| Hotline: 0983.970.780

Nuôi giống dê Saanen, thu tiền tỷ mỗi năm từ bán sữa

Thứ Bảy 05/11/2022 , 16:57 (GMT+7)

TP. HCM Chuyển đổi mô hình chăn nuôi dê thịt sang nuôi dê Saanen lấy sữa đã giúp đem lại thu nhập cao bền vững cho nhiều nông dân tại huyện Bình Chánh.

Anh Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi dê Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) cho đàn dê Saanen của mình ăn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi dê Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) cho đàn dê Saanen của mình ăn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thành công nhờ nuôi dê "3 không"

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Bình Chánh (TP. HCM), chúng tôi tìm đến HTX Chăn nuôi dê Đa Phước vào những ngày đầu tháng 11. Hai bên đường dẫn vào trang trại nuôi dê của anh Lê Minh Hải (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) tuy chỉ vừa đủ cho 1 chiếc ô tô 4 chỗ di chuyển nhưng đường vào được đổ bê tông sạch sẽ, hai bên đường là những hàng cây thẳng tắp xanh mướt, khiến chúng tôi cũng cảm thấy dễ chịu.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình, anh Lê Minh Hải chỉ tay vào đám cỏ voi cao hơn cả tôi được trồng trên diện tích 2ha. Với nguồn cỏ này, anh Hải chủ động được nguồn thức ăn cho đàn dê của mình. “Cỏ này sẽ được cắt và trộn với cám để làm thức ăn cho dê, tiết kiệm được nhiều chi phí”, anh Hải nói.

Khi gần tới trại dê, chúng tôi đã nghe thấy tiếng kêu của chúng, nhưng lạ thay, khi bước vào trong và đến gần những chú dê trắng muốt, chúng tôi không hề ngửi thấy một mùi khó chịu nào từ trại dê như suy nghĩ ban đầu.

Để làm được điều đó, anh Hải cho biết, nuôi dê lấy sữa việc bố trí chuồng trại phải ở nơi cao ráo, thoáng mát, dê được tắm thường xuyên để hạn chế mùi hôi cho chuồng trại. Phân dê thải ra cũng được anh thu gom đem ủ, xử lý để làm phân bón cho cây trồng, đặc biệt là bón cho cây cỏ voi.

"Tôi muốn làm mô hình khép kín để kiểm soát được lượng thức ăn cho dê, đồng thời bảo vệ môi trường", anh Hải vừa nói vừa chỉ tay vào đám phân dê được ủ làm phân.

Khi hỏi về cơ duyên đến với nghề nuôi dê lấy sữa, anh Hải không ngần ngại cho biết, từng là vận động viên, rồi thầy dạy thể dục thể thao, nhưng với anh Hải, con dê đã quá quen thuộc và gắn bó với gia đình anh từ mấy chục năm nay.

Trước khi nuôi dê lấy sữa, anh Hải đã có 10 năm kinh nghiệm nuôi dê lấy thịt. Tuy nhiên, với sự nhạy bén, cộng với chịu khó đi tham quan học hỏi nhiều mô hình, anh Hải nhận thấy, mô hình nuôi dê lấy sữa nhiều tiềm năng, chưa có nhiều người làm, nên đến năm 2010, anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình và trở thành người nuôi dê lấy sữa đầu tiên của huyện Bình Chánh.

“Tôi đi học hỏi một số mô hình nuôi dê lấy sữa của Thái Lan, cộng với đọc tài liệu thấy sữa dê có thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ, nên quyết định đầu tư”, anh Hải nói.

Thế là, anh quyết định đầu tư nuôi dê lấy sữa từ giống dê Saanen nhập ngoại. Đây là giống dê cho sản lượng sữa cao, đặc tính cho sữa tốt, hiền lành, trầm lặng, dễ dạy nên được nuôi phổ biến để sản xuất sữa. Đến nay, gia đình anh Hải đã đầu tư và chăn nuôi khoảng 200 con dê bao gồm dê con, dê hậu bị và dê lấy sữa.

Với 1/3 số lượng dê lấy sữa trong tổng đàn, mỗi sáng anh Hải thu hoạch khoảng 60-80 lít sữa, rồi bảo quản và đưa vào dây chuyền sản xuất cho ra hai loại thành phẩm là sữa tươi thanh trùng và sữa chua, với thương hiệu YoooMilk đưa ra thị trường. Tất cả quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng và sữa chua YoooMilk đều thực hiện theo quy trình sản xuất ISO 22000:2018 (Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm - PV). 

Với số lượng sữa dê thu mỗi ngày, gia đình anh Hải sản xuất ra tương đương 500 sản phẩm mỗi ngày và được tiêu thụ hết trong ngày. "Việc nuôi dê lấy sữa cho lợi nhuận tốt hơn là nuôi dê thịt. Từ lúc mang thai đến khi sinh con thì chu kỳ khoảng 6-8 tháng là có thể thu hoạch sữa.

