| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc: Tiền thủy lợi nội đồng tại xã Bình Định đã đi đâu?

Thứ Ba 03/10/2023 , 10:58 (GMT+7)

UBND xã Bình Định, tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng kinh phí quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chênh lệch với kết quả kiểm tra của UBND huyện Yên Lạc.

Từ khi giao về cho xã, chúng tôi không thấy lương đâu

Năm 2021, khi tiền thủy lợi phí được giao về cho xã để phân bổ, những người gác trạm bơm bỗng mất đi khoản lương cũng như kinh phí duy tu, bảo dưỡng hàng năm.

Phản ánh đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Kim Hồng Chuyên trú tại thôn Đại Nội xã Bình Minh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, UBND xã Bình Định đã khai khống trong việc chi tiêu thủy lợi phí. Trong đó, nợ lương công nhân bơm nước của các trạm bơm thủy lợi nội đồng.

Ông Kim Hồng Chuyên (trái), Tổ trưởng tổ thủy nông thôn Đại Nội xã Bình Định và ông Tạ Văn Thiết (phải) công nhân thủy nông tổ thủy nông thôn Cung Thượng làm việc với phóng viên. Ảnh: Hùng Khang. 

Ông Kim Hồng Chuyên (trái), Tổ trưởng tổ thủy nông thôn Đại Nội xã Bình Định và ông Tạ Văn Thiết (phải) công nhân thủy nông tổ thủy nông thôn Cung Thượng làm việc với phóng viên. Ảnh: Hùng Khang

Tìm về trạm bơm Cung Thượng xã Bình Định, chúng tôi gặp ông Tạ Văn Thiết (công nhân thủy nông quản lý, vận hành trạm bơm) nặng nhọc đẩy tấm cửa sắt kẽo kẹt đã nhuốm màu thời gian, hai chiếc máy bơm hiện ra hoen gỉ cùng nhiều thiết bị được độ chế, vá víu, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên, ông Thiết trú tại thôn Cung Thượng cho biết ông được giao quản lý trạm bơm thôn Cung Thượng hơn chục năm nay. Năm 2021, tiền thủy lợi phí, chi phí bảo trì, duy tu và trả lương cho công nhân thủy nông đã được phân bổ về UBND xã Bình Định.

Lúc này, sự bất cập đã phát sinh, khi khoản lương của công nhân thủy nông bỗng nhiên bị cắt mất. "Tôi đã lên xã để hỏi cho rõ, cũng đã gặp ông Luận - Chủ tịch nhưng lần nào các ông ấy cũng bảo là sắp có rồi mà vẫn chẳng thấy đâu", ông Thiết nói. 

Trạm bơm thôn Cung Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hùng Khang. 

Trạm bơm thôn Cung Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hùng Khang. 

Đến năm 2023, theo ông Thiết, UBND xã Bình Định mới chỉ chi trả 10 triệu đồng tiền tạm ứng cho công nhân thủy nông, còn tiền công cùng những chi phí khác vẫn chưa được chi trả khiến ông rất bức xúc.

Qua tìm hiểu, mỗi trạm bơm nội đồng trên địa bàn xã Bình Định có 2 người trông coi, vận hành, mỗi công nhân được chi trả 1,49 triệu đồng/tháng. Mỗi trạm một năm sẽ được chi trả hơn 35 triệu đồng tiền công trông coi, vận hành máy bơm.

Trước những ý kiến gay gắt của người dân về việc chi trả tiền lương năm 2022, Phòng Nông nghiệp huyện Yên Lạc đã đứng ra để thực hiện, việc chi trả tiền lương cho các công nhân thủy nông mới được nối lại.

Huyện bảo một đằng, xã nói một nẻo?

Theo phản ánh của ông Kim Hồng Chuyên, người trực tiếp quản lý trạm bơm cùng hệ thống kênh mương nội đồng thôn Đại Nội, trong kế hoạch chi tiêu thủy lợi năm 2021, UBND xã Bình Định có kế hoạch nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng các đoạn mương vỡ và làm mái nhà Trạm bơm thôn Đại Nội.

Ông Thiết chỉ nhưng hỏng hóc, xuống cấp của Trạm bơm thôn Cung Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hùng Khang. 

Ông Thiết chỉ nhưng hỏng hóc, xuống cấp của Trạm bơm thôn Cung Thượng, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hùng Khang. 

