Thực trạng đáng buồn là phần lớn các dự án mặc dù đã triển khai từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa giải phóng hết mặt bằng, chưa được phép mở bán nhưng chủ đầu tư vẫn bán "chui" cùng các chiêu trò "thổi giá" của nhóm đầu cơ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tình trạng "cò đất" dùng các chiêu trò "thổi giá" đất lên cao tại Quảng Ninh đã trở nên nhức nhối khiến lãnh đạo tỉnh cũng sốt ruột, lo lắng, phải ra văn bản hỏa tốc gửi các sở, ban, ngành và các địa phương về việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, các chiêu trò "mua đi bán lại", "thổi giá", gây sốt ảo nhằm mục đích đẩy giá bất động sản lên cao gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước (công tác bồi thường, GPMB, tái định cư; an ninh trật tự, khiếu kiện đất đai kéo dài; hệ thống tín dụng - tài chính bất động sản...), tạo mặt bằng giá đất mới ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, gây thêm khó khăn cho người dân, đặc biệt là các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu nhập trung bình trong việc tạo lập nhà ở...
TP Móng Cái thời gian qua cũng là địa phương sốt đất với một loạt dự án khu đô thị đang triển khai. Để ngăn chặn "cò đất" lộng hành và các hoạt động mua bán, huy động vốn trái phép, lãnh đạo TP Móng Cái đã chỉ đạo công bố rõ ràng 7 dự án khu đô thị trên địa bàn chưa đủ điều kiện huy động vốn, mở bán theo quy định. Động thái quyết liệt này ngay lập tức đã làm giảm nhiệt cơn sốt đất ở thành phố vùng biên, giúp cho các nhà đầu tư và người dân nhận diện được các dự án nào đã được phép mở bán và dự án nào chưa được phép, tránh những rủi ro pháp lý sau này.
Còn TP Uông Bí - một địa phương cũng sốt đất thì không thấy làm vậy, trái lại còn giấu giếm thông tin với báo chí về một dự án trên địa bàn đã hơn 1 thập kỷ chưa hoàn thành.
Đó là Dự án Khu đô thị mới Trung tâm phường Yên Thanh của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 từ năm 2009 nhưng đến giờ chưa hoàn thiện hạ tầng và chưa được phép mở bán. Song, theo phản ánh, ông Lê Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Trung tâm phường Yên Thanh cho người dân.
Điều đáng lưu ý là trong khi đất của dự án này được thị trường giao dịch từ 15 đến 20 triệu đồng một m2 thì trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Việt Long và người mua chỉ có 4 triệu đồng một m2. Tính ra, thửa đất 100m2 ở khu vực trung tâm TP Uông Bí, Công ty Việt Long bán với giá 400 triệu đồng, rẻ đến mức không ai ngờ tới.
Một dự án dài cả thập kỷ nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa được phép mở bán nhưng chủ đầu tư vẫn ký các hợp đồng chuyển nhượng và có dấu hiệu "né" thuế được phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu ra khi đặt lịch làm việc với UBND TP Uông Bí.
Phóng viên đặt lịch từ 4/4, qua nhiều lần hối thúc, phải "tác động" đến nhiều người trong đó có cả lãnh đạo TP Uông Bí thì mãi đến ngày 15/4, Uông Bí mới cử cán bộ cung cấp duy nhất một quyết định từ năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc "phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Trung tâm phường Yên Thanh, TP Uông Bí". Chấm hết!.
Còn những nội dung quan trọng như: Hồ sơ pháp lý của dự án, tiến độ triển khai, dự án đã được phép mở bán chưa, người mua đất đã được cấp sổ đỏ chưa, dấu hiệu trốn thuế trong giao dịch bất động sản..., UBND TP Uông Bí "ém" luôn không cung cấp.
Điều này sẽ khiến dư luận không khỏi hoài nghi phải chăng UBND TP Uông Bí đang che giấu cho những việc làm sai trái, đi ngược lại với chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh trong việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh(!?).