| Hotline: 0983.970.780

Tạo sinh kế giúp người dân gắn bó bảo vệ rừng ngập mặn

Thứ Sáu 04/10/2024 , 11:28 (GMT+7)

Đồng Nai Người nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn ở Đồng Nai tích cực chăm sóc và bảo vệ rừng để phát triển nguồn sinh kế mang lại lợi ích kinh tế cao cho mình.

Nuôi đặc sản từ thiên nhiên

Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai có vùng rừng ngập mặn với diện tích lớn, đa dạng, có ý nghĩa lớn về môi trường. Để phát triển bền vững, Đồng Nai tạo điều kiện cho người dân nhận giao khoán rừng và phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng, vừa mang lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ rừng và môi trường.

Đồng Nai có vùng rừng ngập mặn với diện tích lớn, đa dạng, có ý nghĩa lớn về môi trường. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng Nai có vùng rừng ngập mặn với diện tích lớn, đa dạng, có ý nghĩa lớn về môi trường. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng Nai có gần 8 ngàn ha rừng ngập mặn nằm ở địa phận các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, không chỉ bảo vệ, che chắn cho vùng đất này mà dưới những tán rừng ngập mặn xanh ngát nơi đây nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân được nhận giao khoán rừng và sống nhờ vào lợi thế của rừng hình thành nên nghề nuôi trồng thủy sản tự nhiên.

Tại đây, hầu hết các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đều nuôi theo hướng quảng canh và sinh thái (theo cách gọi của người dân địa phương là các đùng nuôi tôm, cua, cá…). Tuy là mô hình nuôi nhưng các loại tôm, cua, hàu, cá nước lợ…được thả trong môi trường tự nhiên. Với mô hình nuôi này, người nuôi chủ yếu thả con giống trong môi trường nước tự nhiên, vật nuôi tự tìm nguồn thức ăn trong tự nhiên. Chính vì vậy, chất lượng tôm, cua, cá nuôi trong đùng hầu như không khác gì so với thủy sản đánh bắt ngoài tự nhiên nên có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.

Những chiếc tàu lớn, vừa vận chuyển hàng hóa chạy qua sông Đồng Tranh, sông Đồng Kho đến sông Lòng Tàu đến các cảng Cái Mép, cảng Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Những chiếc tàu lớn, vừa vận chuyển hàng hóa chạy qua sông Đồng Tranh, sông Đồng Kho đến sông Lòng Tàu đến các cảng Cái Mép, cảng Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Chiếc cano tăng tốc từ sông Đồng Tranh, sông Đồng Kho đến sông Lòng Tàu, chúng tôi gặp những chiếc thuyền nhỏ của các ngư dân vừa đánh bắt cá và cả những chiếc tàu lớn, vừa vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Cái Mép, cảng Đồng Nai.

Ông Lưu Nhật Nam, người sống với nghề đánh bắt thủy sản và nuôi đùng gần 10 năm tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch đưa chúng tôi ra tham quan đùng nuôi nuôi tôm, cua quảng canh của mình, ông tâm sự: “Với mô hình này, tôi thả con giống và chỉ cho ăn dặm trong giai đoạn con giống còn nhỏ, khi thả ra đùng rồi thì chúng sẽ tự tìm thức ăn ngoài tự nhiên để phát triển”.

Theo ông Nam, so với mô hình nuôi thâm canh, thời gian nuôi quảng canh kéo dài hơn, sản lượng thủy sản nuôi cũng thấp hơn rất nhiều so với nuôi thâm canh. Việc đánh bắt tôm, cua, cá trong đùng thường không phải thu hoạch tập trung thành từng đợt mà đánh bắt hàng ngày, thu hoạch dần những con tôm, cua đạt chuẩn. Mỗi ngày, ông thu hoạch từ các đùng nuôi thường chỉ được vài đôi ba chục kg nên cung không đủ cầu.

