Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp tại Việt Nam (VnSAT) đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu, không chỉ có tác động to lớn mà còn là tiền đề để phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu lúa gạo và cà phê bền vững.
Dự án hiệu quả nhất từ trước đến nay
Vừa qua, ông cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã đi khảo sát vùng trồng cà phê thuộc dự án VnSAT, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà dự án VnSAT mang lại đối với ngành hàng lúa gạo và cà phê ở ĐBSCL và Tây Nguyên?
VnSAT là một trong những dự án chúng ta đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đây là một một trong những dự án đầu tư của Nhà nước rất hiệu quả. Hai ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL và cà phê ở Tây Nguyên, sau 5 năm thực hiện dự án VnSAT đã có thay đổi thực sự.
Như cà phê ở Tây Nguyên, theo tôi có những điểm dự án VnSAT đã làm được và làm rất tốt. Đầu tiên là làm chuyển đổi nhận thức về canh tác cà phê theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Những khóa đào tạo nông dân, HTX/tổ chức nông dân miệt mài của VnSAT về sản xuất theo tiêu chuẩn đã làm chuyển biến nhận thức về canh tác cà phê bền vững.
Việc áp dụng những tiêu chuẩn, ban đầu chỉ có khoảng 10% làm theo các tiêu chuẩn 4C thì hiện nay đã có khoảng 50% diện tích cà phê của chúng ta đã trồng theo tiêu chuẩn. Hiện nay, việc dự án VnSAT khuyến cáo chuyển đổi sang canh tác bền vững như dùng phân vi sinh hữu cơ là bước cực kỳ lớn trong việc chuyển đổi nhận thức của người trồng cà phê ở Tây Nguyên.
Kết quả thứ hai là thay đổi về hạ tầng, nhất là hạ tầng canh tác, trong đó đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là các HTX. Có 42 HTX trồng cà phê được dự án VnSAT hỗ trợ hạ tầng là một trong những thành tựu thay đổi cả nhận thức về liên kết chuỗi. Liên kết phải có những điều kiện, ví như các doanh nghiệp liên kết với HTX thì các HTX phải đáp ứng được các điều kiện như hạ tầng, kho bãi để tập trung nguyên liệu cho chế biến, thậm chí là sơ chế thô ban đầu.
Theo tôi việc đầu tư của dự án VnSAT vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kinh doanh của HTX, cùng đường sá trong các khu sản xuất theo quy chuẩn rất tốt. Ngoài đầu tư hạ tầng, chuyển biến về nhận thức, dự án VnSAT đã tổ chức các hiệp hội ngành hàng để đảm bảo các điều kiện cho phát triển ngành hàng lúa gạo và cà phê bền vững.
Nhìn chung, chúng tôi nhấn mạnh lại là dự án VnSAT là một trong những dự án đầu tư của nhà nước có hiệu quả nhất từ trước đến nay đối với việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững.
VnSAT Tạo đột phá về tổ chức lại sản xuất
Thưa ông, với chủ trương chuyển mạnh từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh trong thời gian tới, từ những kết quả của VnSAT mang lại, ông có kỳ vọng dự án VnSAT tiếp tục có những đóng góp lớn hơn nữa đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo và cà phê nói riêng không?
Thực ra Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đầu tư rất nhiều cho nông nghiệp. Thành quả đầu tư trước đây cũng đã phát huy rất tốt nhưng đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy, kể cả tư duy về đầu tư.
Muốn phát triển bền vững, phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển hợp tác liên kết từ chiều dọc chiều ngang, HTX, chuỗi giá trị. Phải làm thế nào để giữ chân được các doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào nông nghiệp. Mà cách tốt nhất để giữ họ lại là tạo điều kiện để họ kinh doanh có lãi, để họ liên kết chặt chẽ, tạo lan tỏa với nông dân.
Nếu việc hỗ trợ không thể lan tỏa ra và không vượt ra khỏi được hàng rào của doanh nghiệp, nhà máy của doanh nghiệp thì phải tính lại. Cách làm cho việc đầu tư có lan tỏa là đầu tư về đầu mối của nông dân, ở đây chính là các HTX, các nhóm, tổ chức nông dân và các hiệp hội. Và, dự án VnSAT vừa qua đã tạo ra sự đột phá trong việc này.
