Theo PGS.TS Đặng Thị Lụa, các nghiên cứu cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp lại chưa 'mặn mà' với các nghiên cứu, tạo khó khăn cho các Viện.
Liên quan ngành thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản cho biết, công nghệ sinh học (CNSH), đặc biệt là công nghệ sinh học hiện đại được ứng dụng rộng rãi như công nghệ di truyền phân tử, chọn giống các đối tượng nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu bệnh, phát triển kit chẩn đoán, nghiên cứu mô, phát triển công nghệ lưu trữ, bảo quản đông lạnh các nguồn tinh trùng, công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản…
Nêu một số thành tựu nổi bật của ứng dụng công nghệ sinh học trong thủy sản, PGS.TS Đặng Thị Lụa, cho biết, nhờ các chương trình chọn giống, kết hợp phương pháp chọn giống truyền thống (di truyền số lượng) và phương pháp chọn giống hiện đại (di truyền phân tử), loài nuôi thủy sản có những tính trạng ưu việt. Có thể kể đến như: cá tra, cá chẽm, cá rô phi, tôm thẻ chân trắng tăng trưởng nhanh; cá tra kháng bệnh gan, thận mủ; cá rô phi chịu mặn, chịu lạnh; tôm thẻ chân trắng kháng bệnh.
Việt Nam đã ứng dụng được công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, các chỉ thị phân tử, trong định loại và đánh giá đa dạng di truyền các loài thủy sản, lựa chọn vật liệu ban đầu cho bảo tồn và chọn giống…Tuy nhiên, bà Lụa cũng trăn trở về khó khăn áp dụng công nghệ sinh học trong thủy sản, như các nghiên cứu không có tính kế tiếp, liên tục trong chọn giống, từ đó gây ra độ trễ trong ứng dụng (ví dụ việc chọn giống cá rô phi, cá chép).
Theo bà Lụa, có thể do cơ chế, cách tiếp cận, các nghiên cứu cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp lại chưa “mặn mà” với các nghiên cứu, tạo khó khăn cho các Viện. Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản cũng mong muốn có cơ chế để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản.