| Hotline: 0983.970.780

Vấn nạn 'quặng tặc' ở Hà Giang: Cán bộ vẫn điệp khúc 'không có'

Thứ Sáu 28/02/2020 , 15:09 (GMT+7)

Dù vấn nạn “quặng tặc” trên địa bàn xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên khiến người dân bức xúc, thế nhưng các cơ quan liên quan luôn trả lời "không có".

Việc khai thác quặng trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên luôn trả lời không biết. Ảnh: Đào Thanh.

Việc khai thác quặng trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên luôn trả lời không biết. Ảnh: Đào Thanh.

Ngày 17/1/2020, Báo NNVN có bài viết “Quặng tặc hoành hành, người dân bức xúc”, phản ánh về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) khiến người dân bức xúc.

Khi ấy ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên trả lời rằng đơn vị chưa nắm được thực trạng này vì cơ quan ít người. Đơn vị sẽ kiểm tra và sẽ có câu trả lời. Thế nhưng, đến nay vấn nạn “quặng tặc” vẫn khiến người dân nơi đây nhức nhối.

Khi chúng tôi xin được làm việc và tiếp tục cung cấp hình ảnh mới ghi nhận được về thực trạng khai thác của quặng nơi đây, ông Đồng báo bận họp và đề nghị chúng tôi làm việc với bà Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

Tương tự như ông Đồng, bà Phượng cũng trả lời rằng không có thực trạng này. Bà Phượng cung cấp cho chúng tôi Văn bản số 21, ngày 22/1/2020 của Phòng TN-MT huyện Vị Xuyên nêu rõ: Tại thời điểm kiểm tra, ông Vũ Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH Tây Giang cho biết, công ty này đã dừng việc khai thác từ ngày 20/4/2019 theo nội dung đã thông báo số 35 của công ty.

Tại văn bản này, ông Vũ Đức Chính cũng giải thích, việc bùn đất vùi lấp xuống dòng suối nguyên nhân là do thời tiết mưa kéo dài làm cho đất, đá ở vị trí khai thác cũ sạt trượt trôi xuống dòng suối.

Dòng suối Sảo luôn đục ngầu bởi bùn đất nhưng tại Văn bản số 21 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên lại khẳng định: Dòng suối vẫn chảy bình thường, màu nước vẫn trong, không thấy biểu hiện màu đục của bùn thải. Ảnh: Đào Thanh.

Dòng suối Sảo luôn đục ngầu bởi bùn đất nhưng tại Văn bản số 21 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên lại khẳng định: Dòng suối vẫn chảy bình thường, màu nước vẫn trong, không thấy biểu hiện màu đục của bùn thải. Ảnh: Đào Thanh.

Phản ánh về vấn đề ô nhiễm nguồn nước của dòng suối Sảo chảy qua địa phận thôn Diếc, xã Bạch Ngọc được bắt nguồn từ thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh chảy xuống, văn bản số 21 cũng nêu, qua ghi nhận thực tế dòng suối vẫn chảy bình thường, màu nước vẫn trong, không thấy biểu hiện màu đục của bùn thải, phần đất nông nghiệp của người dân bên cạnh dòng suối vẫn canh tác bình thường.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của chúng tôi hoàn toàn khác với những gì mà văn bản số 21, ngày 22/1/2020 của Phòng TN-MT huyện Vị Xuyên cung cấp.

Xóm Kim Khao, thuộc thôn Tân Bình có hơn 10 hộ dân sinh sống. Hằng ngày người dân nơi đây vẫn phải đi qua khu suối đầy bùn đất. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các cháu nhỏ, người dân nơi đây đã bắc chiếc cầu tre tạm qua suối. Tuy nhiên, đến mùa lũ, khi Công ty TNHH Tây Giang xả thải, cây cầu tre sẽ theo dòng lũ cuốn mất.

Bà Bàn Thị Chẳm, sống ở xóm Kim Khao, thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh cho biết, từ ngày Công ty TNHH Tây Giang khai thác khoáng sản, dòng suối Sảo bị ô nhiễm, đặc quánh bùn đất. Mỗi lần lội qua suối, chân bị bám dính như dầu mỡ, phải rửa bằng xà phòng mới hết. Đặc biệt xóm có 12 đứa trẻ đang độ tuổi đi học, ngày nào người lớn cũng phải cắt cử thay nhau đưa chúng qua suối vì sợ nguy hiểm.

Không chỉ người dân thôn Tân Bình bị ảnh hưởng, mà người dân các thôn khác ở xã Bạch Ngọc, xã Ngọc Minh cùng chung nỗi bức xúc mỗi lần Công ty TNHH Tây Giang khai thác, nhất là vào mùa mưa, nước lấp đầy ruộng khiến việc canh tác rất khó khăn. Những cánh đồng lúa trước đây cho 2 tạ lúa/sào, nay chỉ cho vài chục kg/sào. Thậm chí, nhiều diện tích còn không canh tác được.

Sợ nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Hằng ngày, bà Bàn Thị Chẳm, sống ở xóm Kim Khao, thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh luôn phải bế cháu qua suối mỗi khi có việc. Ảnh: Đào Thanh. 

Sợ nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Hằng ngày, bà Bàn Thị Chẳm, sống ở xóm Kim Khao, thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh luôn phải bế cháu qua suối mỗi khi có việc. Ảnh: Đào Thanh. 

Ông Trần Văn Mười, người dân thôn Diếc, xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên cho biết, việc Công ty TNHH Tây Giang khai thác khoáng sản ảnh hưởng lớn đến canh tác và sinh hoạt của người dân, bởi bùn đất tràn vào ruộng khi có mưa lũ. Từ tết đến nay công ty vẫn khai thác bình thường nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền nào xử lý.

Dòng suối Sảo và cái hồ nước tự nhiên của người dân tại thôn Tân Bình đến nay đã đặc quánh bùn đất. Mới đây còn có con trâu của người dân lao xuống nhưng mắc bùn không lên được bị chết.

Thực trạng khai thác quặng tại xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc của huyện Vị Xuyên khiến người dân bức xúc như vậy, nhưng khi chúng tôi xin đăng ký với lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên cũng như lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đều nhận được cùng 1 câu trả lời là bận họp chưa sắp xếp được thời gian.

Không hiểu lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh Hà Giang bận thật hay còn có lý do gì khác. Bởi vấn nạn khai thác quặng nơi đây không phải chỉ diễn ra trong một vài ngày và người dân cũng đã không ít lần “kêu cứu”.

Câu hỏi được đặt ra rằng tại sao các doanh nghiệp đã có văn bản xin dừng, tạm dừng khai thác nhưng hoạt động khai khoáng trái phép vẫn diễn ra? Báo chí và nhân dân đã nhiều lần phản ánh nhưng luôn được các cơ quan có thẩm quyền trả lời không có, để kiểm tra? Liệu năng lực của các cơ quan quản lý của tỉnh Hà Giang thiếu sát sao hay còn vấn đề gì khuất tất ở đây? Rất mong chính quyền tỉnh Hà Giang sớm có câu trả lời thỏa đáng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.