Nhờ vậy, Côn Đảo vẫn giữ được vẻ nguyên thủy, hoang sơ đến nỗi có thể dễ dàng nhặt lấy hải sâm đầy trạt trên bãi biển, nhiều như vỏ ốc dạt vào bờ…
Bà đỡ của biển cả
Chiếc máy bay cánh quạt của hãng hàng không Vasco chao nghiêng, rồi là sát mặt nước tựa như cánh chim đại bàng lượn vờn trên mặt biển xanh ngắt. Côn Đảo hiện ra với dải cát trắng phẳng lì, từ trên cao cũng nhìn thấy hàng cây bàng cổ thụ đa sắc đang rung rinh trong nắng.
Đi tuần tra trên đảo Hòn Tài |
Ở Côn Đảo, dường như mọi thứ đều cần được bảo tồn, thậm chí ngay cả những cây bàng cũng xếp vào hàng di sản bởi những cây này đều có tuổi đời từ 130 - 150 năm, đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử của huyện đảo. Cây đã chứng kiến cảnh sống, giam cầm, đày đọa… của những chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Lá, quả của hàng chục cây bàng di sản từng là rau xanh, thuốc chữa bệnh quý giá và gốc cây là những hộp thư liên lạc bí mật của những người Cộng sản ngoan cường. Lịch sử bi tráng, oai hùng vẫn còn hằn in dấu vết nơi đây nhưng lạ thay cảm nhận về cuộc sống lại thật êm ả, yên bình. Trước sự trường tồn của tự nhiên, mọi hoạt động của con người trở nên bé nhỏ và có lẽ chính những cảnh vật thiên nhiên kỳ thú đã khỏa lấp đi cái lạnh lẽo của khu di tích trại tù.
Đón chúng tôi tại trụ sở Vườn quốc gia Côn Đảo, ông Nguyễn Khắc Pho - Giám đốc Vườn kiêm Hạt trưởng Kiểm lâm cho biết, điều du khách thích nhất khi đến thăm Côn Đảo là được trải nghiệm cảm giác được sống hòa mình với thiên nhiên hoang dã bởi Vườn quốc gia là một quần thể hệ sinh thái vô cùng đặc biệt. Nơi đây có 2 kiểu rừng chính gồm: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới cùng các hệ sinh thái rừng trên núi thấp, rừng trên đồi cát khô hạn ven biển, rừng tràm ngập phèn. Có tới 1.077 loài thực vật thuộc 604 chi và 160 họ trong đó có 44 loài được tìm thấy ở Côn Đảo. Về động vật rừng cũng có tới 160 loài trong đó có 35 loài động vật quý hiếm và 3 loài đặc hữu ở Côn Đảo.
Hồ ấp trứng rùa tại VQG Côn Đảo |
Vườn quốc gia Côn Đảo còn có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rạng san hô là môi trường tuyệt vời nuôi dưỡng trên 1.700 loài sinh vật biển đang sinh sống trong đó có nhiều sinh vật biển thuộc hàng quý hiếm, nguy cấp như cá heo mõm dài, rùa biển và Dugong... Dugong hay còn gọi là bò biển hoặc cá nàng tiên (tên khoa học là Dugong dugon) là một động vật có vú ở vùng cận duyên biển nhiệt đới. Ngư dân Việt Nam thì gọi chúng là cá cúi. Tương truyền thì các thủy thủ phương Tây khi thấy loại cá cúi dưới nước tưởng chúng là người nên mới sinh ra truyền thuyết "người cá" hay "ngư nhân" thuở xưa.
Năm 2018, lực lượng kiểm lâm Vườn quôc gia Côn Đảo đã ghi nhận có 6 lượt cá heo mõm dài và 6 lượt Dugong xuất hiện tại khu vực bảo tồn. Riêng đối với rùa biển, loài này thường lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia để đẻ trứng nên để bảo vệ trứng rùa khỏi các tác động của triều cường, cán bộ kiểm lâm đã chủ động xây dựng các hồ ấp trứng rùa. Chỉ trong một năm 2018, Kiểm lâm Côn Đảo đã di rời trên 1.000 ổ trứng rùa về hồ ấp và ấp nở thành công 815 tổ, thả về biển trên 60.000 rùa con.
