Hội thảo "Huy động hợp tác đa ngành chung tay hợp tác về kháng kháng sinh" diễn ra tại Hà Nội, do Bộ NN-PTNT và tổ chức Chatham House của Anh đồng tổ chức.
Hiện nay, trong khuôn khổ Khung đối tác một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người, Kháng kháng sinh là một nội dung đặc biệt quan trọng được quy định tại nhiệm vụ số 3 trong Khung đối tác. Hội thảo được tổ chức rất kịp thời nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác đa ngành, đa đối tác cùng chung tay phòng chống kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng kế hoạch hành động quốc gia (National Action Plan - NAP; 2013-2020) về kháng kháng sinh (AMR) được Bộ Y tế ban ngày tại Quyết định số 2174 ngày 21/6/2013.
Theo đó, năm 2017, “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” đã được ban hành. Tuy nhiên, dù đã và đang thực hiện kế hoạch hành động về kháng kháng sinh, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia có tỷ lệ AMR cao nhất ở châu Á.
Liên quan vấn đề này, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 3609 ngày 23/8/2021 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Cục Thú y là cơ quan đầu mối kỹ thuật.
Mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp của Việt Nam về cơ bản phù hợp với 5 mục tiêu kế hoạch hành động toàn cầu và kế hoạch hành động của FAO giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch hành động này đưa ra các nhiệm vụ cụ thể phù hợp với điều kiện, thực trạng và hoàn cảnh của Việt Nam.
Theo ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), do nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế, phân bổ cho nhiều lĩnh vực ưu tiên, hội thảo này được tổ chức có sự hỗ trợ và đồng chủ trì trực tiếp của Chatham House, Anh nhằm kêu gọi sự chung tay hợp tác đồng lòng của các bộ ban ngành và đối tác phát triển quốc tế trong cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh tại Việt Nam, tạo cơ hội để cùng chia sẻ trách nhiệm, đề xuất chính sách, thể chế về kháng kháng sinh.
Bên cạnh đó, đề xuất cơ chế phối hợp đa ngành về kháng kháng sinh; huy động nguồn lực tri thức và tài chính trong nước và quốc tế cho phòng chống kháng kháng sinh và đặc biệt là huy động nguồn lực nhằm thực hiện những cam kết và nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp trước bối cảnh nguồn lực trong nước hiện nay.
Đứng trước thực trạng về kháng kháng sinh tại Việt Nam còn nhiều bất cập trong quy định về việc cung cấp thuốc kháng sinh trong y tế và thú y; cung ứng kháng sinh y tế và thú y; hệ thống giám sát sử dụng kháng sinh.
"Điều này đòi hỏi các cấp các ngành tại Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp với nhau trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh. Việc phối hợp cần dựa trên cách tiếp cận một sức khỏe, vì con người, động vật, thực vật và môi trường có mối liên hệ qua lại với nhau ở trên các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, các cấp các ngành", ông Vũ Thanh Liêm nói.
Do đó, hội thảo sẽ kêu gọi tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực kháng kháng sinh trong khuôn khổ Khung Đối tác một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người. Tầm ảnh hưởng và tác động của kháng kháng sinh thì các vị cũng đã biết và sẽ hiểu rõ hơn qua các bài trình bày của các cơ quan chủ trì kỹ thuật, đặc biệt là từ Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục thú y.
"Về phía Khung đối tác một sức khoẻ, chúng tôi cố gắng làm tốt vai trò điều phối, tạo ra các cơ chế, diễn đàn chia sẻ, nhân rộng những kết quả nghiên cứu, bài học, kinh nghiệm thực tế về các hoạt động, chương trình kháng kháng sinh quốc tế và quốc gia, đồng thời, làm cầu nối, kết nối các bên liên quan trong nước và đối tác phát triển quốc tế, đặc biệt là các đối tác quan trọng như Anh, Mỹ, EU, Úc, Pháp đều có mặt ngày hôm nay để lắng nghe những như cầu thực tế từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, có cơ sở hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật hoặc bố trí nguồn lực phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam", lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh thêm.