| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

Những tổ chức nông dân tiên phong

Thứ Tư 22/07/2020 , 06:01 (GMT+7)

Từ mô hình điểm của dự án VnSAT hỗ trợ, nhiều tổ chức nông dân ở Tây Nguyên thấy được hiệu quả và chủ động mở rộng mô hình.

Sau 2 năm tái canh, vườn cà phê 0,5ha của gia đình ông Lưu Như Bính ở xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông cho trái nhiều. Ảnh: Minh Hậu.

Sau 2 năm tái canh, vườn cà phê 0,5ha của gia đình ông Lưu Như Bính ở xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông cho trái nhiều. Ảnh: Minh Hậu.

Cây nhanh cho trái

Bước sang mùa mưa thứ 3, những cây cà phê tái canh của gia đình bà Lê Thị Minh ở xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã có sải cành dài đến 1,5m và “ôm” đầy trái non. Để đảm bảo năng suất cho vụ thu hoạch chính vào cuối năm nay, gia đình bà đang gấp rút bón phân, tỉa chồi và phun thêm thuốc phòng trừ bệnh thán thư.

Bà Minh chia sẻ, gia đình trồng cà phê từ những năm 80 của thế kỷ trước và đến khoảng 2017 thì gia nhập vào Tổ hợp tác Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh).

Sau thời gian vào tổ hợp tác, gia đình bà được dự án VnSAT chọn làm mô hình điểm tái canh. Sau 3 năm, toàn bộ cây lứa tái canh đã trưởng thành và rất ít dịch bệnh, trái cũng rất nhiều.

Cùng với việc tái canh, gia đình bà Minh còn xây dựng mô hình cà phê bền vững. Hiện nay, ở diện tích cà phê mới, bà trồng xen thêm sầu riêng, bơ để cải thiện nguồn thu nhập.

Tại một số vị trí trong vườn, gia đình bà cũng trồng xen dâu để lấy lá nuôi tằm. Nữ nông dân cho biết, việc tái canh theo quy trình của dự án VnSAT kết hợp với sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật của dự án nên vườn phát triển trội hơn hẳn so với các vườn xung quanh, cây ít nhiễm bệnh, giảm được rủi ro.

Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Bình (huyện Đăk Song, Đăk Nông):

Diện tích cà phê trên địa bàn xã hiện nay là khoảng 3.200ha và những diện tích được dự án VnSAT hỗ trợ đều có tính bền vững. Cũng chính sự hỗ trợ này mà sản phẩm làm ra có chất lượng hơn so với cách làm cũ. Chắc chắn một điều rằng, sau khi được tập huấn kỹ thuật và sản xuất cà phê theo quy trình mới thì người dân sẽ thay đổi được nhận thức. Họ sẽ bỏ cách làm cũ hiệu quả thấp để thực hiện quy trình, cách làm mới hiệu quả cao. Họ sẽ dần bỏ hình thức tự cung tự cấp như trước đây để đi theo hướng vào HTX, tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất khoa học, bài bản”.

Ông Lưu Như Bính, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông) chia sẻ, gia đình ông được dự án VnSAT hỗ trợ tái canh 0,5ha cà phê và lứa này đã bước sang năm thứ 2.

Cầm những cành cà cong vút, trái non chi chít ở những mắt lá, ông Bính không dấu được niềm vui thổ lộ: “Mới năm thứ 2 thôi nhưng trái rất nhiều. Cây lớn nhanh nên tôi đã bấm đọt để phát triển tán.

Ngày trước, việc tái canh được làm tỉ mỉ, khoa học từ khâu cải tạo đất, chọn giống đến quy trình, kỹ thuật chăm sóc nên cây khỏe, lớn nhanh. Đặc biệt là trái nhiều và đều hơn so với cà phê cũ.

Ở HTX Đoàn Kết, các mô hình tái canh do dự án VnSAT hỗ trợ đều phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao. Tỉ lệ cây chết, cây nhiễm bệnh là con số rất ít và ít hơn gấp nhiều lần so với phương thức tái canh truyền thống".

Mở rộng mô hình

Trước những thành công bước đầu, gia đình bà Lê Thị Minh đang ấp ủ thực hiện tái canh nốt diện tích cà phê già cỗi còn lại.

Bà cho hay, trong trường hợp dự án VnSAT không còn hỗ trợ, gia đình bà vẫn tự bỏ vốn ra để tái canh thực hiện theo mô hình mới của dự án VnSAT. Kỹ thuật cải tạo đất, ngăn ngừa dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc... bà đã được đào tạo và có thể tự thực hiện.

