| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã nông nghiệp trong cơn khát vốn: [Bài 5] Nhận thức hạn chế, hoạt động manh mún

Thứ Hai 29/08/2022 , 08:00 (GMT+7)

Nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả không chỉ do thiếu vốn, mà còn do năng lực của các thành viên, dựa vào kinh nghiệm là chính, và hoạt động kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Đây cũng là “rào cản” lớn khiến các HTX hoạt động cầm chừng, chưa có sự bứt phá, đảm bảo ổn định lâu dài. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nêu quan điểm: Chỉ khi liên kết với nhau, người nông dân mới tạo nên sức mạnh để phát triển. Vì thế, tư duy “mỗi huyện là một pháo đài”, “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” cần phải được thay đổi triệt để. Nhưng thực tế, để liên kết với nhau không phải là điều đơn giản, cần có sự vào cuộc tích cực từ cơ quan chức năng.

Nhiều hạn chế

Theo bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, hiện nay, kinh tế tập thể tỉnh Bình Phước còn gặp nhiều khó khăn chung, tương tự như tình trạng HTX của cả nước. Đó là nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế, xã hội của mỗi cá nhân, mặc dù đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển KT-XH địa phươngchưa nhận được sự quan tâm đúng mức và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.

0E7A7161

HTX măng tre Thành Tâm (xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, Bình Phước) được đánh giá có cách nghĩ, cách làm táo bạo, khá. thành công ban đầu, nhưng để tiến x hơn, HTX này còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng như đầu tư, đầu ra, nhân sự, cơ sở hạ tầng...Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX cũng chưa nhận thức rõ được trách nhiệm, quyền hạn của mình khi tham gia vào HTX, vẫn còn tâm lý ngại thay đổi, thiếu chủ động tiếp cận thông tin, các chính sách trong hoạt động. Nói chung, cần có sự thay đổi về nhận thức, quyết tâm, ý thức trách nhiệm và cùng hành động của các ngành, các cấp cũng như chính các HTX”, bà Phương nói.

Một trong những khó khăn khác là năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm. Mặt khác, nguồn nhân lực đang tham gia công tác quản lý trong các HTX bao gồm HĐQT, giám đốc, phó giám đốc, thành viên ban kiểm soát… đều có độ tuổi trung bình khá cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp nhận khoa học – công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến. Có thể nói, trình độ học vấn chuyên môn của cán bộ chủ chốt chưa đáp ứng nhu cầu phát triển HTX.

Có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía nhà nước dành cho HTX, nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các chính sách chậm hướng dẫn thực hiện, chậm bổ sung sửa đổi nên khi triển khai thực hiện còn nhiều chồng chéo, vướng mắc. “Hiện nay, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 chậm hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện. Tại Bình Phước, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, HTX. Một số chính sách đã và đang được triển khai để hỗ trợ HTX phát triển hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách và xây dựng các mô hình điểm còn hạn chế nên số HTX được hỗ trợ xây dựng mô hình điểm và thụ hưởng chính sách vẫn còn ít, chủ yếu là kinh phí lồng ghép vào các chương trình, dự án nên chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các HTX”, bà Phương nói.

Một nguyên nhân khác khiến HTX gặp khó khăn trong phát triển là một số địa phương cấp huyện khi xây dựng tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, chỉ tiêu, chưa chú trọng đến nhu cầu thực sự của người dân. Khi đạt tiêu chí 13 thì thiếu quan tâm, hỗ trợ để duy trì phát triển HTX, đảm bảo bền vững tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới.

Manh mún và “mạnh ai nấy làm”

Huyện Phú Riềng có 20 HTX, 20 tổ hợp tác, trong đó có 18 HTX nông nghiệp, 2 HTX thương mại dịch vụ, tổng số vốn đăng k‎ý hoạt động của các HTX là 186 tỷ đồng, diện tích đất canh tác 1.422ha. Đây là môt tiềm năng khá lớn trong phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, hiện đã có 3 HTX tạm dừng hoạt động và 1 HTX đề nghị giải thể. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã nhận thức rõ về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, HTX, biết xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, số hóa…nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.

