| Hotline: 0983.970.780

Phá rừng để trồng rừng?

Thứ Bảy 01/10/2022 , 16:57 (GMT+7)

Phá rừng tự nhiên là phạm pháp. Nhưng do người dân thiếu đất canh tác, nhiều hộ vẫn cố tình vi phạm...

Biết vi phạm nhưng vẫn phá

Gia đình anh Triệu Hữu Thắng, thôn Nà Cà, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có đồi xoan vừa khai thác xong. Sau khi khai thác, gia đình phát dọn để tiếp tục trồng rừng. Nhưng ngoài diện tích được phép phát thực bì, gia đình anh Thắng đã phá hơn 2.000m2 rừng tự nhiên ở ngay sát đó.

Tương tự như vậy, anh Hoàng Văn Chấn, thôn Bản Mạ, xã Quảng Bạch có bãi ngô ở gần nhà. Nhưng trong quá trình canh tác gia đình cũng phát, phá trái phép vào diện tích rừng tự nhiên để lấy đất trồng cây. Khu đất này đã giao cho gia đình quản lý nhiều năm nay, trước đây vẫn canh tác. Tuy nhiên, khi chính sách mới có hiệu lực, việc phát, phá vào rừng tự nhiên là vi phạm.

Tình trạng phá rừng tự nhiên tại Bắc Kạn diễn biến phức tạp. ảnh Ngọc Tú.

Tình trạng phá rừng tự nhiên tại Bắc Kạn diễn biến phức tạp. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Nông Văn Thẩm, Chủ tịch UBND xã Quảng Bạch (huyện Chợ Đồn) cho biết: Ngoài lực lượng kiểm lâm, xã đã thành lập tổ công tác đến từng thôn tuyên truyền việc phát, phá vào rừng tự nhiên là phạm  luật. Nhưng do người dân thiếu đất canh tác nhiều hộ vẫn cố tình vi phạm.

“Thực tế, hầu hết các hộ phá rừng trên chính đất rừng của mình trước đây vẫn canh tác. Những khu vực bị phát, phá thường liền khoảnh với bãi ngô, hay nương rẫy của người dân. Mục đích chính của người dân là lấy đất để trồng các loại cây lâm nghiệp như cây mỡ, cây quế, không có hiện tượng phá rừng để khai thác lâm sản”, ông Thẩm cho biết thêm.

Theo khảo sát của phóng viên Báo NNVN tại nhiều địa phương của tỉnh Bắc Kạn, phần lớn các vụ phá rừng tự nhiên xuất phát từ nhu cầu lấy đất để trồng rừng. Các vụ vi phạm diễn ra trên chính mảnh đất đã giao cho người dân quản lý. Rừng tự nhiên bị phá chủ yếu là rừng có trữ lượng gỗ thấp, lau lách, hoặc cây tái sinh có đường kính nhỏ.

Tại Bắc Kạn, phần lớn người dân nông thôn sống dựa vào trồng rừng. ảnh Ngọc Tú

Tại Bắc Kạn, phần lớn người dân nông thôn sống dựa vào trồng rừng. Ảnh: Ngọc Tú.

Người dân thiếu sinh kế…

Theo quy định, rừng sản xuất có hai loại là rừng trồng và rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất. Trước đây, rừng tự nhiên nghèo kiệt, người dân được cải tạo để trồng rừng mới. Năm 2017, Chính phủ cấm cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, kể cả rừng tự nhiên đã được quy hoạch là rừng sản xuất. Do đó, tại Bắc Kạn có khoảng 160.000ha rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất thuộc diện phải bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Bắc Kạn, hầu hết các vụ vi phạm thuộc rừng tự nhiên đã được quy hoạch là rừng sản xuất.

Thông tin từ Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, do thiếu nguồn lực, trong tổng số 160.000ha rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất mới có khoảng 16.000ha đã hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ cho người dân. Do đó, người dân sống gần rừng chưa được hưởng lợi nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc bảo vệ rừng tự nhiên gặp khó khăn trong những năm gần đây.

Tỷ lệ che phù rừng của tỉnh Bắc Kạn đạt 73,4%, cao nhất cả nước. ảnh Ngọc Tú.

Tỷ lệ che phù rừng của tỉnh Bắc Kạn đạt 73,4%, cao nhất cả nước. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NNVN, do khó khăn về nguồn lực, trong năm 2021, tỉnh Bắc Kạn mới bố trí được kinh phí để chi trả tiền giao khoán bảo vệ đối với diện tích rừng tự nhiên thuộc các xã khu vực I (gần 8.000ha). Những diện tích đã giao khoán thuộc các xã khu vực II, khu vực III chưa có được kinh phí. Để khoán bảo vệ hết diện tích rừng tự nhiên cần khoảng 100 tỷ đồng/năm, đây là bài toán khó đối với tỉnh còn khó khăn như Bắc Kạn.

Thực hiện chính sách đóng cửa rừng, người dân được giao rừng tự nhiên không được cải tạo, khai thác, hoặc trồng mới nên thu nhập bấp bênh. Đa số người dân sống gần rừng kinh tế vẫn còn rất khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Trong khi kinh phí khoán bảo vệ thấp, hoặc chưa có, nên nhiều người dù biết vi phạm nhưng vẫn bất chấp phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất.

Theo thống kê, 9 tháng của năm 2022, tỉnh Bắc Kạn xảy ra 338 vụ phá rừng trái phép (tăng 125 vụ so với cùng kỳ năm 2021), diện tích rừng bị thiệt hại hơn 89ha, tịch thu 548m3 gỗ các loại.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.