Lao động đang làm việc tại nhà máy chế biến khoáng sản Bản Tặc |
Sau khi đã bí mật khảo sát tại Bản Tặc, phóng viên Báo NNVN đã gặp một số người nói tiếng nước ngoài. Một số người đã ăn ở và sinh hoạt tại nhà máy (NM) chế biến khoáng sản Bản Tặc do DNTN Cao Bắc đăng ký hoạt động.
Qua câu chuyện với người dân thôn Bản Tặc, họ đã “tố” rằng; chúng tôi thường xuyên gặp người nói tiếng nước ngoài, cứ lén lút qua lại trên khu vực đường vào NM, thường là lúc màn đêm buông xuống, còn họ đi đâu, vào nhà ai và làm gì thì không biết rõ. Trong buổi làm việc tại xã Đức Vân, một cán bộ xã bức xúc rằng, đã nhìn thấy nhiều người nước ngoài đang ở Bản Tặc trong những năm gần đây, họ đã bí mật qua lại thường xuyên, không biết họ làm gì ở đó?.
Khi PV xin cung cấp tài liệu, xã Đức Vân đã cung cấp về một số người Trung Quốc, đã được đăng ký tạm trú tại NM chế biến khoáng sản. Cụ thể là DNTN Cao Bắc đăng ký tạm trú cho 4 người trong năm 2016, và 11 người năm 2017. Sau đó Công ty TNHH Đô Thơm do bà Vũ Thị Thơm là Giám đốc đã thuê lại NM và điều hành hoạt động từ đầu năm 2017 đến nay. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp đã đăng ký tạm trú cho 4 người năm 2017 và 6 người năm 2018.
Một tờ danh sách xin cấp tạm trú của doanh nghiệp thể hiện rõ thời gian đăng ký 3 tháng |
Còn hiện tại đang có bao nhiêu người nước ngoài cư trú tại Bản Tặc, phía xã Đức Vân cũng không biết chắc, bởi khu vực NM chế biến khoán sản của Bản Tặc vốn được lập chốt canh phòng cẩn mật, không ai có thể dễ dàng đi vào khu vực này, kể cả cơ quan chức năng muốn thăm nắm quá trình sản xuất, cũng phải qua rất nhiều khâu kiểm soát mới được phép đến sân NM, vậy thực tế số người Trung Quốc đã cư trú tại đây là bao nhiêu? Làm gì? thì chỉ có người phục trách NM mới biết rõ!
Còn theo báo cáo của xã Đức Vân, trong 3 năm đã có 25 lượt người Trung Quốc được đăng ký tạm trú, ăn ở luôn bên trong NM chế biến khoáng sản Bản Tặc. Cơ bản họ được đăng ký với 2 lý do là mời sang tư vấn kỹ thuật cho NM và thăm thân. Nhưng có một sự trùng hợp là tất cả chỉ đăng ký tạm trú theo thời hạn là 3 tháng. Có người hết hạn thì về nước, sau vài ngày làm visa mới thì lại sang Việt Nam.
Để giải đáp những thắc mắc trên về số lao động người nước ngoài của DN , phóng viên đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn về vấn đề này. Thông tin với Báo NNVN, đại diện Phòng Lao động – Việc làm khẳng định rằng: Trong 3 năm trở lại đây, Sở LĐ không cấp 1 giấy phép nào cho lao động người nước ngoài của DNTN Cao Bắc. Đồng thời cũng không nhận được báo cáo nào của các cơ quan chuyên môn khác và của huyện Ngân Sơn về việc này.
Việc người Trung Quốc xuất hiện ở Bản Tặc trong mấy năm gần đây đặt ra nhiều dấu hỏi. Nếu làm việc tại NM thì doanh nghiệp có làm đúng luật lao động hay không? Hay vì một lý do nào khác? Câu hỏi nghi vấn của dư luận xã hội xin chuyển đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn xem xét, trả lời cho thấu đáo.
Sổ lưu danh sách tạm trú, tạm vắng của CA xã Đức Vân |