| Hotline: 0983.970.780

Trọng trách mới của ngành bảo vệ thực vật

Thứ Sáu 18/11/2022 , 06:45 (GMT+7)

Cùng với việc bảo vệ sản xuất, ngành bảo vệ thực vật đang gánh vác trọng trách xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, tăng giá trị, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu...

Ngày 17/11, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Lắk tổ chức hội nghị tổng kết công tác BVTV năm 2022, triển khai kế hoạch công tác năm 2023 các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hội nghị có sự tham dự của chi cục BVTV các tỉnh trong khu vực.

Bảo vệ thực vật không chỉ có bảo vệ sản xuất

Theo Trung tâm BVTV miền Trung, năm 2022, khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đối mặt với thời tiết phức tạp, cực đoan, khác thường so với những năm gần đây. Đầu vụ đông xuân, mưa lũ lớn gây úng ngập, trôi dạt giống ở các tỉnh ven biển. Cuối vụ, mưa trái mùa trên diện rộng đã gây úng ngập, đỗ ngã, ảnh hưởng đến năng suất lúa và rau màu ở các địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục BVTV đề nghị các đơn vị tập trung thảo luận, có kế hoạch xử lý sâu bệnh trong năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV phát biểu nhấn mạnh những trọng trách, nhiệm vụ mới của ngành bảo vệ thực vật. Ảnh: Quang Yên.

Vụ hè thu 2022 ở khu vực này mặc dù mưa đều, có phần thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển nhưng cũng thuận lợi cho sinh vật gây hại trên diện rộng. Đến cuối vụ, mưa trái mùa trên diện rộng đã ảnh hưởng đến lúa và rau màu ở các địa phương trong vùng, nhất là vùng trũng.

Một số đối tượng sinh vật gây hại có diễn biến phức tạp trong khu vực năm 2022 như: Bệnh đạo ôn, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, lem lép, thối hạt phát sinh gây hại diện rộng trên lúa; bệnh khảm lá virus hại sắn; bọ xít muỗi, thán thư trên cây điều; bệnh nứt thân xì mũ trên cây sầu riêng; bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu; bệnh chết rạp cây con sâm Ngọc Linh.  

Trong đó, có 3.718ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lem lép hạt và ốc bươu vàng cao hơn năm trước; gần 700ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại; hơn 44.800ha sắn bị bệnh khảm lá; hơn 2.900ha sầu riêng bị bệnh nứt thân chảy mủ do nấm Phytophthora sp. gây ra…

Là một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn, ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, ngành BVTV luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất trồng trọt của cả nước nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

IMG_3536

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk kiểm tra bệnh trên cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Dũng, bên cạnh sứ mệnh bảo vệ sản xuất cây trồng nông nghiệp, ngành BVTV đã mang lại giá trị hiệu quả thiết thực cho người dân nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cây trồng. Đặc biệt, ngành BVTV ngày càng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, sinh thái, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị COP26 cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Do đó, ngành BVTV từ trung ương đến địa phương đang từng bước ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số để tăng hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm xã hội, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời đáp ứng được các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng trong nướ và xuất khẩu.

Thay đổi để gánh vác nhiều trọng trách

Ông Đỗ Xuân Dũng cho biết thêm, là tỉnh có diện tích cây trồng lớn, công tác BVTV của Đắk Lắk được tỉnh hết sức coi trọng, đảm bảo công tác phòng và chống sâu bệnh một cách chủ động, hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn trong nước và các nước xuất khẩu.

Để làm được điều này, Sở đã chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo của trung ương, phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình toạ đàm, tập huấn, hướng dẫn tuyên truyền Luật Bảo vệ Kiểm dịch thực vật, các hiệp định thương mại, nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng, trong đó có đối tượng kiểm dịch thực vật. Cùng với đó, Sở cũng đã xây dựng những mô hình cánh đồng IPM, ICM và các mô hình mẫu để người dân học tập nâng cao ý thức và nhân rộng cho sản xuất.

IMG_4350

Bệnh khảm lá sắn hiện vẫn đang là thách thức cho ngành bảo vệ thực vật ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

“Trước xu thế và nhu cầu của người tiêu dùng về sản xuất sạch, không có dư lượng thuốc BVTV và gắn liền với bảo vệ môi trường, Sở đang tập trung xây dựng các mô hình có hiệu quả đối với các loại cây trồng chủ lực. Tăng cường tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học về phòng trừ sâu bệnh cho các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là tập huấn các nghị định thư về công tác kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình dự án để huy động nguồn lực trong việc triển khai và ứng dụng các chương trình IPM, ICM cho cây trồng; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong lĩnh vực BVTV để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV có hiệu quả”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh việc sản xuất bền vững và phát triển nông nghiệp xanh, sạch. Tuy nhiên, việc này còn rất nhiều khó khăn phải đối phó như biến đổi khi hậu; các vấn đề dịch bệnh; tái cơ cấu giống cây trồng; các bộ máy quản lý, chỉ đạo sản xuất đã bị thay đổi...

Trước tình hình như vậy, Cục BVTV đã xác định, xây dựng trong toàn ngành nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Đẩy mạnh công tác tổ chức, triển khai IPM, IPHM để đưa vào sản xuất, để làm sao có giải pháp kỹ thuật thân thiện nhất trong sản xuất, đỡ ô nhiễm, an toàn với con người và môi trường sinh thái; đề xuất Bộ NN-PTNT đưa vào nghị quyết chương trình phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, an toàn; triển khai chương trình phát triển thuốc BVTV sinh học và sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, trách nhiệm; triển khai các chương trình quản lý về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…

Empty

Những năm qua, ngành bảo vệ thực vật đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc bảo vệ, xây dựng bền vững các loại cây ăn quả chủ lực ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: KS.

“Để làm được việc này, cần sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành, cơ quan chức năng để giúp cho người dân nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, quản lý tốt về vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản. Thời gian tới, nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên được định hướng phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su, chè; hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa, rau, cây ăn quả theo hình thức trang trại quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, theo chuỗi giá trị khép kín, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế cao”, ông Đạt nói.

Nhiều nhiệm vụ cho Trung tâm BVTV miền Trung

Trong năm 2023, Trung tâm BVTV miền Trung sẽ giữ vững và tiếp tục ổn định tổ chức chuyên ngành cấp tỉnh, cũng cố và hoàn thiện cấp huyện, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý thuốc BVTV và phân bón, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Cụ thể, nắm chắc tình hình sinh vật gây hại chủ yếu trên những cây trồng chính, bảo vệ an toàn các vụ sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chất lượng sản phẩm với chi phí tiết kiệm, giá thành hạ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tăng cường công tác khoa học, tập trung giải quyết những khó khăn trong sản xuất mang tính đặc thù của vùng, của từng địa phương; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ (về thuốc BVTV, phân bón, giống…) phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành BVTV. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện cho nông dân về sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc BVTV, phân bón, công tác an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tập trung chú ý đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng sản xuất rau và cây trồng xuất khẩu.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.