| Hotline: 0983.970.780

Nửa sau cuộc đời một cựu binh

Thứ Sáu 25/07/2014 , 08:20 (GMT+7)

Đã gần 30 năm trôi qua, kể từ ngày rời quân ngũ, nhưng chất lính trong ông vẫn còn nguyên, bản lĩnh kiên cường, vượt qua nỗi đau vô tận và vô số những khó khăn giữa đời thường. 

Và, ẩn sau kiểu “ăn sóng nói gió” của người đàn ông 57 tuổi này là một tấm lòng bao dung hiếm thấy. Ông là Huỳnh Viết Thanh, cựu binh của Sư đoàn 307 Anh hùng.

Không hưởng chế độ ưu đãi

Biết Huỳnh Viết Thanh đã nhiều năm, hôm nay tôi mới ngồi viết về ông được. Bởi tôi phải chắp vá từ những lần tình cờ nghe ông kể về một đoạn nào đó trong đời mình chứ không có một buổi ngồi trò chuyện cho đầy đủ. Khi tôi nói sẽ viết một bài về ông, ông xua tay: “Tao có gì đâu mà viết”. Thêm nữa, thời gian đối với ông là vàng.

Sau 8 năm chiến đấu ở chiến trường K, chàng trai Huỳnh Viết Thanh xuất ngũ trở về quê hương (Quảng Nam) với thương tật 61%. Mặc dù vậy, ông nhất định không làm thủ tục hưởng chế độ ưu đãi.

Ông quan niệm: “Chiến đấu bảo vệ đất nước là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Tôi còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội khác không bao giờ trở về. Cho nên, nếu kể công ra đây, tôi thấy xấu hổ với đồng đội”.

Thế là ông quên cái thương tật của cơ thể, lao vào công việc mưu sinh. Ông ngược xuôi Nam - Bắc, làm đủ thứ việc, từ bán hàng, đến SX xà bông và làm công nhân cho các Cty hóa chất.

Thấy ông cứ mải mê làm mà chẳng có dấu hiệu gì cho thấy sẽ lập gia đình, một người bạn làm chung hỏi thăm, biết tâm tư, người bạn hứa sẽ tìm giúp ông một người tâm đầu ý hợp.

Trong một lần được người bạn dẫn về quê ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) chơi, Huỳnh Viết Thanh đã “chấm” cô em gái út của bạn, khi đó tuổi mới vừa 18. Sau một thời gian tìm hiểu, dẫn cha lên gia đình cô gái, cuối cùng Huỳnh Viết Thanh, khi đó 37 tuổi, đã có người bầu bạn sớm hôm.

Rửa chất độc da cam trong tinh trùng

Năm 1995, niềm vui vỡ òa khi vợ ông hạ sinh cháu trai đầu lòng, được đặt tên là Hoài Nam. Nhưng, niềm hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi đã 3 tháng tuổi mà Hoài Nam vẫn không biết bú sữa, cơ thể cứ mềm oặt. Cầm kết quả xét nghiệm của con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, người mẹ trẻ bàng hoàng.

nh-3114324978
Ông Thanh và con trai đầu Hoài Nam

“Nhớ lại nét mặt vợ tôi lúc ấy, giờ tôi còn nổi da gà, không thể tin nổi. Tôi tìm cách liên lạc với các đồng đội cũ để hỏi mới biết, nhiều người cũng đang mang hậu quả như tôi”, ông Thanh nhớ lại.

Với quyết tâm phải thắng trong cuộc chiến với dioxin, năm 2000, ông Thanh đưa vợ con vào TP. HCM. Toàn bộ tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng đã “đội nón ra đi” để chi phí cho việc chuyển tinh trùng ra nước ngoài, tách, tẩy rửa chất độc da cam, rồi lại chuyển về nước…

Và, lần thứ 2, vợ chồng ông Thanh hồi hộp chờ đón người con thứ 2. Lần này, hạnh phúc đã mỉm cười khi cháu Hoài Bắc chào đời là đứa trẻ bình thường.

“Tôi muốn làm hết sức mình để lấy lại màu xanh cho thiên nhiên sau khi bị chiến tranh tàn phá. Chỗ nào bẩn nhất tôi sẽ tìm đến”, ông Thanh cho biết.

Một năm sau, ở tuổi 49, ông Thanh gom hết vốn liếng dành dụm và vay mượn thêm người thân được 5 tỷ đồng để thành lập Cty Hoài Nam - Hoài Bắc, chuyên về môi trường.

Cty vừa thành lập thì vợ ông mắc bệnh ung thư dạ dày, phải phẫu thuật cắt bỏ 2/3. Đây chính là lúc bản lĩnh người lính trong ông trỗi dậy khi vợ bệnh, con thơ, con cả khuyết tật, bản thân ông cũng đang mang thương tật chẳng hề nhẹ.

