| Hotline: 0983.970.780

Tăng 10-15% thu nhập nhờ tưới tự động cho cây ăn quả

Thứ Năm 16/11/2023 , 11:33 (GMT+7)

HƯNG YÊN Nhờ hệ thống tưới tự động, nhà vườn vừa đỡ mất công lao động, vừa tăng thêm khoảng 15% thu nhập - tương ứng khoảng 130 triệu đồng/ha.

Thực hiện đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với một số địa phương trong tỉnh triển khai mô hình tưới cho cây ăn quả.

Tổng diện tích mô hình gồm 12ha vườn cây ăn quả trong thời kỳ khai thác kinh doanh. Mô hình được thực hiện tại các xã Minh Tân, Nguyên Hòa, Quang Hưng (huyện Phù Cừ), Đức thắng (huyện Tiên Lữ) và các xã Mai Động, Đức Hợp (huyện Kim Động).

Cột béc tưới nước tự động được lắp đặt tới từng gốc cây ăn quả. Ảnh: Hải Tiến.

Cột béc tưới nước tự động được lắp đặt tới từng gốc cây ăn quả. Ảnh: Hải Tiến.

Các hộ được chọn tham gia mô hình phải có diện tích cây ăn quả (cam, bưởi hoặc vải) từ 1ha trở lên, có hiểu biết nhất định về kỹ thuật thâm canh cây ăn quả, có khả năng về kinh tế và có hạ tầng giao thông thuận tiện. Đặc biệt phải chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Về quyền lợi, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ xây dựng và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động theo hạng mục đã thiết kế như máy bơm nước tạo nguồn, máy tạo áp lực tưới tự động, hầm đặt máy móc, bể trữ nước, ống dẫn nước các loại, các cột, vòi phun mưa 360 độ, dây diện và một số phụ kiện kèm theo khác đảm bảo vận hành tốt, tưới tiêu khoa học.

Cùng với đó, các hộ tham gia mô hình còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình thâm canh cây ăn quả VietGAP, cách vận hành, điều chỉnh hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây. Các hộ cũng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định do khuyến nông và đơn vị tư vấn đề ra.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho biết, theo quy định, nhà nước chỉ hỗ trợ 50% kinh phí cho đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động, trong khi để mua sắm đồng bộ hệ thống máy móc này, nhà nông phải bỏ ra nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt đi vào hoạt động, hệ thống tưới này sẽ còn phát huy tác dụng được trong nhiều năm, làm hình mẫu trong tỉnh cho nông dân đến tham quan, học tập. Đây chính là những lý do cần chọn những hộ thực hiện mô hình phải có tiềm lực kinh tế, có giao thông đi lại thuận tiện.

Nhờ đầu tư hệ thống tưới tự động, năng suất, mẫu mã quả bưởi đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Hải Tiến.

Nhờ đầu tư hệ thống tưới tự động, năng suất, mẫu mã quả bưởi đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: Hải Tiến.

Mặt khác, khuyến nông hiện đại, không chỉ ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ nghèo, ít được tiếp cận khoa học kỹ thuật, mà còn phải đầu tư cho một số nông dân khá giả, giàu kinh nghiệm sản xuất để tạo ra những hạt nhân lan tỏa quy trình tiến bộ kỹ thuật ra diện rộng. Bởi tốt nhất vẫn là tạo nền tảng thuận lợi để nông dân học hỏi nông dân.

Tại mô hình khuyến nông tưới nước trên cây cam của ông Đặng Thành Nhơn ở xã Nguyên Hòa (huyện Phù Cừ), toàn bộ trang trại hơn 2ha trồng cam, bưởi và nhãn đều có các cột béc phun tưới tự động, mỗi gốc cây lắp đặt 1 cột béc.

Ông Nhơn kể, từ lâu ông đã muốn đầu tư hệ thống tưới tự động cho trang trại nhưng chưa có đủ tiền, phải trì hoãn đi trì hoãn lại. Mãi tới đầu năm nay, được khuyến nông hỗ trợ thêm một phần kinh phí, ông mới thực hiện được ý muốn. Với hệ thống tưới tự động, ông chỉ việc bật công tắc điện là mọi cây ăn quả trong vườn đều được tưới nước cùng lúc, giảm căn bản công lao động nặng nhọc so với cách làm thủ công trước dây. Ngoài ra còn tăng được khoảng 10% giá trị doanh thu, tiết kiệm đáng kể nước tưới.

“Từ khi có hệ thống tưới tự động trong vườn cây, có rất nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu. Không chỉ có các nhà nông trong tỉnh, còn có cả nông dân từ Hà Nam, Thái Bình tìm đến đề nghị chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm và hiệu quả sản xuất sau lắp đặt hệ thống tưới”, ông Nhơn cho biết.

Hệ thống tưới tự động đã giúp giảm công lao động, tăng thu nhập khoảng 15% so với tưới thủ công trước đây. Ảnh: Hải Tiến.

Hệ thống tưới tự động đã giúp giảm công lao động, tăng thu nhập khoảng 15% so với tưới thủ công trước đây. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Vũ Hồng Ngân ở xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ) cũng phấn chấn cho rằng, không có khuyến nông thì chưa biết khi nào ông mới đầu tư được hệ thống tưới tự động cho vườn cây, vì ông trồng tới 3ha vải trứng, mỗi lần tưới rất vất vả và tốn thời gian. Kể từ khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động, ông Ngân chỉ cần đóng cầu dao điện là các vòi nước tự động phun xòe xòe tưới cho khắp các cây trong vườn, đỡ mất sức lao động, vừa tăng thêm khoảng 15% thu nhập từ vườn cam - tương ứng khoảng 130 triệu đồng/ha, chủ yếu nhờ mã quả đẹp hơn, đồng đều hơn, chất lượng quả tốt hơn.

Hiện ông Ngân đang muốn mua thêm máy đo độ ẩm đất để tưới tiêu khoa học cho vườn cây. Giải pháp tình thế cho vấn đề này của ông Ngân là dùng một chiếc tuốc nơ vít cắm xuống luống đất, nếu ngập sâu được khoảng 20cm dễ dàng có nghĩa vườn cam còn đủ nước, nếu chỉ cắm xuống được 10cm đã thấy khó khăn thì phải bơm tưới ngay.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.