| Hotline: 0983.970.780

Vụ hè thu Nam Trung bộ, Tây Nguyên gặt niềm vui

Thứ Năm 15/09/2022 , 15:49 (GMT+7)

Vụ hè thu 2022, sản xuất lúa vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gặt tín hiệu vui khi cả 3 chỉ số gồm diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng.

Tăng cả 3 chỉ số

Ngày 15/9, tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

DSC_0822

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Hậu. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu năm 2022 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên ước đạt trên 181 nghìn ha (tăng 0,84 nghìn ha), năng suất đạt 63 tạ/ha (tăng 1,65 tạ/ha) sản lượng ước đạt trên 1,145 triệu tấn. Trong đó Vùng Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 176 nghìn ha, sản lượng 1,113 triệu tấn; vùng Tây Nguyên chiếm 5,6 nghìn ha, sản lượng ước đạt 33 nghìn tấn.

Đối với vụ mùa 2022, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 272.000ha, tăng 1 nghìn ha; năng suất ước đạt 53,74 tạ/ha, tăng 1,06 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,465 triệu tấn, tăng 35 nghìn tấn so với vụ mùa 2021. Trong đó, vùng Duyên hải Nam Trung bộ đạt 121 nghìn ha, tăng 0,8 nghìn ha, sản lượng ước 634 nghìn tấn, tăng 17 nghìn tấn so cùng kỳ. Vùng Tây Nguyên đạt 151,6 nghìn ha, tăng 0,3 nghìn ha, sản lượng ước 831 nghìn tấn, tăng 17 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Theo Cục Trồng trọt, để sản xuất lúa vụ hè thu và vụ mùa 2022 hiệu quả, Cục đã phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo sản xuất sớm hơn. Bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và tập trung xuống giống nhanh, gọn.

20210417_163130 (1)

Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu năm 2022 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên ước đạt trên 181 nghìn ha. Ảnh: M.P.

Đồng thời, chủ động lịch xuống giống cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương. Đối với vùng đủ nước tưới, việc sản xuất được thực hiện theo phương thức tăng cường đầu tư thâm canh và vùng có nguy cơ thiếu nước cuối vụ thì chuyển đổi cây trồng khác sử dụng ít nước như ngô, lạc, vừng, rau, đậu, cỏ chăn nuôi...

Về việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2022, tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ chuyển đổi ước đạt 12,78 nghìn ha, vùng Tây Nguyên chuyển đổi ước đạt 4,98 nghìn ha.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, tình hình thời tiết năm 2022 là thách thức cho địa phương nói riêng, vùng Duyên hải Nam Trung bộ nói chung. Do vậy, cần hạn chế các giống lúa dài ngày của vụ đông xuân 2022 – 2023. Cũng theo bà Trân, vừa qua giá lúa có sự bấp bênh nên việc đầu tư của bà con nông dân kém hiệu quả. Điều này dẫn đến tinh thần sản xuất lúa của người dân xuống thấp. Đối với tỉnh Bình Định, tỉnh đang tập trung xây dựng các cánh đồng mẫu và thực hiện nhiều biện pháp trong việc cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

"Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và diện tích chuyển đổi đều hiệu quả và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chuyển đổi qua lạc, rau màu, ngô sinh khối và hướng đến liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ", bà Trân cho biết.

DSC_0803

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, khâu yếu hiện nay trong sản xuất lúa vẫn là bảo quản sau thu hoạch. Ảnh: Minh Hậu.   

Về phương hướng sản xuất, bà Trân cho hay, tỉnh Bình Định sẽ tập trung vào giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, đồng thời chuyển lúa 3 vụ bấp bênh qua 2 vụ và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Vấn đề đặt ra tại địa phương hiện nay là các khâu sơ chế, chế biến.

"Trong tháng 3 vừa qua, lúa bị ướt và hư hỏng do không có hệ thống sấy. Tỉnh hiện đang thiếu doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu", bà Nguyễn Thị Tố Trân nói và kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, có chính sách để địa phương xây dựng phương án, đề xuất phương án trong việc phát triển liên kết, thực hiện kế hoạch bảo quản, chế biến sâu.