Ông Lưu Nhật Nam, người sống với nghề đánh bắt thủy sản và nuôi đùng gần 10 năm tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch. Mỗi ngày, ông thu hoạch từ các đùng nuôi thường chỉ được vài đôi ba chục kg nên cung không đủ cầu. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Lưu Nhật Nam, người sống với nghề đánh bắt thủy sản và nuôi đùng gần 10 năm tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch. Mỗi ngày, ông thu hoạch từ các đùng nuôi thường chỉ được vài đôi ba chục kg nên cung không đủ cầu. Ảnh: Minh Sáng.

Các hộ đánh bắt thủy sản tại huyện Nhơn Trạch cũng cho hay, trước đây nguồn thủy sản nước lợ ngoài thiên nhiên còn khá dồi dào. Thời gian gần đây, sản lượng thủy sản thiên nhiên ngày càng giảm sút. Do đó, thủy sản nuôi quảng canh được thực khách săn đón, sẵn sàng trả giá cao để thưởng thức đặc sản. Các loại tôm, cua, cá nước lợ nuôi đùng chủ yếu cung cấp vào nhà hàng với giá cao để phục vụ cho nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch.

Ông Trần Hoàng, nông dân nuôi cua nước lợ theo mô hình quảng canh tại xã Long Phước, huyện Long Thành chia sẻ: “Tôi thường bắt lai rai các loại tôm, cua bán lẻ với giá ổn định ở mức cao từ 300-500 ngàn đồng/kg. Trong đó, vào tháng 9, tháng 10 như bậy giờ sẽ là mùa cua có gạch nhiều nhất, ngon nhất. Cua gạch bán ra cao hơn cua thịt từ 100-200 ngàn đồng/kg”.

Người dân chuẩn bị ngư cụ để đi đánh bắt cá tự nhiên trong đùng và ngoại sông dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân chuẩn bị ngư cụ để đi đánh bắt cá tự nhiên trong đùng và ngoại sông dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Hoàng, lợi thế của địa phương là gần những khu đô thị lớn, sau này còn có sân bay quốc tế nên người nuôi không lo đầu ra của “đặc sản” địa phương gặp khó khăn. Chính vì vậy, dù tại đây có nhiều vựa thu mua thủy sản nước lợ nhưng gia đình ông chủ yếu bán cho khách lẻ hoặc cung cấp trực tiếp cho các quán, nhà hàng. Ngoài ra, lượng khách mua lẻ, nhất là khách du lịch về tận đùng đặt mua đặc sản khá đông.

Xây dựng cánh tay nối dài bảo vệ rừng

Trước đây, đa số các hộ đánh bắt thủy sản vùng rừng ngập mặn ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch chủ yếu là dân nghèo tứ xứ, thời gian đầu họ sống chủ yếu dựa vào khai thác rừng, nhất là đánh bắt thủy sản tự nhiên ở vùng rừng ngập mặn. Khi nguồn thủy sản thiên nhiên nước lợ ngày càng cạn kiệt, cuộc sống của họ cũng gặp nhiều khó khăn. Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng là giải pháp phát triển rừng bền vững, mang lại lợi ích kép vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Lực lượng bảo vệ rừng ngập mặn thuộc Chi cục kiểm lâm Đồng Nai đi tuần tra và ghé thăm các mô hình nuôi thủy sản của những hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Lực lượng bảo vệ rừng ngập mặn thuộc Chi cục kiểm lâm Đồng Nai đi tuần tra và ghé thăm các mô hình nuôi thủy sản của những hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Theo những hộ dân nhận giao khoán trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, mô hình nuôi thủy sản quảng canh dưới tán rừng lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp, nhưng mô hình này có chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, lại thích ứng tốt với thời tiết thất thường hiện nay.

