Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng dâu, nuôi tằm lớn nhất cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng dâu tằm toàn tỉnh trên 9.700ha, tập trung tại các huyện Lâm Hà (3.510ha), Đạ Tẻh (1.662ha), Đức Trọng (1.650ha), TP Bảo Lộc (749ha).
Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều làm độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chăn nuôi tằm, sản lượng kén và chất lượng tơ tằm.
Là người có thâm niên nuôi tằm hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Chí ở thôn 3, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cho biết, thời điểm giao mùa nuôi tằm rất vất vả. Thời điểm này tằm rất dễ nhiễm bệnh, nhất là bệnh bủng mủ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ dễ lây lan trên diện rộng.
“Năm trước, tằm của tôi bị nhiễm bệnh và chết rất nhiều dẫn đến sản lượng kén giảm. Trung bình một hộp giống nuôi khi thu hoạch sản lượng kén chỉ đạt từ 20 - 30kg”, ông Chí cho hay.
Không chỉ ông Chí, chị Tạ Thị Nhung ở thôn 3, xã Gia Lâm cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi thời điểm này năm trước tằm cũng bị chết nhiều, sản lượng kén chỉ đạt khoảng 30kg mỗi hộp giống nuôi.
Bên cạnh đó, hiện trời bắt đầu mưa nhiều cũng làm nhiều sâu bệnh gây hại cho cây dâu như bệnh rỉ sắt, rầy, rệp… phát triển mạnh, làm ảnh hưởng tới sản lượng lá dâu.
Việc tằm dễ bị nhiễm bệnh thời điểm giao mùa không chỉ làm sản lượng, chất lượng kén của người nuôi suy giảm mà còn kéo theo các doanh nghiệp ươm tơ cũng bị ảnh hưởng.
Theo anh Phạm Duy Anh, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Sản xuất tơ lụa và Dịch vụ du lịch Cường Hoàn (thị Trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), chất lượng kén thời điểm giao mùa thấp do biên độ nhiệt hàng ngày chênh lệch cao nên kén hay hỏng.
“Thời điểm này chất lượng kén thấp, thông thường 7,5kg kén sẽ được 1kg tơ, tuy nhiên hiện Công ty đang làm gần 9kg kén mới được 1kg tơ. Điều này làm cho quá trình dệt khó khăn, thay vì sản xuất hàng chất lượng cao thì Công ty phải giảm chất lượng xuống, do đó giá bán cũng giảm theo trong khi kén vẫn phải thu mua với giá cao”, anh Phạm Duy Anh nói và cho biết, thời điểm nuôi tằm cho chất lượng kén tốt là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau bởi giai đoạn này thời tiết khô và lạnh, phù hợp cho cây dâu và tằm phát triển.
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, hiện gia đình đang trồng hơn 7 sào dâu để phục vụ nuôi tằm. Những tháng mùa khô ông nuôi 1,5 hộp giống tằm, vào mùa mưa cây dâu phát triển tốt, cho lá nhiều nên ông nuôi 2 hộp giống. Mỗi tháng nuôi 2 lứa, trung bình 1 hộp giống đạt khoảng 60kg kén, với giá bán dao động từ 200.000 – 210.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng/tháng.
Theo ông Chí, tằm rất kị nước, lá dâu ướt tằm ăn cũng dễ bị bệnh. Do đó, để tránh việc tằm bị nhiễm bệnh phải tạo môi trường thông thoáng. Những ngày trời mưa, lá dâu bị ướt ông phải dùng quạt hong khô lá dâu rồi mới cho tằm ăn.
"Người nuôi tằm phải theo dõi hàng ngày, nhặt những con kẹ, trốn ngủ. Sau khi tằm ngủ thì rải ra khay rồi rắc vôi để chống ẩm, chống lây bệnh, sát trùng tằm”, ông Chí cho hay.
Theo ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn chuyển mùa từ mùa nắng sang mùa mưa, tằm thường mắc bệnh bủng mủ, bệnh do virus NPV gây ra. Virus tồn tại ở dạng đa giác thể rất vững chắc. Khi hoạt động, thể đa giác vỡ ra, virus được giải phóng, bắt đầu nhân lên và gây hại.
“Bệnh thường xuất hiện trong điều kiện môi trường nuôi không đảm bảo về nhiệt, ẩm độ. Khi nhiệt độ trên 28 độ C, ẩm độ cao sẽ gây khó khăn cho quá trình hô hấp và bài tiết chất độc trong cơ thể, dẫn đến tằm phát dục kém, sức đề kháng yếu nên rất dễ bị nhiễm bệnh”, ông Long chia sẻ.
Để phòng chống dịch bệnh cho tằm trong giai đoạn chuyển mùa, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân cần tạo điều kiện phòng nuôi tằm duy trì nhiệt độ từ 24 - 28 độ C, ẩm độ 75 - 80%. Tránh gây biến đổi nhiệt độ trong phòng đột ngột. Tạo không khí thông thoáng trong phòng nuôi, thay phân liên tục, thường xuyên nhặt tằm trốn ngủ, tằm bệnh mang đi xử lý.
Bên cạnh đó, dụng cụ, phòng nuôi phải thường xuyên được sát trùng bằng Formol 2% hoặc Clorua vôi 5%. Phòng bệnh cho tằm bằng thuốc Papzol-B (rắc 50 – 100gr/m2 tằm) hoặc Clorua vôi (100 – 150gr/m2 tằm), rắc đều lên mình tằm khi tằm ngủ hết hoặc khi tằm mới ngủ dậy (rắc thuốc trước bữa ăn 15 phút).
“Biện pháp phòng trừ đối với bệnh rỉ sắt, rầy, rệp trên cây dâu: Sử dụng những giống dâu chống chịu bệnh như S7-CB kết hợp đốn dâu hàng năm, đúng thời vụ. Tại Lâm Đồng tuyệt đối không đốn vào giai đoạn từ tháng 6 đến đầu tháng 10 hàng năm.
Sau khi đốn dâu cần thu gom sạch thân cây, cày lật đất toàn bộ diện tích để lấp hết những lá bệnh trên ruộng nhằm xử lý tàn dư nguồn bệnh. Thường xuyên cắt tỉa, làm sạch cỏ dại, tạo thông thoáng cho ruộng dâu. Thu hái đúng thời vụ, bón phân đầy đủ và cân đối cho cây dâu để tăng sức đề kháng với bệnh…”, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo.