| Hotline: 0983.970.780

Trở về nước với bản Tạm ước 14/9 và nguồn lực trí tuệ Việt kiều

Thứ Sáu 03/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Xa đất nước kéo dài 4 tháng, trong đó có 3 tháng ở thăm nước Pháp. Đây là chuyến công du đầu tiên và cũng kéo dài nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trở về nước với một bản Tạm ước 14/9 cầm trong tay. 

Dẫu những đổ vỡ tại cuộc đàm phán Fontainebleau nhưng thời gian tạm hòa hoãn giữa hai bên kéo dài thêm, đủ để Việt Minh chuẩn bị và củng cố căn cứ địa kháng chiến. Một cuộc “thiên đô” đã sẵn sàng.

“Đóng cửa Hội nghị Fontainebleau”

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thăm nước Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp thì Hội nghị Fontainebleau đàm phán về vấn đề Việt Nam cũng được khai mạc ngày 6/7/1946.

Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng khác với chuyến sang Pháp hồi tháng 4/1946, lần này, thái độ của ông cứng rắn hơn. Sainteny trong hồi ký đã đánh giá: “Với những lời lẽ cứng rắn đôi khi gay gắt, Phạm Văn Đồng phản ánh tâm trạng của các đại biểu Việt Nam. Những đại biểu này không che giấu sự lo ngại bị lừa bịp bởi một chính sách nhiều mưu mô của phía Pháp”.

Trình Quốc Quang, một thành viên trong phái đoàn, đã viết về phiên họp ngày 26/7/1946: “Ủy ban chính trị vừa khai hội xong, trưởng đoàn Việt Nam đọc lời phản đối việc Cao ủy Pháp tại Trung Ấn triệu tập một “Hội nghị liên bang” tại Đà Lạt, vào ngày 1/8”. Ông Phạm Văn Đồng cho rằng đó là chuyện bội ước và đặt phái đoàn vào tình thế khó xử. Đến phiên họp ngày 1/8/1946, không khí căng thẳng hơn khi Trưởng đoàn Việt Nam nhắc lại lời phản đối về Hội nghị Liên bang Đông Dương họp tại Đà Lạt.

“Không phải là người bất cố liêm sỉ, chúng tôi không thể đứng trong một tình thế mập mờ được, vậy bắt buộc phải đình chỉ công việc, đợi cho tình thế mập mờ ấy tiêu tán đã”.

Sau câu nói cuối cùng của Phạm Văn Đồng, Hội nghị Fontainebleau giải tán khi mà chưa giải quyết được vấn đề nào đem ra thảo luận. Sainteny đã ví von đó là hành động Phạm Văn Đồng “đóng cửa Hội nghị Fontainebleau”. Ông xuống Marseille đáp tàu thủy về nước, và cập bến cảng Hải Phòng ngày 3/10/1946.

Tạm ước 14/9/1946

Đoàn đại biểu đàm phán của Việt Nam đã về tay không. Nhưng Hồ Chí Minh lại khác. Người nói với Sainteny: “Tôi làm sao trở về nước với “hai bàn tay không”? Vì thế, Hồ Chủ tịch vẫn nán ở lại chứ không về cùng đoàn với Phạm Văn Đồng.

Chuyến thăm chính thức nước Pháp đã kết thúc. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không còn là khách mời của Chính phủ Pháp nữa. Trả lại căn phòng ở khách sạn Royal Monceau, Hồ Chí Minh đến ở tại biệt thự riêng của vợ chồng ông Aubrac, ngoại ô bắc Paris. Vợ chồng ông Aubrac đều là những người hiểu biết về chính trị. Bà Aubrac là nghị sĩ Quốc hội Pháp và đã từng tham gia du kích chống phát xít Đức. Ông Aubrac, cũng là người kháng chiến và đã từng giữ nhiều trách vụ quan trọng.

Ở nhà ông Aubrac, một hôm Bác cho mời khá đông kiều bào đến nói chuyện. Bà Phương Tiếp, một phụ nữ Việt kiều dự cuộc nói chuyện này đã kể lại trên tờ Đoàn kết, xuất bản tại Paris năm 1986:

“Trong phòng khách nhà ông Aubrac hôm ấy, không hiểu tại sao lại chỉ có mỗi một chiếc ghế bành. Bác tiếp kiều bào ở đó. Lúc bấy giờ tôi đang có mang. Bác bắt tôi ngồi vào chiếc ghế bành duy nhất ấy. Tôi sợ ơi là sợ ngượng ơi là ngượng. Có mỗi một cái ghế, đáng lẽ phải để cho vị Chủ tịch nước ngồi chứ. Tôi định không ngồi nhưng Bác bảo: “Người phụ nữ có mang thì phải cẩn thận”.

Rồi Bác bỏ dép ra ngồi xếp chân bằng tròn dưới đất, tất cả mọi người đều làm theo. Thực ra không phải là nhà ông bà Aubrac không có ghế để ngồi, nhưng mà vì hôm đó tiếp đông người quá, Bác đã cho dọn hết cả bàn ghế ở phòng khách sang phòng khác, để tất cả cùng ngồi ở dưới đất.

“Ông tỏ rõ thái độ muốn đi tới cùng”, Sainteny nhận xét. Nhằm cứu vãn tình hình, muốn tránh sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet đã ký bản Tạm ước vào đêm 14/9/1946.

Kỹ sư Võ Đình Quỳnh (1917 - 2010), quê làng Vạn An, xã Nghĩa Thượng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi kế tiếp. “Famille Vo Dinh” là cái nôi sinh thành ra nhiều nhà khoa học kế tiếp nhau xây dựng đất nước như TS Võ Thị Huệ Đa; TS Hóa học Võ Thị Tri Túc; kỹ sư Võ Đình Bổng; kỹ sư Vũ Đình Bông, kỹ sư Võ Đình Viện… 

Nhật ký của ông Đỗ Đình Thiện ghi rất ngắn gọn song cho thấy tính chất dồn dập các sự kiện chỉ trong ngày cuối cùng này: “17h, Cụ đi gập ông Moutet. 18h Cụ đi gập ông Bidault. 19h45 Cụ về khách sạn. 12h rưỡi đêm Cụ đi gập ông Moutet”. Như vậy, để kéo dài thời gian hòa hoãn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Moutet đã phải cùng nhau ký một bản Tạm ước vào lúc nửa đêm.

Đưa về nước nguồn lực trí tuệ Việt kiều

Ngoài bản Tạm ước 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa về nước trên chuyến tàu Dumont d’Urrville thêm 4 nhà trí thức Việt Nam. Đó là kỹ sư Phạm Quang Lễ, kỹ sư Võ Quí Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh. Đây là một nguồn lực trí tuệ đã có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến. Trong đó, nổi bật lên là tên tuổi kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa) và bác sĩ Trần Hữu Tước.

Trong số này, kỹ sư Võ Đình Quỳnh là người trẻ nhất. Rời bỏ mọi vinh hoa phú quí để về nước tham gia kháng chiến và kiến quốc, bốn nhà khoa học trẻ thừa hiểu rằng gian khổ hi sinh đang chờ đợi họ trước mắt. Kỹ sư Phạm Quang Lễ, kỹ sư Võ Quí Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước đã được nhiều người nhắc đến nhiều năm qua. Ở đây, tôi muốn dành một nét phác nhanh về kỹ sư Võ Đình Quỳnh.

13349211-553026294883702-147442763-n13462457
Kỹ sư Võ Đình Quỳnh (ngoài cùng bên trái) gặp lại Cố vấn Phạm Văn Đồng (1997)

 

Khi tôi tìm được đến thân nhân của kỹ sư Võ Đình Quỳnh thì ông vừa về nơi yên nghỉ vĩnh hằng một ngày gần cuối năm 2010, hưởng thọ 94 tuổi.

Sau ngày về nước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh vào 98 Nguyễn Du - Sài Gòn, đó là cửa hàng của gia đình cùng với cả dãy phố do người chú ruột làm chủ. Khi lên đường, ông được kỹ sư Trần Đại Nghĩa gửi một số sách báo, tài liệu nhờ cất giữ. Nhưng rồi ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946) diễn ra, ông bị kẹt lại trong lòng thành phố. Mọi liên lạc với tổ chức đều bị cắt đứt.

Với trình độ kỹ sư Mỏ - Luyện kim, bằng trí tuệ của mình, kỹ sư Võ Đình Quỳnh đã xây dựng lên nhà máy thép mang tên Việt Nam Kim Khí Công Ty - VIKIMCO tại Thủ Đức những năm 1960 do ông trực tiếp điều hành và quản lý. Từ đây, kỹ sư Võ Đình Quỳnh được mệnh danh là “Ông vua gang thép”.

Năm 1996, ông tới thăm GS.VS Trần Đại Nghĩa. Một thời tuổi trẻ chung chuyến tàu, nay gặp lại khi đã ở tuổi 80, cả hai đều rưng rưng ngấn lệ. Sau đó, kỹ sư Võ Đình Quỳnh ra Hà Nội, tới chào Cố vấn Phạm Văn Đồng. Cùng với một người cháu, ông mong muốn cuối đời, vẫn có những thành viên trong gia đình tiếp nối truyền thống để đóng góp trí tuệ xây dựng đất nước.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Lương HLV Kim Sang-sik nhận được ở Việt Nam bao nhiêu?

HLV Kim Sang-sik không nhận mức lương quá cao như nhiều tin đồn khi dẫn dắt đội U23 và tuyển Việt Nam trong bản hợp đồng kéo dài 2 năm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.