Như Báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) đã thông tin tại bài báo “Cao Bằng: Cây cổ thụ lên xe tải về phố”, phản ánh việc khai thác cây cổ thụ diễn ra công khai tại huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Trong đó phóng viên cũng trực tiếp đến một địa điểm khai thác là thôn Nà Lòa, xã Bế Văn Đàn. Thực tế tại khu vực này, đã có 6 cây mọc tại bờ sông Bắc Vọng đã được khai thác. Trong đó có 5 cây được UBND xã Bế Văn Đàn và cán bộ Kiểm lâm Quảng Hòa xác nhận, còn 1 cây khai thác trái phép.
Sau đó, Kiểm lâm Cao Bằng thành lập đoàn đi kiểm tra và có văn bản số 111, ngày 24/02/2021 báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng về vụ việc này. Nhưng đơn vị này chỉ làm báo cáo về 5 cây (ở xóm Nà Lòa) được khai thác có hồ sơ xác nhận của UBND xã và cho rằng những cây này không phải cây cổ thụ. Ngoài ra, bản Báo cáo cũng nói rằng Kiểm lâm địa bàn chỉ xác định vị trí là không vào quy hoạch 3 loại rừng và không có sự can thiệp, hướng dẫn, cho phép và hợp thức hóa thủ tục, giấy tờ.
Nhưng thực tế đã chứng minh báo cáo của Chỉ cục Kiểm lâm Cao Bằng là không đầy đủ, chỉ riêng khu vực thôn Nà Lòa đã có 6 cây được khai thác, còn việc khai thác số lượng rất lớn trên địa bàn huyện Quảng Hòa không được kiểm tra, xác minh làm rõ.
Qua thông tin phản ánh của người dân việc có hàng trăm cây cổ thụ đã bị khai thác, phóng viên đã lần tìm theo những cung đường vận chuyển và đến được một bãi tập kết cây nằm ngay sát với Quốc lộ 3 (thuộc địa phận xóm Đà Vỹ Dưới, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng). Tại đây đang có 22 cây sung và cây vối chưa được tiêu thụ, đang ươm bảo quản (thời điểm là 14h, ngày 09/3/2021). Những cây vối có đường kính trung bình vào khoảng 0,5 – 0,6 m. Còn những cây sung thì lớn hơn nhiều, có đường kính trung bình khoảng hơn 0,7 – 0,8m và có 3 cây đường kính từ 1 – 1,2m.
Theo Khoản 6, Điều 2, Nghị định 64/2010/NĐ-CP:
Cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi từ 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây.
Còn theo Từ điển Tiếng Việt:
Cây cổ thụ là cây sống lâu năm (trên một đời người).
Phóng viên đã làm việc với bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng về vấn đề này. Bà Duyên thông tin là đã đi kiểm tra trực tiếp việc khai thác cây tại thôn Nà Lòa (Xã Bế Văn Đàn) và làm việc với Kiểm lâm huyện Quảng Hòa theo chỉ đạo của Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng. Khi được hỏi về việc Kiểm lâm đã xác nhận cho người dân mua bán bao nhiêu cây cổ thụ như vậy, ở những xã nào trên địa bàn huyện Quảng Hòa, thì được trả lời là do Giám đốc Sở không chỉ đạo vấn đề này nên không lấy thông tin, không tìm hiểu nên không biết.
Bà Duyên cũng thừa nhận là có biết về bãi tập kết “cây to” ở thôn Đà Vỹ Dưới và đã đến trực tiếp, nhưng cũng không biết nguồn gốc là những cây đó khai thác ở đâu về vì không nhận được báo cáo. Kiểm lâm cũng không kiểm tra vì sợ gây phiền hà tới người dân, nhưng đợt tới sẽ cho làm rõ.
Bà Duyên cũng khẳng định, không có cây nào là cây cổ thụ cả, chỉ là cây to nhiều tuổi, vì những cây đã khai thác vẫn chưa được các cơ quan chức năng, chuyên gia xác nhận là cây cổ thụ thì vẫn chỉ là cây to.
Vậy đến bao giờ Kiểm lâm Cao Bằng mới làm rõ được nguồn gốc số cây “to”, cây nhiều tuổi đã khai thác và có bao nhiêu cây đã được bán đi? Việc hợp thức giấy tờ bằng cách xác định những cây mọc tự nhiên nằm cạnh bờ sông có vào thành cây trong đất của dân là đúng hay sai? Câu trả lời này xin dành cho các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng.