| Hotline: 0983.970.780

Rớt nước mắt cuộc đời hiệp sĩ 27 năm rời quê và hai bàn tay trắng

Thứ Bảy 26/05/2018 , 13:15 (GMT+7)

Vì sao các hiệp sĩ ở quận Tân Bình gọi anh Thôi là thánh nhớ biển số? Các phóng viên về xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) thường đặt câu hỏi với gia đình: “Cậu ấy học võ từ năm bao nhiêu tuổi?”. Đời tư của hiệp sĩ này gắn với hoàn cảnh 2 bàn tay trắng.

Vào Sài Gòn

Vào giữa năm 2015, anh Nguyễn Văn Thôi từ Sài Gòn trở về xã Mỹ Lợi và được người cha là ông bảy Bỉ cùng người thân trong gia đình nhìn với ánh mắt khác hẳn. Người em trai là Nguyễn Văn Toàn nhớ lại “trông ổng phát tướng, đầu hơi hói, đỡ ốm nhách và tăng thêm cân...”. Cô Nguyễn Thị Mùi, bà con trong họ gặp lại và tỏ ý mừng, vì cái thời cô vào Sài Gòn bán vé số, thỉnh thoảng gặp thằng cháu gầy gò ngồi rửa xe, lần nào cô cũng rút cho 20 ngàn, vì nghe cháu than thở: “Làm hoài mà chỉ đủ ăn!”.

15-32-30_1_cc_hiep_si_si_gon
/Các hiệp sĩ Sài Gòn bàn giao cướp cho công an (ảnh từ clip)

Anh Thôi về nhà khiến mọi người ngạc nhiên khi trịnh trọng treo lên tường tờ giấy khen của UBND quận Tân Bình và Thành đoàn TP HCM vì thành tích tham gia săn bắt cướp, giữ gìn an ninh trật tự. Ông bảy Bỉ vui trước, lo sau. Vì gia đình là nông dân gốc rạ, quê mùa, cậu con trai được chút vinh danh là chuyện lạ. “Tui ra ruộng, định căn dặn con về công việc nguy hiểm thì nó đã trở lại vô Sài Gòn cho tới khi nghe tin bị cướp đâm chết”, ông bảy Bỉ kể lại.

Nhiều năm trước, gia đình người nông dân gốc rạ bảy Bỉ vẫn chỉ loay hoay với chuyện làm đủ gạo để nuôi 5 đứa con trai. Năm 1994, cậu Thôi rời gia đình vào Nam. Xã Mỹ Lợi quê anh nằm cách quốc lộ khoảng 3 km, địa thế không gần sông, rất xa biển, vùng đất đỏ mỗi năm cho 2 mùa lúa. Dọc đường quê có rất nhiều cây me cổ thụ như cây me trong Bảo tàng vua Quang Trung. Nhiều người ở quê đều lũ lượt rời xóm me vào Sài Gòn với ước mơ đổi đời. Anh Nguyễn Văn Thường, người anh đầu vào làm thuê trong một nhà hàng để dò đường, vài tháng sau bắn tin cho 2 người em, sau đó là mẹ ruột.

Bà Nguyễn Thị Ô, mẹ của anh Thôi vào Sài Gòn làm nghề buôn bán vặt hoặc phụ việc cho các gia đình. Tính ra 4 người trong gia đình vào Sài Gòn làm lụng quần quật không kể nắng mưa nhưng vẫn không khá lên được. Thôi làm công cho một tiệm rửa xe trên đường Hoàng Hoa Thám và “nhận được” một suất an cư - ngủ tại tiệm, kết hợp trông coi, bán xăng lẻ kiếm thêm và khỏi tốn tiền thuê nhà.

15-32-30_3_b_nguyen_thi_o_me_hiep_si_nv_thoi
Bà Nguyễn Thị Ô, mẹ anh Thôi (thứ 2 từ phải qua) cho biết, “coi như con đi nghĩa vụ, hy sinh cho xã hội”

Nghề rửa xe đã vô tình luyện cho cậu phản xạ nghề nghiệp khi trở thành hiệp sĩ đường phố.
 

27 năm và hai bàn tay trắng

Viết về chân dung một con người thì phải khai thác, chọn góc nhìn từ nhiều người. Nhưng ở chàng hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi này thì vẫn còn vài điều ngoài sức tưởng tượng. Đó là rời quê vào Sài Gòn suốt 27 năm cho đến lúc trút hơi thở ngay trên đường Cách Mạng Tháng 8 vào đêm 13/5 khi săn bắt cướp, tính ra anh chỉ mới về thăm quê… 3 lần. Người mẹ nhiều lần gọi về, nhưng anh đều trả lời “sống ở Sài Gòn quen rồi, về quê nhớ con trai đang sống riêng với mẹ”. Và lần thứ 4 là trở về mãi mãi.

15-32-30_2_chi_ty_nh_thoi
Anh Nguyễn Tôn Hưng đứng lặng người chia tay anh Thôi để trở về Sài Gòn

Hình ảnh của Thôi cũng là phiên bản của nhiều người dân lao động đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cả đời lam lũ bám đất đô thành Sài Gòn và thường khoe “con đường, hẻm hóc nào tui cũng biết”. Ông Nguyễn Bỉ, cha của anh kể lại rằng, không có tiền nên nó không muốn về, cứ về quê rồi nấn ná vì cái gì đó. Gia đình biết ý cho con ít tiền lộ phí tàu xe. Và lần nào ông bảy Bỉ cũng nghe con nói “làm hoài không dư, có được ít tiền thì mua sữa lo cho con”.

Một số anh em hiệp sĩ tham gia săn bắt cướp thì chia sẻ, nghề xe ôm đã đói rồi mà còn lo bám theo bọn cướp, thêm tiền xăng dầu nữa cho nên làm sao mà đủ sống. Anh Nguyễn Tôn Hưng, quê ở Sài Gòn, thường đi cùng anh Thôi nói với vẻ thán phục: “Mấy ngày không thấy em là ảnh gọi, anh Thôi hiền, sống tình nghĩa và bọn em phục nhất là anh rất nhớ biển số xe. Cứ nhìn một lần là nhớ, cho nên bọn cướp chạy qua là anh biết và nói ngay thằng đó”.

Khi tử thi của anh Thôi được chở từ Sài Gòn về quê chôn cất vào rạng sáng 15/5, có 5 hiệp sĩ là những người từng sát cánh đã về tận quê tiễn anh và cho biết, từ sau tết đến nay, nghề chạy xe ôm rất ế ẩm, phần lớn khách chuyển sang đi xe buýt. Ban ngày chạy xe ôm chỉ đủ kiếm cơm, ban đêm thì tranh thủ đi dạo đường phố để bắt cướp. Anh Thôi không kiếm đủ tiền thuê nhà nên đành phải ăn ở tá túc với anh em, nay đây mai đó và được mọi người bao bọc giúp đỡ. Dư được vài đồng thì anh nói để mua sữa cho cậu con trai.

Lúc 20 giờ 30 phút ngày 13/5, nhóm hiệp sĩ 7 người đi trên 4 xe máy ở khu vực quận 3 qua khu vực Bắc Hải, quận 10 thì phát hiện 2 đối tượng đang di chuyển trên xe máy nhưng luôn dán mắt vào xe máy trên vỉa hè, sau đó dừng lại trước nhà số 348 C, đường Cách Mạng Tháng 8 để bẻ khóa xe SH của anh Lô Hoài Phương. Khi nhóm hiệp sĩ ập đến thì đã bị tên Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Hoàng Châu Phú quay ra đâm làm 3 hiệp sĩ bị trọng thương và 2 người chết.
 

Mong bạn yên nghỉ!

Trên mạng xã hội tràn ngập những video tuyển tập những pha cướp kinh hoàng tại Sài Gòn - một phụ nữ đang cầm túi xách bị bọn cướp xông đến kéo lê trên đường phố trước khi khi bỏ chạy, một người đi xe gay ga bị bọn cướp hất tung vào lễ phân cách ngã lộn nhào để giật dây chuyền… Phần lớn các nạn nhân mà bọn cướp nhằm vào là phụ nữ. Công an TP HCM thống kê, mỗi năm trên địabàn xảy ra xấp xỉ gần 1.000 vụ cướp. Hình ảnh đó thôi thúc các hiệp sĩ thực hiện phận sự của một người dân. Anh Thôi từng nhiều lần nói với bạn bè về sự căm ghét đối với bọn cướp và thể hiện đức tính nghĩa hiệp của người Bình Định, lao thẳng vào bọn cướp mà không ngại ngùng.

b-nguyen-thi-o-me-hiep-si-nv-thoi-2090852404
Bà Ô và cháu nội (con trai anh Thôi)

Anh Thôi và các nhóm hiệp sĩ liên kết với nhau trên mạng facebook, nhận thông tin trực tuyến từ người dân. Một số vụ cướp diễn ra giữa ban ngày, anh em hiệp sĩ xin trích xuất camera và công bố hình ảnh khuôn mặt của tên cướp trên mạng xã hội. Cách làm này của các hiệp sĩ khiến những tên cướp này không bao giờ có đường thoát khi đã bị nhận mặt.

Trưa 16/5, sau khi tiễn bạn về nơi yên nghỉ, năm hiệp sĩ thắp hương lần cuối để trở về Sài Gòn. Anh Nguyễn Tôn Hưng đứng thật lâu trước bàn thờ, khuôn mặt đỏ bừng, mắt nhìn trân trân và môi mím chặt như đang nén chịu nỗi đau, cuồn cuộn cơn tức giận. Hưng quay ra lấy điện thoại, mở hình ảnh 2 hung thủ đã bị bắt giữ, để dựa vào chiếc đèn dầu, đối diện với di ảnh của Thôi thật lâu như ngầm nói: “Tạm biệt bạn, hắn đã bị tóm, anh em hiệp sĩ sẽ tiếp tục công việc!”.

Trên mộ của hiệp sĩ Nguyễn Văn Thôi đặt rất nhiều vòng hoa của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu 5, quân khu 7; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công an; Công an TP HCM, Bình Định… facebook của Hiệp sĩ Sài Gòn tràn ngập những lời chia buồn đầy nước mắt.

 

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.