Tuy nhiên theo ông Chuyên, xã chỉ thực hiện nạo vét kênh mương phía sau trụ sở UBND xã, diện tích còn lại không nạo vét, phần thi công mái trạm bơm thôn Đại Nội quá đắt, các công trình kênh mương thủy lợi nội đồng tại thôn Đại Nội không được tu sửa như kế hoạch của xã đã đề ra nhưng vẫn có trong nghiệm thu công trình. 

Sau đó, ông Chuyên cho biết được UBND xã Bình Định mời lên để ký biên bản nghiệm thu công trình nhưng ông thấy không đúng với thực tế nên không ký những biên bản, giấy tờ này.

Ông Chuyên chỉ đường kênh thủy lợi nội đồng thôn Đại Nội bị lấn chiếm nhưng không được giải quyết triệt để. Ảnh: Hùng Khang. 

Ông Chuyên chỉ đường kênh thủy lợi nội đồng thôn Đại Nội bị lấn chiếm nhưng không được giải quyết triệt để. Ảnh: Hùng Khang. 

Đáng nói, ngày 8/6/2023, UBND xã Bình Định đã ban hành Quyết định số 91 về việc nộp trả tiền thực hiện quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng năm 2021, văn bản này nêu rõ, kinh phí được phân bổ là: 1.116.726.000 đồng; kinh phí đã sử dụng 1.116.631.000 đồng; nộp trả ngân sách huyện 95.000 đồng.

UBND xã Bình Định xác nhận sử dụng 1.116.631.000 đồng tiền thủy lợi phí trong khi tại Văn bản trả lời ông Chuyên của Huyện Ủy Yên Lạc lại xác nhận xã chỉ chi 842.911.000 đồng. 

UBND xã Bình Định xác nhận sử dụng 1.116.631.000 đồng tiền thủy lợi phí trong khi tại Văn bản trả lời ông Chuyên của Huyện Ủy Yên Lạc lại xác nhận xã chỉ chi 842.911.000 đồng. 

Thế nhưng tại văn bản trả lời tố cáo của ông Chuyên, ngày 19/7/2023, Huyện ủy Yên Lạc lại xác định, năm 2021, UBND xã Bình Định chỉ được cấp: 843.006.000 đồng tiền thủy lợi phí và đã chi 842.911.000 đồng, nộp hoàn trả ngân sách 95.000 đồng và chưa có căn cứ Chủ tịch UBND xã chỉ đạo khai khống để chiếm đoạt 300 triệu đồng tiền thủy lợi phí năm 2021.

Có thể thấy được rằng số tiền xã Bình Định đã sử dụng theo Quyết định 91 chênh lệch 273.720.000 đồng so với kết quả xác minh của Huyện ủy Yên Lạc. Vậy số tiền này ở đâu? Đây là điều mà dư luận đang rất quan tâm.

Trạm bơm thôn Đại Nội được lợp lại phần mái, một trong những hạng mục chi tiêu trong quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng của xã Bình Định nhưng ông Chuyên cho rằng chi phí thực hiện quá đắt không đúng với thực tế nên không ký vào các biên bản nghiệm thu. Ảnh: Hùng Khang. 

Trạm bơm thôn Đại Nội được lợp lại phần mái, một trong những hạng mục chi tiêu trong quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng của xã Bình Định nhưng ông Chuyên cho rằng chi phí thực hiện quá đắt không đúng với thực tế nên không ký vào các biên bản nghiệm thu. Ảnh: Hùng Khang

Phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Vị này cho biết khoản tiền chênh lệch này là tiền điện. Đồng thời khẳng định, những người tố cáo không biết gì về phân bổ, cân đối ngân sách.

Trước thắc mắc của phóng viên, về việc vì sao lại có việc chênh lệch như vậy. Vì theo nguyên tắc xã chỉ được phép chi tiêu trong khoảng ngân sách đã phân bổ. Còn nếu thiếu thì phải có tờ trình và nhận được văn bản chấp thuận của UBND huyện. Ông Luận cho biết, hiện UBND huyện đang thanh kiểm tra trước những tố cáo của người dân, toàn bộ hồ sơ đã nộp lên Thanh tra huyện và đến nay UBND huyện Yên Lạc vẫn chưa trả lời ông Luận nên không có hồ sơ để cung cấp.

Đối với khoản lương công nhân thủy nông đang còn thiếu, ông Luận cho rằng, xã đã phân bổ cho các tổ trưởng tổ thủy nông còn việc các tổ này chi như thế nào ông không biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.