| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL

Thứ Bảy 02/12/2023 , 16:32 (GMT+7)

Đề án 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thủy.

Thông tin tại họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 ngày 1/12, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin, Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án - PV) sẽ được Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố phê duyệt trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 11-14/12 tới đây.

"Đây là sự kiện trọng thể, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành lúa gạo, nông dân trồng lúa cả nước nói chung và sản xuất lúa gạo, nông dân vùng trồng lúa vùng ĐBSCL nói riêng. Đây là việc phải làm và nên làm với sản xuất lúa vùng ĐBSCL và nông dân vùng ĐBSCL", Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường nói và cho biết thêm, vùng ĐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm quan trọng nhất, có đóng góp to lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Tại đây, lúa gạo không chỉ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực cho 13 tỉnh ĐBSCL và cung cấp lúa gạo cho TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, mà còn đóng góp trên 90% lúa gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta, đưa về cho đất nước hàng tỷ đôla.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, ngành lúa gạo vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế trong nội tại và khách quan: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; lực lượng lao động trực tiếp là người già, trẻ nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp; chuỗi giá trị chưa có hiệu quả cao, thương hiệu lúa gạo Việt Nam còn yếu, chuỗi liên kết quá dài, liên kết lỏng lẻo, các thành tố trong chuỗi giá trị chưa phù hợp.

Áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Đề án là một thí điểm ĐBSCL khu vực và thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án này có những chính sách thí điểm như thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với những chính sách, cơ chế đầu tư tín dụng, với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong sản xuất lúa gạo đầu tư, thúc đẩy liên kết với nông dân và là động lực, trung tâm, đầu tàu trong việc phát triển lúa gạo vùng ĐBSCL", ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, với sự thống nhất về nhận thức, hành động và chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, sự cống hiến của các nhà khoa học nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đặc biệt là sự lao động của hàng triệu người nông dân, Đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.

"Chưa có đề án nào trình Thủ tướng Chính phủ mà thời gian bắt đầu xây dựng đến khi ban hành vỏn vẹn trong 6 tháng và chưa có một đề án nào nhận được sự quan tâm sâu sắc của mọi tầng lớp nhân dân, xã hội, chính quyền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, triển lãm quốc tế và truyền thông quan tâm", ông Cường nói.

Để hiện thực hóa Đề án, theo ông Cường, cần phải có sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cũng như các doanh nghiệp, người dân, cộng đồng xã hội. Đặc biệt là các cơ quan thông tấn báo chí, cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi nhận thức của các thành tố trong chuỗi giá trị. 

Các hộ nông dân, HTX khi tham gia Đề án sẽ được tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất lúa. Ảnh: Tùng Đinh.

Các hộ nông dân, HTX khi tham gia Đề án sẽ được tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất lúa. Ảnh: Tùng Đinh.

"Đề án này có thành công hay không chính là ở những người nông dân một nắng hai sương ở vùng ĐBSCL", Cục trưởng Cục trồng trọt nói và thông tin thêm, Đề án này nhằm mục đích hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 

Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL với diện tích khoảng một triệu ha gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180 ngàn ha. 

Giai đoạn 2 (2026-2030): xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài, trong giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV).

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.