| Hotline: 0983.970.780

Phát hoảng vì mẹ chồng đòi vào Viện dưỡng lão?

Thứ Hai 01/08/2022 , 08:07 (GMT+7)

Mới đây mẹ bảo muốn vào Viện dưỡng lão cô ạ. Cháu thực sự hoảng, các cháu đã làm gì đến mức mẹ muốn như thế chứ?

Cô Dạ Hương kính!

Bố mẹ cháu cũng chỉ có hai con như mọi người thế hệ bao cấp ấy. Cháu là chị cả và út là em trai. Từ khi về Nam đến giờ, bố mẹ cháu tiếp thu nhiều quan niệm cởi mở của người trong này. Ví dụ như ngoài kia em gái bố ôm bàn thờ chứ không phải em trai, vì chú em này không đạo đức. Cũng ví như ở đây, bố mẹ sống với vợ chồng cháu chứ em trai cháu thì kinh tế không bằng.

Cháu hay nghe mẹ thở than bố mẹ đến với nhau do mai mối thu xếp. Biết vậy thôi, vì dù sao hai ông bà cũng đi trọn với nhau cả một đời, gây dựng cho chị em cháu những thứ cơ bản nhất là học vấn và nhà cửa. Khi bố mất đột ngột, cháu mới vỡ lẻ, là do mẹ ca cẩm thế thôi chứ thực sự mẹ rất thương bố, bằng chứng là mẹ sốc nặng, mẹ lại thở than mẹ đã từng không bộc lộ gì nhiều với bố.

Từ khi bắt đầu Covid, mẹ lại thở than. Thôi thì đủ thứ chuyện để mẹ càm ràm. Con trai và cháu nội cách bức trong thời gian giãn cách, thế là mẹ mất ăn mất ngủ, vật vã. Rồi tiêm mấy mũi, cả nhà, em cháu cũng thế, rồi gặp nhau. Nhưng rồi lần lượt bị F0 hết cô ạ, người thì bị dân cơ quan lây cho, trẻ con thì lây từ trường học, mẹ thì bị lây khi đi vật lý trị liệu ở phường. Nhưng cũng như mọi người, nhiễm nhưng không nguy kịch, coi như cả nhà cháu, cả em cháu đều thoát ra, an toàn. Mẹ nhiễm, không có bệnh nền gì nhưng bắt đầu đau khớp, thoái hóa hai khớp gối cô ạ. Đưa mẹ đi bệnh viện, rồi thì thuốc này thuốc kia, ai bày cái gì, cháu làm cái ấy, mua cái ấy. Bệnh giảm nhưng cái tình thở than vật vã thì lại tăng, không còn biết làm sao với bà nữa. Nói thì bà dỗi mà hiền như chồng cháu cũng hiếm có, cứ khuyên cháu rằng bà trái tính rồi, mặc đi, bà muốn nói gì, muốn làm gì mặc bà, đừng để tâm.

Mới đây mẹ bảo muốn vào Viện dưỡng lão cô ạ. Ở đấy đông người già, mẹ muốn chỗ Viện của thành phố ở gần Thị Nghè đấy cô. Cháu thực sự hoảng, các cháu đã làm gì đến mức mẹ muốn như thế chứ?

Cháu thân mến!

Chuyện thoát nạn Covid như nhà cháu, là may mắn, như hàng triệu gia đình may mắn ở thành phố Sài Gòn đây. Trong khi đó, hàng chục ngàn người bất hạnh, không qua khỏi, có hàng ngàn người già như mẹ cháu như cô, những người ấy ra đi trong cô đơn, không một người thân nào được đưa tiễn. Cô có biết những phụ nữ có tật như mẹ cháu. Gọi là tật chứ chưa phải là bệnh (tính cách). Cái tật. Luôn than thở, không có gì vừa ý hay thỏa mãn họ cả. Không phải họ yêu cầu cao, mà thuần túy cái tật hay kêu ca. Cũng như những tật khác ở những người khác: nói to, hay đưa chuyện hàng xóm, tay chân tắt mắt (ăn cắp vặt), hoặc ưa ăn hàng ngoài phố…

Nếu là tật thì có thể di truyền, hoặc tự dưng trong những đứa con của bà ngoại cháu, chỉ mẹ duy nhất cái tật càm ràm ấy. Mà đã là tật thì không sửa được. Nếu không nói gì nữa, nếu không kêu ca nữa, thì hoặc là mẹ không nói được, hoặc là thay đổi tính nết để con cháu gần mình và ra đi. Sự thay đổi ấy mới là trái tính (trái cái tính trước đây), người dữ bỗng hiền khô, người hay nói bỗng ít nói, ngược lại, người từng được tiếng hiền, bỗng dưng dữ lên chửi con chửi cháu búa xua.

Đành chấp nhận như chồng cháu khuyên, mẹ ruột mà, biết làm sao. Nhưng nguyện vọng vào Dưỡng lão xem chừng không vô lý. Hiện nay ấy là xu hướng, được sống một phòng giữa cộng đồng già cả hết, như Âu Mỹ. Có tiền ở sang, ít tiền ở chỗ kém. Gần Thị Nghè cô có biết, rất đẹp, rất tốt, hình như là phải có quen lớn thì mới dễ đăng ký, không thì xếp hàng mệt à nha.

Giả dụ mẹ vào đó thì nên thống nhất với nhau mọi lẽ, cả nhà em trai cháu cũng phải thoải mái cơ. Tiễn bà vào không gian vui hơn (mà cũng có thể phức tạp hơn), và cũng không phải là vĩnh viễn. Bởi khi bà già yếu sắp đi, người ta hay khuyên đưa về, để cho bà được những ngày tháng cuối đời bên con cháu.Vậy thì ấy là nguyện vọng thật hay dỗi, cơn dỗi. Có lẽ cháu nên lẳng lặng quan sát và gần gũi mẹ hơn, kẻo rồi không kịp hiểu, đột ngột như bố thì cháu sẽ ân hận đến hết đời. Mẹ già như chuối chín cây, ướt át, chèm nhẹp, khó lường, đương nhiên, nên phải để ý và phải chiều thôi, nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.