0E7A7136

HTX sầu riêng Bàu Nghé, một trong những HTX cây ăn trái quy mô lớn nhất Bình Phước thời điểm ra mắt và hiện vẫn thuộc nhóm HTX hiệu quả, nhưng cũng gặp nhiều vấn đề về nhân sự, kỹ thuật, nguồn vốn...Ảnh: Hồng Thủy.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng, trong quá trình hoạt động, các HTX trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại bất cập, hạn chế như thiếu thực chất, còn nặng tính hình thức; trình độ công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, cán bộ quản lý còn thiếu năng lực. Nhiều HTX chưa tiếp cận được các chính sách đã được ban hành do chưa đủ nội lực để tham gia đối ứng…

Năm 2017, HTX cây ăn trái Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX.Phước Long được thành lập với 11 thành viên (nay là 15 thành viên). Đây là HTX cây ăn trái đầu tiên trên địa bàn thị xã Phước Long và được đánh giá là HTX cây ăn trái lớn nhất tỉnh với quy mô 150ha, gồm 140ha sầu riêng và 10ha quýt.

Tổng Giám đốc HTX Trương Văn Đảo cho biết, mục đích thành lập HTX nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ trồng cây ăn trái trong thôn Bàu Nghé, góp phần hoàn thiện tiêu chí 13 về nông thôn mới của xã Phước Tín. Tuy nhiên, sau 5 năm thành lập, quy trình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn mang tính chất cá nhân nhiều hơn là tập thể, “mạnh ai nấy làm”. Kỹ thuật trồng, chăm sóc mỗi nhà mỗi kiểu, không ai giống ai, còn đầu ra thì bán tự do cho thương lái. Nguyên nhân một phần là do đội ngũ lãnh đạo HTX lớn tuổi, trình độ hạn chế nên chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo lối truyền thống.

0E7A7162

Tổng Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo cho biết, sau 5 năm thành lập, quy trình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn mang tính chất cá nhân nhiều hơn là tập thể, “mạnh ai nấy làm”. Ảnh: Hồng Thủy.

Tương tự, HTX măng tre Thành Tâm (xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, Bình Phước), cũngthành lập năm 2017 và khá thành công với mô hình trồng tre lấy măng. Quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX có 15 thành viên với diện tích trên 100ha, 1 nửa diện tích tre đang cho măng thu hoạch. Với năng suất 1ha bình quân từ 15 đến 25 tấn/năm. Măng được chế biến thành nhiều sản phẩm và có mặt ở nhiều siêu thị lớn. Các thành viên có thể thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Kim Thành, Giám đốc HTX cho biết, đây là thu nhập cao đối với người nông dân. Sau khi thành lập, HTX đã có nguồn vốn huy động từ các thành viên để đầu tư thiết bị.

Tuy nhiên, HTX vẫn gặp những rào cản không nhỏ để phát triển thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm. “Để có sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, cần rất nhiều yếu tố như nguyên liệu, vốn và con người. Hiện HTX đã có vùng nguyên liệu có thể đáp ứng về sản lượng, nhưng khó khăn là vấn đề nhân lực có đủ năng lực, trình độ để ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Bộ máy hoạt động của HTX chủ yếu xuất thân từ nông dân, trình độ cấp 3 trở xuống, hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin. Vì thế từ khâu quản lý, điều hành đến kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ yếu theo kinh nghiệm, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Hiện sản phẩm măng khô của HTX Thành Tâm đã có thương hiệu, chào hàng ra nước ngoài và đã có công ty đăng ký thu mua số lượng lớn nhưng với nội lực hiện tại, HTX chưa dám ký. Lý do là măng khô để lâu sẽ đổi màu, trong khi đây là sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất bảo quản. Làm sao để có sản phẩm sạch, an toàn và giữ được màu sắc tự nhiên thì HTX chưa có giải pháp. Hơn nữa để có sản phẩm xuất khẩu phải có nhãn mác, hạn sử dụng, cái này cũng nằm ngoài khả năng của HTX”, ông Thành nói.

“Để giải quyết bài toán này, từ năm 2018, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ trẻ làm việc tại HTX, hỗ trợ một phần kinh phí để HTX trả lương. Sở NN-PTNT tỉnh cũng chủ trì phối hợp với UBND các địa phương rà soát, kiểm tra các HTX nông nghiệp của tỉnh nhằm triển khai thí điểm mô hình. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, hồ sơ các HTX được đề xuất chưa cung cấp đủ tiêu chuẩn đề ra theo quy định. Vì vậy, đến nay chưa có HTX nào được hỗ trợ theo chính sách này”, Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.