| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Sâu keo mùa thu bùng phát mạnh

Thứ Năm 18/07/2019 , 08:44 (GMT+7)

Cuối tháng 5 vừa qua, Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên phát hiện sâu keo mùa thu gây hại 0,6ha bắp tại xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) với mật độ 2 - 4 con/m2, ở giai đoạn bắp non. Đến nay sâu keo mùa thu gây hại bắp đã lan rộng ra hầu hết các địa phương.

bp-316412177
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu tàn phá bắp.

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt- BVTV Phú Yên, hiện sâu keo mùa thu đã gây hại với diện tích hơn 93,4ha, mật độ 2 - 8 con/m2, tuổi sâu phổ biến 2 - 4 tuần, giai đoạn bắp non tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An, Sông Hinh và TP Tuy Hòa.

Tại huyện Đồng Xuân, sâu keo mùa thu gây hại 28ha bắp, tập trung các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam và xã Xuân Quang 1. Ông Bùi Văn Long, nông dân trồng bắp ở xã Xuân Sơn Bắc cho hay: Tôi trồng 1 giạ giống bắp (1.000m2), sâu xuất hiện cắn nát đọt. Tôi chưa từng thấy con sâu nào tàn phá bắp như loại sâu này. Cán bộ Trạm Trồng trọt- BVTV huyện nhận định, đây là sâu keo mùa thu và hướng dẫn cách phòng trừ. Tôi phun 3 lần thuốc, sâu có giảm nhưng vẫn còn cắn phá.

Cạnh đó, đám bắp của bà Phan Thị Hiền, bị sâu keo mùa thu “tấn công” đành cày phá bỏ. “Đám bắp nhà tôi vừa ra 6- 7 lá non, sâu keo mùa thu ăn như bò gặm cỏ. Nhận thấy đám bắp không thể phát triển, tôi đành cày phá bỏ gieo đậu xanh”, bà Hiền nói.

Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Trồng trọt - BVTV huyện Đồng Xuân cho hay: Sâu keo mùa thu lần đầu tiên xuất hiện gây hại bắp, hầu hết giống bắp đỏ đều bị sâu keo mùa thu tàn phá. Trạm Trồng trọt- BVTV huyện hướng dẫn nông dân phun trừ, tuy nhiên đối với bắp nhỏ 6- 7 lá thì việc phun trừ hiệu quả, còn bắp lớn gần trổ cờ rất khó tiêu diệt.

Tại huyện Tuy An, sâu keo mùa thu gây hại bắp nhiều nhất với 33ha, trong đó nhiễm nhẹ 20ha, mật độ 1 - 3 con/m2; nhiễm trung bình 10ha, mật độ 7 con/m2, tập trung tại xã An Định và An Dân. Ông Nguyễn Tuấn Luân, Trưởng trạm Trồng trọt - BVTV cho hay, vùng đất soi ven sông Cái thuộc các xã An Định, An Dân, năm nào nông dân cũng trồng bắp.

bp164054117
Ruộng bắp ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) bị sâu keo mùa thu cắn nát đọt.

Đất phù sa ven sông “ưa” cây bắp nên năng suất đạt 45 tạ/ha, tuy nhiên vụ này sâu keo mùa thu cắn nát đọt bắp, nông dân rất lo lắng. Trạm đi thực tế, hướng dẫn cách phòng trừ, đồng thời mở lớp tập huấn nông dân ngăn ngừa sâu keo mùa thu.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên cho biết, ngay sau khi điều tra phát hiện sâu keo mùa thu, Chi cục đã mở 6 lớp tập huấn phòng trừ tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An và Sông Hinh. Qua đó, hướng dẫn cho nông dân về tác hại và biện pháp quản lý sâu hại. Trạm Trồng trọt- BVTV các huyện tăng cường điều tra phát hiện sâu keo mùa thu, xác định vùng gây hại để có biện pháp quản lý kịp thời.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, trong tháng 6, nông dân gieo trồng được 615ha bắp, luỹ kế 6 tháng đầu năm trồng 3.590ha bằng 100% so với cùng kỳ, trong đó bắp vụ đông xuân 2.521ha, đã thu hoạch xong, năng suất bình quân khoảng 45,4 tạ/ha.

Tại huyện Tây Hòa, sâu keo mùa thu gây hại 20ha, tập trung các xã Sơn Thành Tây, Hòa Phong, là diện tích trước đây trồng tiêu nhưng do tiêu bị bệnh chết nên nông dân chuyển sang trồng bắp.

Ông Bùi Văn Tiến, ở xã Sơn Thành Tây chia sẻ: Gia đình tôi phá bỏ tiêu để trồng 2 sào bắp lai thì bị sâu keo gặm trụi lá. Con sâu này “ác” cái là nằm dưới nách lá, chui vô giữa vòi sen cắn cụt đọt, buổi sáng nó chui xuống đất cục nấp dưới đó nên phun đúng cách mới trừ được.

bp-2164107525
Nông dân xã An Định (huyện Tuy An) “độ” cày tay lật đất cục moi sâu keo mùa thu ẩn nấp dưới đất lên rồi phun thuốc tiêu diệt.
Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên: Ngay sau khi sâu keo mùa thu xuất hiện, Bộ NN-PTNT có công văn chỉ đạo cho các tỉnh, TP… về việc phòng chống sâu keo mùa thu. Sở NN-PTNT Phú Yên chỉ đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV phối hợp với các phòng chuyên môn nhanh chóng xác định vùng gây hại của sâu keo mùa thu hại bắp để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.