Hết lòng với nhân viên, đồng đội

Đã nhiều lần có dịp đến thăm cơ ngơi của ông Thanh ở quận Tân Bình, TP. HCM, tôi cảm nhận rất rõ một điều, dù tính tình nóng nảy, và "thẳng như ruột ngựa” nhưng tất cả các thành viên trong Cty đều rất quý trọng ông. Ấy là nhờ ông biết quan tâm, lo lắng cho mọi người.

nh-5114325291
Buổi họp mặt  những người lính Sư đoàn 307 Anh hùng 

Khi Cty đã ổn định, ông Thanh lại trăn trở khi nghĩ đến các đồng đội khác còn đang gặp nhiều khó khăn và tìm cách hỗ trợ họ. Mới đây, ông đã tổ chức được một buổi họp mặt đồng đội cũ của Sư đoàn 307 ở TP. Đà Nẵng.
Tại đây, những người lính năm xưa đã ôm chặt nhau và có cả những giọt nước mắt xúc động. Sau khi ôn lại những kỷ niệm, tìm hiểu cuộc sống của các đồng đội, ông Thanh nhận trách nhiệm sẽ về chiến trường xưa tìm lại những đồng đội cũ còn nằm lại đâu đó. Và, ông cũng nhận ngay những đứa con của đồng đội vừa xuất ngũ trở về chưa có việc làm vào Cty ông làm việc.

Không chỉ lo công việc cho họ, ông Thanh còn quan tâm đến đời sống riêng, tâm tư, nguyện vọng của họ. Chính vì thế, từ khi thành lập Cty chỉ với 4 người, đến nay thành viên trong Cty đã lên đến hàng ngàn người, nhưng chưa có trường hợp nào nghỉ việc vì lý do không hài lòng, ngoài những người được ông đào tạo, có kinh nghiệm, xin nghỉ ra lập Cty riêng.

“Cty Hoài Nam - Hoài Bắc là thành quả của cả một tập thể. Trong đó, có những người tôi kính trọng như anh Đỗ Văn Nam, một chuyên gia, một người thầy trong tất cả lĩnh vực, từ môi trường đến kinh tế. Ngoài ra, còn có kỹ sư Minh, đồng đội của tôi, và đội ngũ những kỹ sư trẻ đã gắn bó với tôi từ ngày Cty mới thành lập đến nay như Phương, Phong, Hưng..., tụi nó đều là những người rất có năng lực, có tâm. Tôi tri ân họ”, ông Thanh tâm sự.

Khi chứng kiến các cuộc làm việc của ông với lãnh đạo ngành môi trường các tỉnh, tôi thật sự nể phục kiến thức của ông. Lĩnh vực nào ông cũng nắm khá sâu, đặc biệt là trong vấn đề xử lý chất thải, môi trường.

“Sao ông biết nhiều vậy?”, tôi hỏi. “Đơn giản thôi, do mình chịu khó tìm tòi, học hỏi. Tôi học từ những chuyên gia đi trước, học đồng đội và học ngay cả những kỹ sư trẻ mới ra trường”, ông Thanh cười đáp.

Trong khi đa số các Cty ngại hoặc từ chối tân sinh viên thì ông Thanh sẵn sàng đón nhận. "Tụi nó mới ra trường, lấy đâu ra kinh nghiệm mà đòi hỏi. Làm thế là bắt bí tụi trẻ. Quan trọng là mình có cách đào tạo cho nó trở thành người có kinh nghiệm”, ông Thanh nói.

Nhiều bạn trẻ sau vài năm gắn bó với Cty, được đào tạo, kèm cặp đã tự ra ngoài mở Cty riêng. Ông không níu kéo, thậm chí vẫn hỗ trợ khi cần. Sau một thời gian va chạm, 7 lãnh đạo trẻ dần vững vàng rồi lại… tự động xin quay về, gia nhập tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc.

“Đó là cách làm của người lính. Không so đo, không tính toán. Nếu gộp lại thì Cty lớn hơn rất nhiều, tầm ảnh hưởng, độ bao phủ lớn hơn, mọi người cùng được lợi. Việc chẻ nhỏ Cty, trở thành thù oán, triệt tiêu nhau, điều đó, trường lính không dạy. Đã là người lính thì càng ngày càng lớn mạnh và luôn nằm trong đội ngũ”, ông Thanh tâm sự.

Không những kèm cặp trong công việc, ông Thanh còn đứng ra làm mối, gắn kết, chủ hôn cho gần 30 cặp vợ chồng nhân viên. Chỉ cần hứa trước mặt ông là “không bỏ nhau”, thì ông sẵn sàng cho đôi trẻ mượn tiền làm đám cưới rồi trừ dần vào lương.

Họ sinh con, Cty đến thăm, góp nhau tặng chiếc tủ lạnh, cái ti vi, người tặng cái chiếu, người tặng bộ đồ ăn… Thế là thành gia đình! Vợ giận chồng, chồng giận vợ đều nhắn tin “mách” ông, ông lại đứng ra làm trung gian hòa giải.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.