| Hotline: 0983.970.780

Sacombank – ngân hàng đi bán bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp

Thứ Hai 22/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

Cuối năm 2021, Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết nâng tầm hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền. Doanh số sau 5 năm, tổng phí bảo hiểm đạt hơn 7.880 tỷ đồng.

Khi nhà băng trở thành đại lý độc quyền bán bảo hiểm

Từ lâu ngân hàng Sacombank đã trở thành đại lý bảo hiểm lớn của Dai-ichi Life Việt Nam. Ảnh: KT

Từ lâu ngân hàng Sacombank đã trở thành đại lý bảo hiểm lớn của Dai-ichi Life Việt Nam. Ảnh: KT

Trên trang web chính thức của Sacombank (Sacombank.com.vn) ngày 27/12/2021 đã đăng tải thông tin, hình ảnh sự kiện: “Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam nâng tầm hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền”.

Cuối năm 2021, Sacombank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam đã ký kết nâng tầm hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền trên cơ sở hợp tác đã được hai bên thiết lập từ tháng 9/2017. Sự kiện này đánh dấu việc Sacombank trở thành ngân hàng đi bán bảo hiểm chuyên nghiệp.

Đây là lễ ký kết thứ 2 kể từ ngày 6/9/2017, chính thức đánh dấu việc Sacombank là “đại lý bảo hiểm độc quyền” của Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam trên cơ sở hợp tác đã được hai bên thiết lập từ ngày 06/09/2017. Điều này đồng nghĩa với việc, Sacombank sử dụng hạ tầng có sẵn của mình với hàng trăm chi nhánh trên khắp cả nước, trở thành nhà bán bảo hiểm độc quyền cho hãng bảo hiểm nước ngoài đang mưu đồ mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Theo nội dung đăng tải: “mục tiêu hợp tác hai bên sẽ được nâng giá trị cam kết lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của cả hai bên trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục khẳng định sẽ mang lại quyền lợi tối ưu nhất cho khách hàng khi lựa chọn tham gia bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam được phân phối thông qua Sacombank”.

Người đứng ra ký kết Hợp đồng này là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank.

Sacombank cho biết, sau hơn 4 năm hợp tác (từ ngày 6/9/2017), Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tài chính (cao cấp) cho hơn 540.000 khách hàng với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sacombank đồng thời ứng dụng công nghệ vào công tác bán hàng như từng bước triển khai đưa các sản phẩm bảo hiểm bán trực tuyến (trên ứng dụng Sacombank Pay)…

Bancassurance – hình thức “phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng” được hình thành từ việc một công ty bảo hiểm ký kết hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ (độc quyền) với ngân hàng. Ngân hàng sẽ tận dụng hệ thống phân phối và nguồn khách hàng hiện hữu để phân phối sản phẩm bảo hiểm cũng như thực hiện một số dịch vụ khác như thanh toán phí bảo hiểm cho công ty đối tác. Bù lại, ngân hàng sẽ nhận lại hoa hồng hoặc các khoản phí khác như thỏa thuận trong hợp đồng.

Sự hợp tác này mang lại lợi nhuận cho hai bên: bên cung cấp và bên phân phối (bán) bảo hiểm. Trong bối cảnh các hãng bảo hiểm ở Việt Nam ngày càng “đánh rơi niềm tin” khi khách hàng nhận về không đúng những cam kết như tư vấn của nhân viên bán bảo hiểm, ngân hàng là một trong những pháp nhân có lợi thế hơn, có tính pháp lý cao hơn, có hạ tầng (mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và lực lượng nhân viên hùng hậu tại nhiều tỉnh thành).

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà Sacombank 'bán' cho khách hàng có nhu cầu vay vốn. Ảnh: KT

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà Sacombank "bán" cho khách hàng có nhu cầu vay vốn. Ảnh: KT

Ngoài ra, ngân hàng còn có một tệp khách hàng đông đảo, trong đó có lượng lớn những khách hàng ký hợp đồng tín chấp vay vốn để đầu tư kinh doanh, sản xuất. Đó là những đối tượng mà ngân hàng nhắm tới, với một vài “động tác kỹ thuật”, đánh vào tâm lý người vay vốn, đó là: muốn được giải ngân thì phải… ký mua một gói bảo hiểm mà ngân hàng đó đang liên kết hợp tác, phân phối.

Vậy là ngân hàng đạt được đa mục tiêu: vừa giải ngân được nguồn vốn vay, vừa có doanh số bán bảo hiểm để được chiết khấu hoa hồng. Số tiền chiết khấu có mức tương đối cao (2 con số) đồng nghĩa với việc ngân hàng có thêm một nguồn thu (khổng lồ) mà không phải ốn kém đầu tư nhiều, bởi cơ sở hạ tầng có sẵn; nhân viên ngân hàng (kiêm bán bảo hiểm) được nhận % hoa hồng theo hợp đồng, doanh số bán bảo hiểm bán được.

Do đó, khách hàng (hay có thể gọi là “nạn nhân” của những chiếc bẫy giăng sẵn này, tỷ lệ khá lớn là những khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính để đầu tư sản xuất, sống ở các vùng quê, làm trong những lĩnh vực lao động cực nhọc (nông nghiệp, ngư nghiệp…). Do đang có nhu cầu (vay vốn), cùng với việc ít va chạm xã hội, hiểu biết, văn hóa có hạn…, họ buộc phải trở thành “khách hàng bất đắc dĩ” của những hãng bảo hiểm mà họ không biết mặt đang liên kết với ngân hàng, nếu muốn giải ngân tiền vay nhanh chóng.

Trường hợp vợ chồng ông Đinh Văn C. không phải là cá biệt!

Theo tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại các huyện ven biển của Nam Định, Thái Bình…, nơi có nhiều hộ nông dân đang đầu tư nuôi trồng thủy sản; đầu tư sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… nhu cầu về vốn của những hộ cá thể này là rất lớn lên tới cả chục tỷ đồng. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp đặc thù, theo chu kỳ mùa vụ, phải đủ thời gian mới được thu hoạch. Vì thế, rất nhiều hộ thiếu vốn làm ăn, phải đi vay vốn ngân hàng, thế chấp bằng tài sản. Và, họ trở thành “khách hàng béo bở” của những ngân hàng kiêm “đại lý bán bảo hiểm” như đã nói!!!

Hành trình Sacombank trở thành “đại lý bán bảo hiểm độc quyền”

Ngày 7/9/2017, Sacombank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam chính thức ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền, thời hạn 20 năm. Đây là thời gian hợp tác độc quyền dài nhất thị truờng bảo hiểm Việt Nam tại thời điểm đó.

Theo hợp đồng này, Dai-ichi Life Việt Nam là đối tác duy nhất độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các quyền lợi bổ trợ ưu việt nhất theo lựa chọn của khách hàng Sacombank, thông qua mạng lưới Sacombank trên toàn quốc.

Chương trình: 'Quay số trúng thưởng' vào đầu năm 2023 với mục đích 'thúc đẩy doanh số giữa Ngân hàng Sacombank – Dai-ichi Life Việt Nam (DLVN).

Chương trình: “Quay số trúng thưởng” vào đầu năm 2023 với mục đích “thúc đẩy doanh số giữa Ngân hàng Sacombank – Dai-ichi Life Việt Nam (DLVN).

Hãng bảo hiểm này khẳng định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác, Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về sản phẩm và kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ cán bộ nhân viên Sacombank;

Về phía ngân hàng, Sacombank cam kết, với quy mô hoạt động gồm 564 điểm giao dịch tại 48 tỉnh thành trên cả nước, có hệ thống bán lẻ hiện đại và đa năng hàng đầu khu vực, Sacombank sẽ đẩy mạnh phân phối các sản phẩm bảo vệ tài chính chất lượng cao của Dai-ichi Life Việt Nam, góp phần mang đến sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.

Tại Lễ kỷ niệm 5 năm ký kết hợp tác Bancassurance giữa Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam, Sacombank cho biết đã “cung cấp giải pháp bảo vệ tài chính cho hơn 460.000 gia đình khách hàng Sacombank với tổng phí bảo hiểm tính đến 30/9/2022 đạt hơn 7.880 tỷ đồng”. Đặc biệt, Sacombank luôn thuộc Top dẫn đầu thị trường Bancassurance trong năm 2022.

Để nỗ lực đạt được doanh số, Sacombank cũng giao nhiệm vụ cho các chi nhánh, nhân viên của mình.

Ngày 23/10/2019, Sacombank khai trương điểm giao dịch thứ 569 của mình tại Nam Định, đánh dấu sự có mặt tại 51/63 tỉnh thành Việt Nam: Sacombank chi nhánh Nam Định để mở rộng thị phần ở thị trường có nhiều tiềm năng phát triển về ngành công nghiệp thủy sản, dệt may, du lịch, thủy sản…, với các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy có tỷ lệ hoạt động nghề cá rất lớn.

“Ngoài ra, để tăng thu dịch vụ, Sacombank sẽ mở rộng hệ khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, các hình thức thu chi hộ, các gói bảo hiểm liên kết ngân hàng kết hợp với đối tác Dai- Ichi Life” – Sacombank đặt mục tiêu. 

Tại Lễ kỷ niệm 5 năm ký kết hợp tác Bancassurance giữa Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam, Sacombank cho biết đã “cung cấp giải pháp bảo vệ tài chính cho hơn 460.000 gia đình khách hàng Sacombank với tổng phí bảo hiểm tính đến 30/9/2022 đạt hơn 7.880 tỷ đồng”. Đặc biệt, Sacombank luôn thuộc Top dẫn đầu thị trường Bancassurance trong năm 2022.

Như vậy, rõ ràng, đường đi của Sacombank đã xác định, phân phối bảo hiểm là một trong những mục tiêu trọng điểm nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận. Khoản vay tín dụng kèm HĐ bảo hiểm nhân thọ của vợ chồng anh Đinh Văn C. – combo “bia kèm lạc” là một ví dụ điển hình.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.