Rùa biển được ấp nở thành công tại VQG Côn Đảo |
Thả rùa về với biển |
Thông thường, người ta chỉ biết đến lực lượng kiểm lâm với chức năng bảo vệ và phát triển rừng. Vậy nhưng, tại Vườn quốc gia Côn Đảo, cán bộ kiểm lâm còn phải giữ biển và bảo tồn biển. Kiểm lâm tham gia vào công tác điều tra tỷ lệ san hô bị tẩy trắng do tiếp xúc với bức xạ mặt trời tại các khu vực biển Hòn Tre lớn, Ông Đụng, Hòn Tài, Hòn Cau… Thực hiện dự án phục hồi san hô cứng tại Khu RamSan và đã trồng phục hồi diện tích 1ha trên nền rạn nhân tạo với 1.500 tập đoàn san hô cứng được cố định trên giá thể bê tông; điều tra xác định khu vực phân bổ, lập kế hoạch tiêu diệt loài ngoại lai xâm hại ở khu vực bảo tồn; thực hiện đề tài nghiên cứu giải pháp quản lý xung đột đối với loài khỉ đuôi dài…
Vượt trên cám dỗ
Điểm đặc biệt nhất là các loài vật sống hoang dã trong Vườn quốc gia Côn Đảo lại rất thân thuộc với con người. Vượt ra ngoài khu phố chừng 1km, du khách đến Côn Đảo sẽ bắt gặp nhiều loài vật đặc hữu chỉ có ở Côn Đảo như sóc đen hay khỉ đuôi dài. Khỉ rừng Côn Đảo rất thuộc tập quán của con người. Sáng sớm, chỉ cần nghe tiếng người đi dạo là chúng hùa nhau tìm đến trêu chọc, làm trò ngộ nghĩnh để kiếm chác, xin ăn. Chưa hết, du khách đến Côn Đảo còn được trải nghiệm dịch vụ xem rùa biển đẻ trứng ban đêm. Nếu may mắn gặp kì trứng nở, du khách có thể tự tay thả từng chú rùa trên bãi cát và ngắm xem cách chúng tự xoay xở, lần mò, tìm về với biển…
Thiên nhiên kì diệu là thế nhưng để bảo vệ nó tránh khỏi sự tàn phá của con người là việc vô cùng khó khăn. Không ít du khách đến đây đã từng có ý định nếm thử mùi vị của trứng rùa. Vô hình chung đã ngầm tạo thành một thị trường bất hợp pháp. Trung bình mỗi quả trứng được giao dịch với giá 200 ngàn đồng, mỗi ổ trứng khoảng trăm quả cũng lên tới 20 triệu đồng. Vì vậy, luôn có những kẻ hám lợi trước mắt, rình rập săn lùng trứng rùa bán cho du khách.
Thậm chí, ngay cả cán bộ kiểm lâm nếu không thực sự yêu thiên nhiên và tâm huyết với nghề thì cũng không thể tránh khỏi bị lợi ích cám dỗ. Ba năm trước đã có trường hợp cán bộ kiểm lâm câu kết với người bên ngoài để trục lợi từ trứng rùa, bị chính kiểm lâm Vườn bắt quả tang và đã lập tức tiến hành khởi tố vụ án. Vụ việc kể trên là một nỗi đau day dứt đối với tập thể cán bộ kiểm lâm Côn Đảo nhưng ngược lại nó đã thể hiện tinh thần quyết tâm bảo vệ thiên nhiên của mỗi cán bộ Vườn. Đau một lần, cắt bỏ đi những ung nhọt thì mới bảo vệ được đội ngũ cán bộ trong sạch, nhiệt huyết và chỉ có như thế Côn Đảo mới giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có.
Tuần tra trên đảo Hòn Tài |
Ở giữa biết bao nhiêu sản vật quý hiếm nhưng hầu hết cán bộ kiểm lâm Côn đảo đều chọn cho mình lối sống giản dị, mộc mạc. Ngày ngày, họ sinh hoạt túc trực cùng tổ đội, nếu ở các trạm như Hòn Tài, Hòn Tre, Hòn Trác, Hòn Trứng, Hòn Vung… thường chỉ có 2 - 3 người sống cùng nhau quanh năm như Robinson giữa hoang đảo. Đảo Hòn Tài, thuộc khu bảo tồn đặc biệt, được biên chế tới 3 cán bộ kiểm lâm. Nơi đây, có một trong 3 điểm mốc vùng nước nội thủy, tựa như biên giới trên biển nên kiểm lâm thường phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra canh gác.
Bảo vệ vùng đất thiên nhiên tươi đẹp này không đơn thuần là cuộc chiến giữ biển, giữ rừng mà còn là cuộc chiến vượt qua những giới hạn của bản thân. Biển vẫn thế và rừng vẫn thế, tất cả là nhờ sự cống hiến, hi sinh miệt mài của các anh!
Phút nghỉ ngơi |
Rảo bước trên doi cát trắng xen lẫn rạng san hô, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy hải sâm lấp ló, đầy trạt dưới biển. Tôi từng nghe chuyện ngư dân Việt Nam phải vượt qua sóng gió ra tận Trường Sa để lặn tìm hải sâm. Mỗi chuyến ra khơi trúng “mánh” chủ tàu thu lợi tới hàng tỉ đồng. Ngay tại trung tâm huyện Côn Đảo, giá một kg Hải Sâm giao dịch khoảng 80 triệu đồng. Vậy nhưng, ngay tại đây, hải sâm có sẵn và nhiều đến mức tôi chỉ đơn giản cúi xuống nhặt lấy, tựa như nhặt vỏ ốc trên bãi biển. Nhìn dáng vẻ ngạc nhiên của tôi, kiểm lâm viên Trần Đăng Ninh bật cười hào sảng: “Đảo này không có dân, chỉ có kiểm lâm canh gác nên hải sâm nhiều thế đấy. Mọi tàu thuyền đều bị cấm đi qua vùng nước thuộc khu bảo tồn. Chỉ cần vi phạm sẽ bị phạt đến 35 triệu đồng”. |