Với các vùng nguyên liệu lớn sắp tới Bộ NN-PTNT triển khai, chúng tôi cũng dựa trên những thành quả mà dự án VnSAT đã đạt được. Từ những thành quả đó, giờ chúng ta chỉ mô hình hóa nó lên và mở rộng ra các mặt hàng khác.
Dự án VnSAT trước chỉ tập trung vào 2 ngành hàng là lúa gạo và cà phê, thì bây giờ sẽ có thêm gỗ rừng trồng, thủy sản, rồi cây ăn trái. Chúng ta sẽ làm trên diện rộng, trên nhiều ngành hàng và trên nhiều địa bàn khác nhau.
Có thể thấy, giá trị mà dự án VnSAT mang lại cho nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo và cà phê nói riêng là rất có ý nghĩa, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp, không chỉ ở trong hàng rào nhà máy, doanh nghiệp, mà phải vươn ra lan tỏa ngoài hàng rào để đến với nông dân, HTX mới có được một nền nông nghiệp bền vững? Từ thực tiễn tại dự án VnSAT, ông suy nghĩ gì về điều này?
Chức năng của Nhà nước là tạo phúc lợi cho người dân, trách nhiệm của các Bộ, ngành cũng vậy. Chúng ta không phân biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ mà tạo ra cho được hệ sinh thái giữa nhỏ và lớn kết hợp với nhau như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Chúng ta cần làm thế nào để tất cả các bên đều có lợi. Đây không phải là câu chuyện chia miếng bánh theo tỷ lệ ra sao, mà là làm cho miếng bánh ngày càng lớn lên và tất cả đều được hưởng lợi từ miếng bánh đó. Khi miếng bánh lớn lên, ai cũng hưởng lợi, kể cả khi tỷ lệ chia không đổi và đó là trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương và đương nhiên trong đó có cả nông dân và các HTX.
Ông có tin tưởng vào việc sẽ hình thành được những “đàn chim sẻ” từ những “con chim sẻ” nhỏ bé, là những hộ gia đình cá thể, những trang trại, những tổ chức nông dân, các HTX và sẽ liên kết lại, trưởng thành, lớn mạnh như những “con đại bàng”?
Không chỉ tôi mà nhiều người đều khẳng định năng lực sản xuất của nông nghiệp Việt Nam rất lớn, vì Nhà nước rất quan tâm và nông dân của chúng ta rất giỏi. Cái mắc lớn nhất là câu chuyện tổ chức sản xuất, ở đây là tạo ra sự liên kết để cùng nhau đi đường dài.
Tôi tin tưởng, nếu sắp tới chúng ta giữ quan điểm đi cùng nhau thì chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ phát triển. Đặc biệt những con “chim sẻ” sẽ phát triển rất nhiều trên sự hợp tác với doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước. Đấy là niềm tin chúng tôi đặt vào khi tham quan, khảo sát dự án VnSAT và chuẩn bị đề án về vùng nguyên liệu lớn, bền vừng trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nông dân, HTX đã tổ chức lại phương thức sản xuất theo hướng bền vững
Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Nông đánh giá: Dự án VnSAT đã giúp thay đổi nhận thức người dân trồng cà phê. Theo đó, nông dân và các HTX đã tổ chức lại phương thức sản xuất theo hướng bền vững, khác hẳn trước đây thông qua các hoạt động hỗ trợ của dự án.
Cụ thể, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như: Nhà kho, sân phơi và máy móc thiết bị sơ chế cà phê với mục đích sản phẩm cà phê của các HTX, tổ sản xuất được nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, dự án VnSAT tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác cho người dân trong vùng dự án, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm.
Qua đó, giúp người dân chủ động được nguồn nước, nhân công và lượng phân bón hợp lý. Từ đó, đảm bảo được sản lượng cà phê tốt, quả đều hơn, không còn năm được, năm mất mùa. Bước đầu, dự án đã thay đổi được tập quán canh tác truyền thống của người dân.
Có thể nói, dự án VnSAT đã giúp Đăk Nông hình thành chuỗi liên kết trong ngành cà phê từ khâu sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bền vững lâu dài. Đến nay, hầu hết các HTX, tổ sản xuất cà phê vùng dự án đều có sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu ổn định.
QUANG YÊN