| Hotline: 0983.970.780

"Ông thuyền bê tông" ở ngã ba sông

Thứ Sáu 09/12/2011 , 08:36 (GMT+7)

Ấy là chuyện về lão ngư Trần Ái, trú tại thôn Tiền Phong, xã Đức Quang, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Thuyền của lão ngư Trần Ái không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn phao cứu sinh mùa lũ

Ấy là chuyện về lão ngư Trần Ái, trú tại thôn Tiền Phong, xã Đức Quang, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Người đã làm ra thuyền bê tông giúp 7 xã vùng ngoài đê La Giang (Đức Thọ) mưu sinh và cũng là phao cứu nạn mùa lũ.

1. Trong cái rét đầu đông, chúng tôi tìm đến "đại bản doanh" của ông Ái. Bên ấm chè xanh tỏa hương thơm, rít một hơi thuốc lào nhả khói lên trần nhà, phút chốc mơ màng rồi ông kể về mình. Ông Ái sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc gia nhập HTX vận tải Tiền Phong vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Kháng chiến thành công, ông chuyển sang làm nghề vận tải đường sông cùng với các đội tàu lớn ra khơi vào lộng.

Nghề hải hành cũng chỉ được một thời gian ngắn, sức ông yếu dần, gia tài còn lại chỉ là đôi bàn tay trắng nên ông quyết định trở về ốc đảo mưu sinh. Từ kinh nghiệm sông nước, ông càng hiểu hơn về cuộc sống khổ cực của người dân nơi đây, cũng vì thế mà trong ông luôn trăn trở, phải tạo ra một việc làm gì vừa có thu nhập, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động. Vì thế, năm 1984 ông khăn gói ra Bắc quyết tìm cho được cái nghề để về giúp người dân quê mình thoát nghèo. Và chuyến đi ấy đã làm thay đổi cuộc đời cho cả vùng quê nghèo bằng nghề đóng thuyền.

Suy tư một lúc rồi thoáng đưa mắt về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy, ông kể tiếp: "Cái đất Bắc coi như tui đã đặt chân không còn sót chỗ mô nựa (đi không sót nơi nào). Nhưng nơi đã làm thay đổi cuộc đời tui là đất lúa Thái Bình. Dân Đức Quang nói riêng, người Hà Tĩnh nói chung chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, những địa phương có đất ruộng làm lúa còn đỡ chứ những nơi không có đất lúa như thôn Tiền Phong, người dân chỉ biết bám trụ với chài lưới kiếm con tôm, con cá thì khó khăn vô cùng. Thuyền bè đều làm thủ công nên việc đi lại đánh bắt luôn là mối hiểm họa rình rập. Khi ra Thái Bình nhìn họ làm thuyền bằng nan tre mà dùng được mươi lăm năm, tui tự hỏi, tại sao thuyền bè quê mình lại chỉ dùng có được vài ba năm? Phải có chất liệu gì thay thế gỗ vừa đảm bảo an toàn vừa phù hợp với túi tiền nông dân quê mình chứ?".

2. Giải đáp được nỗi trăn trở bấy lâu, từ đất Bắc trở về ông Ái bắt tay ngay vào nghiên cứu làm một chiếc thuyền vừa đảm bảo đẹp, bền và vừa phù hợp với túi tiền của người dân. Và đến năm 1998, ông cho ra đời chiếc thuyền bằng bê tông đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời mình.

Ông Ái tự hào: “Nghĩ lại, tui thấy hồi đó mình cũng kiên nhẫn thật, khó khăn chồng chất bởi kỹ thuật không có, đồng tiền ít ỏi nhưng dần dần mày mò, học hỏi, cuối cùng tui cũng tự làm được tất cả mọi việc”. Sau một thời gian mày mò với mấy chục chiếc thuyền hỏng, ông cho chạy thử chiếc thuyền đầu tiên, khi chiếc thuyền được đưa vào sử dụng ai ai cũng trầm trồ, thán phục.

Ngư dân Lê Xuân Hiệp, người gắn bó suốt đời với sông nước sông La, chia sẻ: "Cách đây hơn chục năm, nghề đánh bắt cá ven sông bấp bênh lắm bởi cứ đến mùa mưa lũ “thủy thần” lại đánh tan những con thuyền làm bằng gỗ của ngư dân chúng tôi. Cứ như vậy mỗi mùa mưa bão đi qua, hầu hết làng tui lại phải sắm sanh thuyền mới để mưu sinh, nhưng có phải nói mua là mua được đâu, mua được một chiếc thuyền nhỏ cũng mất từ 4-5 triệu đồng, số tiền vay mượn chiếm mất hơn hai phần rồi. Cái vòng luẩn quẩn mua thuyền - lũ phá - lại mua thuyền cứ đeo đẳng mãi với dân chài, như tui nhưng cũng đành phải chấp nhận chứ nỏ biết mần răng các bác".

 Mãi đến khi ông Ái làm thành công loại thuyền bằng bê tông dân chài mới có điều kiện hưởng lợi, bởi mỗi con thuyền ông Ái sản xuất ra chỉ bán với giá từ 2,5-3 triệu đồng, vả lại thời gian sử dụng bền gấp thuyền gỗ vài ba chục năm, vì thế dân vạn chài chúng tôi có điều kiện để tích góp ít tiền nuôi con cái ăn học, người dân trong vùng ai nấy đều xem ông Ái như một vị cứu tinh của cả làng.

Rời ốc đảo Tiền Phong khi mặt trời khuất dần sau rặng phi lao, trong tôi vẫn nhớ mãi lời tâm tư của lão ngư Trần Ái rằng, nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư vốn để lão có điều kiện sản xuất ra thật nhiều thuyền bằng bê tông nhằm giúp bà con vùng lũ mỗi nhà có một chiếc thuyền sử dụng khi lũ về thì sẽ không có những cái chết oan thương và dân chài có thể an tâm bám trụ với nghề sông nước.

Theo lời lão ngư Trần Ái thì ý nghĩ làm thuyền bằng bê tông trước hết là để gia đình ông sử dụng, đồng thời góp phần giúp bà con xóm làng có điều kiện sử dụng một phương tiện sinh sống, đánh bắt an toàn hơn.

Được biết, quy trình sản xuất một chiếc thuyền xi măng phải thực hiện qua qua 10 công đoạn. Trước hết là xác định kích cỡ chiếc thuyền, rồi đặt mua thép, duỗi thép đến vẽ khung, dựng khung, uốn vành thuyền, hàn khung, đặt ống bao căn máy, buộc lưới thép và thực hiện gia trét vỡ trong ngoài thuyền. Với các công đoạn trên chỉ trong vòng trên dưới hai chục ngày ông Ái hoàn tất một con thuyền và cho xuất xưởng vi vu trên sóng nước.

3. Trưởng thôn Nguyễn Văn Khương tự hào nói về lão ngư Trần Ái: “Ông Ái không chỉ là người đi tầm nghề về giúp người dân 7 xã vùng ngoài đê La Giang (Đức Thọ) chúng tôi nói riêng và dân chài 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An nói chung có điều kiện bám trụ với sông nước những khi mưa to gió lớn, lụt lội, ông còn là người liều mình bơi ra giữa dòng nước lũ nơi ngã ba sông đương đầu với thủy thần cứu hàng chục em học sinh trong "cơn đại hồng thủy" năm 2010. Đa số người dân trong vùng ghi nhận, trận lũ năm ngoái nếu không có loại thuyền của ông Ái thì cả thôn Tiền Phong không biết sẽ thiệt hại về người, tài sản đến mức nào".

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.