Nông dân xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng trồng xen mắc ca trong vườn cà phê để phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng trồng xen mắc ca trong vườn cà phê để phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Hậu.

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh), Tổ hợp tác được dự án VnSAT hỗ trợ 3 mô hình tái canh. Những người tham gia đều đánh giá cao mô hình này và có xu hướng mở rộng thêm diện tích.

Hiện nay, Tổ hợp tác Tân Nghĩa có 120 thành viên với diện tích sản xuất cà phê khoảng gần 100ha. Từ số ít mô hình tái canh, cà phê bền vững do VnSAT hỗ trợ, người dân được củng cố thêm vốn kiến thức để họ tiếp tục mở rộng sản xuất. Việc trao đổi kiến thức giữa các thành viên được thường xuyên, phổ biến ra cả cộng đồng và hình thành nên phong trào sản xuất cà phê chất lượng.

Tại xã Nam Bình (huyện Đăk Song, Đăk Nông) những mô hình tái canh cà phê của HTX Đoàn Kết cũng đang phát triển mạnh và dự kiến cho thu hoạch chính vào cuối năm 2020.

Gia đình bà Lê Thị Minh ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng tái canh cà phê năm thứ 3 và cây phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình bà Lê Thị Minh ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng tái canh cà phê năm thứ 3 và cây phát triển mạnh. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Đoàn Kết chia sẻ, HTX có 55 thành viên với 207ha cà phê. Trong số đó, có 1,5ha cà phê được dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện tái canh. Những mô hình này đều đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, gia đình ông sẽ tiếp tục mở rộng diện tích tái canh. Ngoài 3 gia đình thực hiện mô hình điểm đang lên kế hoạch mở rộng diện tích tái canh vào năm 2021 thì các hộ khác trong HTX cũng có ý định thực hiện theo.

Các thành viên trong HTX đều chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và tiếp thu, phát huy những kỹ thuật tiên tiến do dự án chuyển giao. Do vậy, khi các mô hình tái canh của dự án VnSAT mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều thành viên của HTX có điều kiện học hỏi, củng cố thêm kiến thức và tự mở rộng diện tích.

Tại xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), các thành viên thuộc Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng đang tập trung sản xuất cà phê chất lượng cao. Tại đây, tất cả mô hình từ cà phê cũ đến tái canh đều thực hiện theo quy trình cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4F.

Gia đình bà Lê Thị Minh trồng xen dâu ở vườn cà phê tái canh để nuôi tằm, phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình bà Lê Thị Minh trồng xen dâu ở vườn cà phê tái canh để nuôi tằm, phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Tạ Quang Việt, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng chia sẻ, một khi các giống mới, kỹ thuật mới phát huy hiệu quả thì các thành viên trong Tổ hợp tác đều trao đổi, chia sẻ với nhau. Do vậy, khi mô hình tái canh, mô hình cà phê bền vững có kết quả tốt, các thành viên còn lại sẽ “cập nhật” thông tin để làm theo.

“Tôi có 0,5ha cà phê theo chương trình bền vững và vì quá hiệu quả nên tôi đã chủ động làm thêm 0,5ha. Các hộ khác thấy mô hình tái canh hay cũng đã chủ động mở rộng. Nhiều hộ ngoài HTX, không tham gia dự án cũng học hỏi để làm theo”, ông Việt chia sẻ.

Dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn 57 xã/phường thuộc 6 huyện/thành phố của tỉnh Đăk Nông với diện tích cà phê khoảng 107 nghìn ha. Đến nay, dự án đã xây dựng 110 điểm trình diễn sản xuất cà phê bền vững nhằm phục vụ học tập và nhân rộng diện tích cà phê dạng này, tương đương 110ha.

Trong khi đó, ở Lâm Đồng, dự án VnSAT triển khai tại 8 huyện/thành phố với diện tích cà phê khoảng 16.500ha. Diện tích cà phê áp dụng biện pháp canh tác bền vững đạt khoảng 6.645ha/8.000ha. Diện tích áp dụng tái canh bền vững đạt 2.810ha, vượt so với mục tiêu 2.000.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dabaco đạt lợi nhuận trước thuế 857 tỷ đồng

Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2024 ước đạt 857 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

Hà Nội sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng số vốn 30.000 tỷ đồng

Hai cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng sẽ khởi công năm 2025, tổng đầu tư 30.000 tỷ đồng.