗi dự án khi triển khai cần lan tỏa đa giá trị, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở cả đời sống kinh tế - xã hội.

Dẫn lại ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc lấy nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận: "Tất cả phải phối hợp nhịp nhàng, thông suốt để khớp thành một bức tranh chung, phát triển tổng thể ngành nông nghiệp, hướng tới chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp".

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) lưu ý: CPO Nông nghiệp cần bổ sung những báo cáo liên quan đến người dân, địa phương khi triển khai các dự án. Ông cho rằng, đây là cơ sở để nhà tài trợ giải ngân tiếp, cũng như là giải pháp để các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tuyên truyền, vận động dự án mới. 

"Trong thời đại 4.0, chúng ta cần đa dạng các nguồn vốn đầu tư, không chỉ từ WB, mà còn có thể từ ADB, JICA, hoặc một số đơn vị khác. Các đơn vị cần tham mưu, trước khi trình lãnh đạo Bộ NN-PTNT những dự án khả thi, phù hợp với năng lực triển khai trong thực tế", ông Tuấn nói.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.