Đưa giống ngắn ngày, chất lượng vào sản xuất

Để sản xuất vụ đông xuân năm 2022 – 2023 hiệu quả, Cục Trồng trọt triển khai các phương án giảm giá thành sản xuất, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động sản xuất. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, tổ chức gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch.

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành tập trung vào các giải pháp sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2022 - 2023 như đánh giá mùa vụ sản xuất và cân đối nguồn nước tưới. Đối với vùng an toàn nguồn nước, sẽ sản xuất đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất thì chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất lúa. Đối với vùng thường xuyên thiếu nước, cần tập trung chuyển đổi lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

20210419_112124

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành tập trung vào các giải pháp sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2022-2023 như đánh giá mùa vụ sản xuất và cân đối nguồn nước tưới. Ảnh: Mai Phương.

Theo Cục Trồng trọt, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là 326,2 nghìn ha, giảm 1,93 nghìn ha; năng suất bình quân 66,58 tạ/ha, tăng 1,81 tạ/ha; sản lượng 2,172 triệu tấn, tăng 47 nghìn tấn so với đông xuân 2021 - 2022. Trong đó vùng Duyên hải Nam Trung bộ khoảng 233 nghìn ha, giảm 1,15 nghìn ha, sản lượng 1,545 triệu tấn, tăng 45 nghìn tấn so cùng kỳ. Vùng Tây Nguyên khoảng 93,2 ha, giảm 0,78 nghìn ha, sản lượng ước đạt 626 nghìn tấn, tăng 1,4 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, tình hình thời tiết của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nhiều biến động nên cần có khuyến cáo cụ thể trong việc sắp xếp lịch thời vụ. Mưa lũ có diễn biến thất thường nên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý: "Nhiều năm, vùng này phải gieo đi gieo lại rất nhiều lần, có tỉnh mất cả giống ngoài đồng lẫn giống trong nhà".

Về vấn đề giống lúa, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần đưa giống ngắn ngày, chất lượng, đặc biệt cơ cấu 3 - 4 loại giống chất lượng để phục vụ sản xuất. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác tốt và chuyển đổi cây trồng phải có hiệu quả.

DSC_0769

Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 các tỉnh, thành Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên diễn ra tại Ninh Thuận ngày 15/9. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài ra, cần thực hiện các quy trình, tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, nâng cao lợi nhuận. Các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng cần tập trung, quân tâm vấn đề nước tưới để có phương án gieo trồng, bố trí lịch thời vụ khoa học và theo dõi sát tình hình mưa lũ để đề phòng. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu Cục Bảo vệ Thực vật chủ động các biện pháp phòng trừ dịch bệnh để sản xuất hiệu quả.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ bố trí thời vụ xuống giống đại trà từ ngày 10/12 - 31/12/2022. Riêng chân 3 vụ lúa như Bình Định gieo sạ từ ngày 25/11 – 05/12/2022; Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gieo sạ từ 15/11 và kết thúc trong tháng 12/2022. Đối với diện tích lúa không chủ động nguồn nước, cần gieo sớm hơn lúa đại trà chính vụ (trước 10/12/2022), vùng trũng thoát nước kém phấn đấu geo sạ trước 10/01/2023.

Tại vùng Tây Nguyên, diện tích chủ động nguồn nước tưới tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ 10/12 – 31/12/2022. Những vùng cân đối nguồn nước có nguy cơ thiếu vào cuối vụ (mùa khô), các địa phương phải tính toán cân đối diện tích xuống giống phù hợp lượng nước trong hồ đập và khuyến cáo sử dụng giống ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước 10/12/2022). Riêng một số diện tích lúa sản xuất 3 vụ tại Lâm Đồng bố trí gieo sạ từ ngày 15/11 – 10/12/2022.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.