Lộng quyền
Những người đi qua khu vực đường tròn (bùng binh) Sông Hiến sẽ không khỏi “gai mắt” vì tấm pano tuyên truyền có kích thước lớn ở đầu đường 58 (thuộc tổ 12, P. Sông Hiến, TP. Cao Bằng). Nội dung của tấm pano là rất hay, nhưng lại đặt ở vị trí không phù hợp, che chắn hoàn toàn trước cửa 2 nhà dân. Nếu được nghe người dân ở khu vực này kể chuyện về cách xử lý của lãnh đạo thành phố liên quan tới tấm pano này thì sẽ không khỏi bức xúc thay cho những người trong cuộc.
Một gia đình có ý kiến rằng cần dịch chuyển tấm biển pano tuyên truyền theo hướng đi Cao Bằng - Bắc Kạn vài mét là sẽ không chắn nhà dân, vì đó là cả một đoạn dài cả trăm mét taluy đồi cao đã được xây kè. Như vậy không chỉ là đảm bảo cho đời sống người dân, mà còn ở vị trí đối xứng với tấm pano đặt ở đối diện bên kia đường.
Dù người của gia đình đã đi nhiều cơ quan quản lý để có ý kiến về việc này, nhưng không những không được phản hồi, mà TP. Cao Bằng vẫn quyết định giữ nguyên vị trí. Đến khi xây dựng, thì điều động cơ quan chức năng đến trấn áp. Mục đích là để tránh người dân phản đối việc thi công dựng tấm pano.
Gia đình chính sách gương mẫu không còn “đường sống”
Theo tìm hiểu của phóng viên, hai nhà dân phía sau tấm pano là hộ bà Vương Thị Gái và hộ ông Nguyễn Văn Thành. Để đến được nhà của 2 người này, thì sẽ phải trèo lên bằng những chiếc thang dựng tạm bợ từ vỉa hè.
Gia đình bà Vương Thị Gái (vợ của ông Hà Văn Nọi, đã chết từ tháng 10/2020), được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước là gia đình có công với cách mạng (có ông Hà Văn Bình, là anh trai ruột ông Nọi hy sinh năm 1969 tại mặt trận phía nam). Để làm đường 58, UBND TP. Cao Bằng đã có quyết định bị thu hồi 154m2 trong tổng diện tích của gia đình 306,2m2 đất nhà ở; 616,9m2 trong tổng 1.143,2m2 đất vườn đồi.
Sau đó gia đình bà Gái đã chủ động làm căn nhà tạm (hiện nay vẫn đang ở) lên phần đất đồi giáp phía sau không bị thu hồi, để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước làm dự án, mặc dù vẫn chưa được lấy tiền đền bù. Với hành động gương mẫu này, gia đình bà Gái đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư TP. Cao Bằng tặng thưởng với số tiền 3.250.000đ.
Tuy nhiên chỉ sau mấy tháng, từ một hộ gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước lại trở thành những người bị chịu thiệt thòi, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do đường lên nhà không có, tiền đền bù không được nhận.
Anh Hà Văn Thiết (con trai của bà Gái) bức xúc nói, sau khi gia đình bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để làm đường là 154m2, nhưng thực tế lại lên hơn 200m2. Gia đình đi hết cơ quan này, tới cơ quan khác của TP. Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng yêu cầu kiểm tra lại thực tế diện tích bị thu hồi của gia đình, nhưng cứ đùn đẩy trách nhiệm không đơn vị nào giải quyết. Gia đình sau đó bị chèn ép, đến nay vẫn còn gần 600 triệu chưa được lấy tiền vì lý do bảo đất tranh chấp, nhưng thành phố lại không vào cuộc giải quyết vấn đề này cho dân.
Tương tự như bà Gái và cũng phải làm cầu thang lên nhà, là hộ ông Nguyễn Văn Thành ở bên cạnh. Ông Thành bị thu hồi một phần diện tích đất và đường đi cũ nên giờ không có đường lên nhà, xe máy thì phải mang đi gửi ở nhà quen gần đó. Có lần bản thân ông Thành đã bị ngã do trượt cầu thang và bị thương, nhưng may mắn là không nguy hiểm tính mạng. Nên rất mong muốn lãnh đạo thành phố và bên Ban quản lý dự án đường 58 sớm xây dựng giúp gia đình đường lên nhà như đã hứa.
Ông Thành cho biết: “Bức xúc nhất là tấm pano tuyền truyền dựng trước cửa nhà dân như vậy, họ dịch chuyển lên vài mét thôi là không ảnh hưởng tới nhà dân. Nhà tôi chưa khổ bằng nhà bên cạnh (ý nói nhà bà Gái), vì trước cửa vẫn chưa bị chắn hết, còn có tý ánh sáng vào nhà”.
Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng (từ ngày 10/3/2021), nội dung làm việc được thông qua Chánh Văn phòng UBND thành phố theo đúng quy định. Nhưng đến nay, PV vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào đơn vị này.
Vậy Chủ tịch UBND TP. Cao Bằng có né tránh trách nhiệm trước dư luận hay không? Vì sao tấm pano gây tranh cãi không được đặt ở vị trí phù hợp hơn, không gây ảnh hưởng tới người dân? Vì sao lại không thực hiện lời hứa làm trả lại đường mới lên nhà cho những hộ dân? Đó là những câu hỏi mà người dân nghèo cần có những lời giải đáp thỏa đáng từ những người có trách nhiệm ở Cao Bằng.