Anh Nguyễn Thành Trung, là hộ dân có 9,8 ha (gồm 5 ha mặt nước nuôi thủy sản và 3,8 ha rừng) ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch chuyên nuôi tôm, nuôi cua, hàu dưới tán rừng ngập mặn. Năm nay, thời tiết thất thường nên nuôi thủy sản không thuận lợi bằng mọi năm. Tuy nhiên, người nuôi không lo bị thất trắng như nuôi tôm công nghiệp vì dịch bệnh. Mô hình này có thể không làm giàu nhanh nhưng cho thu nhập khá ổn định, các hộ nuôi yên tâm gắn bó. “Do nuôi trong môi trường thiên nhiên nên tôm, cua, cá… hầu như không xảy ra dịch bệnh như nuôi công nghiệp. Chúng tôi hầu như không cần sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học nên không gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, các đặc sản thủy sản nuôi quảng canh có chất lượng ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm nên thu hoạch được bao nhiêu các vựa thu mua hết đến đó”, anh Trung chia sẻ.

Anh Nguyễn Thành Trung, là hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng từ hơn 20 năm qua tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch hiện có 9,8 ha nuôi thủy sản dưới tán rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Nguyễn Thành Trung, là hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng từ hơn 20 năm qua tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch hiện có 9,8 ha nuôi thủy sản dưới tán rừng. Ảnh: Minh Sáng.

Sống dưới những tán rừng ngập mặn, ngoài nuôi các loại tôm cá, người dân nơi đây còn biết tận dụng nguồn nước từ những con sông Đồng Tranh, sông Đồng Kho, sông Lòng Tàu để nuôi hàu một loại nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay.

Trên đoạn sông này dài khoảng hai km, có hàng chục bè nuôi hàu được thả nhấp nhô dọc hai bên bờ sông. Đa số những bè nuôi hàu này đều do người dân ở các nơi khác đến khai thác, còn lại một số ít là người dân địa phương xã Phước An và Long Thọ của huyện Nhơn Trạch.

Chính quyền địa phương, nhất là Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn luôn tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng. Anh Lê Đăng Khánh, Phân trường trưởng Phân trường Phước An chia sẻ: “Đối với những cán bộ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành thì những ngư dân trên sông chính là những người bạn thân thiết, là cánh tay nối dài của lực lượng bảo vệ rừng. Phát triển rừng ngập mặn, giữ được môi trường rừng thì thủy sản mới sinh sôi. Chính vì vậy, người dân sinh sống ở vùng rừng ngập mặn cũng có trách nhiệm hơn trong bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Nhờ đó, môi trường thiên nhiên ở vùng rừng ngập mặn này rất thuận lợi cho thủy sản sinh sôi, nảy nở”.

Các loại tôm, cua, cá nước lợ nuôi đùng theo hướng thiên nhiên, khi thu hoạch người dân chủ yếu cung cấp vào nhà hàng nằm ngay ven sông với giá cao để phục vụ cho nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch. Ảnh: Minh Sáng.

Các loại tôm, cua, cá nước lợ nuôi đùng theo hướng thiên nhiên, khi thu hoạch người dân chủ yếu cung cấp vào nhà hàng nằm ngay ven sông với giá cao để phục vụ cho nhu cầu của thực khách, nhất là khách du lịch. Ảnh: Minh Sáng.

Theo anh Khánh, người dân nuôi theo hình thức này vừa có thể bảo vệ rừng, vừa cân bằng được hệ sinh thái, với hình thức nuôi như thế này cũng ít làm ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là cách mà những người dân sống trong rừng ngập mặn nơi đây thể hiện sự tôn trọng cũng như ý thức bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái môi trường.

Đến đây mỗi khi thấy giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân gặp nhau, nghe những câu thăm hỏi, những câu nói bông đùa vui vẻ gần gũi khiến chúng tôi cảm nhận được nghĩa tình gắn bó của những người quanh năm sống với rừng, với sông nước nơi đây. Với họ, rừng chính là nhà, là tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Rừng đối với họ như hũ, gạo, nồi cơm nên họ rất trân trọng và giữ gìn.

Xem thêm
Thái Nguyên: Hệ thống ao hồ nuôi thủy sản khôi phục an toàn sau mưa lũ

Đến nay, hệ thống ao hồ nuôi thủy sản tại Thái Nguyên đã được khôi phục an toàn sau mưa lũ và không ghi nhận xuất hiện dịch bệnh sau thiên tai.

Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…