| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn đen bản địa, cung không đủ cầu

Thứ Sáu 16/09/2022 , 09:27 (GMT+7)

LÀO CAI Giống lợn đen bản địa ở Mường Khương (Lào Cai) thích ứng tốt với khí hậu bất lợi, giá luôn cao (60 - 70 nghìn đồng/kg hơi), nguồn cung luôn không đủ nhu cầu.

2-5

Chăn nuôi lợn đen giúp mang lại thu nhập cao cho anh Tráng Chu Thức. Ảnh: HĐ.

Với 30 triệu đồng ban đầu, ông Tráng Chu Thức ở thôn Ngam Lâm, xã Nấm Lư (huyện Mường Khương, Lào Cai) quyết định đầu tư nuôi lợn đen bản địa. Chỉ một thời gian ngắn, nhờ con lợn đen, kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định, có của ăn của để.

Ông Thức cũng là hộ dân đầu tiên áp dụng mô hình nuôi lợn đen bản địa tại Ngam Lâm và là một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương đã tạo điều kiện cho ông Tráng Chu Thức vay vốn 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa.

Từ nguồn vốn vay cộng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng và một phần vốn của gia đình, gia đình ông Thức bắt tay vào xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, được chia làm 2 khu nuôi lợn nái sinh sản và nuôi lợn thịt. Lợn được nuôi bằng thức ăn tự nhiên như ngô, chuối, khoai lang…, không sử dụng thức ăn công nghiệp.

Để đàn lợn phát triển tốt, ông Thức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc. Ông thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại và tự kiểm tra sức khỏe cho đàn lợn, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi để áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình. Chính vì vậy, đàn lợn của gia đình ông an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi.

4-4

Những con lợn đen do gia đình ông Tráng Chu Thức nuôi chờ ngày xuất chuồng. Ảnh: HĐ.

Hiện nay, ông Thức đã xây dựng được 4 dãy chuồng trong đó 2 chuồng lớn nuôi lợn thịt, 2 dãy còn lại nuôi lợn nái và lợn con để cung cấp giống cho thị trường. Thời điểm này, gia đình ông duy trì 8 con lợn nái, hơn 70 con lợn thịt, cho thu nhập hàng năm từ 300 - 400 triệu đồng.

Ông Thức cho biết, ngoài chăn nuôi lợn thịt, ông còn đầu tư nuôi lợn nái để bán giống. Có những thời điểm như năm 2021, đàn lợn của gia đình ông lên đến hàng trăm con, bao gồm cả lợn nái, lợn thịt và lợn giống.

Nhờ mô hình nuôi lợn đen bản địa, kinh tế nhà ông ngày càng ổn định, dần có của ăn của để. Bên cạnh nuôi lợn đen bản địa, ông Thức còn trồng lúa, ngô, trồng rừng để tăng thu nhập.

Không chỉ làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, ông còn thường xuyên chia sẻ, động viên các hộ trong thôn mạnh dạn làm kinh tế, không phụ thuộc, ỷ lại hay trông chờ nhà nước hỗ trợ.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mường Khương cho biết, nuôi lợn đen bản địa của bà con nông dân trên địa bàn chủ yếu ở quy mô nhỏ, hộ gia đình. Việc chăn nuôi ở vùng cao Mường Khương mặc dù không được tối ưu do điều kiện tự nhiên, khí hậu..., tuy nhiên giống lợn đen bản địa lại thích ứng tốt.

Mặt khác, người dân chăn nuôi theo tính chất thủ công, không sử dụng cám tăng trọng nên chất lượng thịt tốt, thơm ngon... Cũng vì vậy, giá bán thịt lợn đen bản địa cao hơn thịt lợn thông thường, dao động khoảng 60 - 70 nghìn đồng/cân hơi.

Tuy nhiên, chăn nuôi ở vùng cao chỉ phù hợp quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ nên việc kiểm soát dịch bệnh cũng là một vấn đề cần lưu ý, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Hiện thịt lợn đen bản địa chủ yếu phục vụ tại chỗ, tiêu thụ trong huyện cung đã không đủ cầu...

Xem thêm
Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bạc Liêu triển khai sản xuất 28.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Bạc Liêu sẽ triển khai sản xuất 28.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, mục tiêu đến năm 2030 nâng diện tích lên khoảng 46.000ha.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).