Mô hình nuôi dê lấy sữa của tôi là mô hình '3 không': không chất bảo quản; không kháng sinh; không thuốc bảo vệ thực vật/không thuốc diệt cỏ.

Hạn sử dụng cho sản phẩm từ sữa của tôi chỉ trong vòng 7 ngày, nếu đại lý không bán hết sữa dê sẽ được đem về xử lý lại và cho dê con dùng", anh Hải cho nói và cho biết thêm, để sữa dê không có mùi hôi, trong quá trình cho dê ăn, anh bổ sung thêm nguồn đậu nành để tăng thêm nguồn dinh dưỡng, tạo lượng sữa tốt cho con dê.

Nhờ mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống máy móc, chế biến, chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi, đã giúp cho gia đình anh Hải có nguồn thu trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi dê lấy sữa. 

Giống dê Saanen nhập ngoại đã được anh Hải lai tạo và có thể chủ động được nguồn giống để cung ứng cho thành viên HTX. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giống dê Saanen nhập ngoại đã được anh Hải lai tạo và có thể chủ động được nguồn giống để cung ứng cho thành viên HTX. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Liên kết đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Cũng chính nhờ hiệu quả từ mô hình nuôi dê lấy sữa của anh Hải, Hội Nông dân huyện Bình Chánh và Đảng ủy, UBND xã Đa Phước đã vận động bà con trong xã thành lập lên HTX Chăn nuôi dê Đa Phước (gọi tắt là HTX - PV) với 7 thành viên, tổng đàn hơn 500 con dê. 

Bên cạnh việc chăm sóc đàn dê của mình, với vai trò là Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi dê Đa Phước, anh Hải còn tích cực hỗ trợ bà con trong HTX tự chủ nguồn con giống, kỹ thuật và phối hợp cùng chính quyền tìm đầu ra ổn định cho các thành viên hợp tác xã. 

"Qua đánh giá của địa phương, mô hình của anh Lê Minh Hải đem lại hiệu quả kinh tế tốt nên đã vận động, tập hợp các hộ chăn nuôi dê thịt chuyển đổi sang mô hình nuôi dê lấy sữa. Từ đó, giúp các hộ nông dân tạo sức mạnh, phát triển sản phẩm nông nghiệp của xã bền vững, dễ dàng tham gia thị trường", ông Nguyễn Hữu Diền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước, huyện Bình Chánh cho hay.

Trang trại với 200 con dê của anh Hải được bố trí thoáng mát, sạch sẽ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trang trại với 200 con dê của anh Hải được bố trí thoáng mát, sạch sẽ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo anh Hải, ở giai đoạn trước mắt, HTX muốn tập trung vào hai dòng sản phẩm chính là sữa tươi thanh trùng và sữa chua. Hiện, các sản phẩm này được bán lẻ trên toàn TP.HCM và cả các tỉnh lân cận.  "Nhiều khách hàng biết sữa dê tốt nhưng giá thành hơi cao, nên cũng có chút e ngại. Tuy nhiên, giá của HTX đưa ra thị trường với giá phải chăng 100.000 đồng/lít. Chúng tôi cũng đã gửi sản phẩm bán tại một số nông trại trên địa bàn để giới thiệu tới khách du lịch, tín hiệu rất tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị làm du lịch để có thể giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm từ sữa dê", anh Hải chia sẻ.

Anh Hải đánh giá, đây là sản phẩm nhiều tiềm năng, tuy nhiên đòi hỏi vốn đầu tư nhiều. Vì vậy, anh Hải mong muốn có thêm nhiều đối tác biết đến sản phẩm của HTX để cùng nhau phát triển

Nhờ những nỗ lực bền bỉ để có thể đưa đến những sản phẩm chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng, ngày 7/10 vừa qua, sản phẩm sữa tươi thanh trùng của HTX Chăn nuôi dê Đa Phước đã đạt chứng nhận "Sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu TP. HCM 2021" của Hội Nông dân TP. HCM và nhận bằng khen của UBND TP.HCM. Đây là tiền đề để HTX tiếp tục phát triển bền vững, chinh phục thị trường và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương của mình. 

Ngày 26/10, HTX Chăn nuôi dê Đa Phước và sàn thương mại điện tử Mekongexpo.vn đã ký kết quy chế phối hợp theo chương trình hợp tác của Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Cần Thơ, Công ty TNHH Truyền thông số Mekongexpo và Hội Nông dân huyện Bình Chánh. Qua đó, nhằm đưa các sản phẩm của HTX Chăn nuôi dê Đa Phước nói riêng và các sản phẩm nông sản của huyện Bình Chánh nói chung đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua sàn thương mại điện tử.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.