| Hotline: 0983.970.780

'Vua' đẳng sâm trên vùng cao Tây Giang

Thứ Năm 03/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

Sau 2 năm làm “gã khùng” với đẳng sâm, lứa đầu tiên ông thu được hơn 6 triệu đồng. Số tiền ấy là mơ ước của hầu hết người dân Ch’ơm bởi theo nương rẫy, trời có thương thì cũng chỉ đủ ăn, không dư được. 

Ở xã Ch’ơm (huyện Tây Giang, Quảng Nam) cái tên Bhling Bríu (73 tuổi, thôn Zơ Rượt) được biết đến như “ông vua” đẳng sâm. Sau nhiều năm vật lộn với loại cây này đã cho ông thu nhập khá. Đặc biệt, từ mô hình của ông đã có nhiều người noi theo để thoát nghèo.

Nghỉ quan làm... 'vua"

Lên huyện vùng cao Tây Giang công tác, hỏi về gương điển hình kinh tế, ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ: Những năm gần đây, huyện chú trọng đầu tư phát triển cây dược liệu giúp bà con thoát nghèo, nhờ trồng cây này mà nhiều hộ dân có một nguồn thu nhập khá, trong đó phải kể đến ông Bhling Bríu, có đến mấy ha đẳng sâm.

Lần theo lời kể của ông Bí thư huyện, chúng tôi tìm về Ch’ơm, một xã vùng biên giáp Lào. Gặp ông Bríu hỏi về đẳng sâm, ông khiêm tốn: Chắc mình đi tắt đón đầu nên mới có thành quả của ngày hôm nay, một thứ cây rừng mà người dân bản địa chỉ biết ngâm rượu uống, không cho ra… thóc nên chẳng ai mặn mà. Do đó trong mắt họ, mình chẳng khác nào gã khùng. Nhưng mình không buồn vì dù gì mình cũng là người có kiến thức nên phải làm trước để bà con theo.

Ông Bríu kể, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông được cách mạng cho đi học nên có nhiều cái chữ, chiến tranh kết thúc, ông giã từ vũ khí và trở thành thầy giáo. Sau 8 năm miệt mài gieo chữ thì ông được chính quyền tin tưởng giao trọng trách làm cán bộ. Từ thầy giáo, ông “bẻ lái” sang làm Chủ tịch xã. Tại vị 18 năm, hết Chủ tịch đến Bí thư, ông về nghỉ hưu, cắt đứt sự nghiệp làm quan để khoác lên mình chức “vua” đẳng sâm.

09-41-09_nh-2
Người dân Tây Giang trồng đẳng sâm

Hồi ấy, ông đã nghe nói đến đẳng sâm nhưng công việc chiếm hết thời gian khiến ông không có dịp tìm hiểu. Sau khi về hưu, ông trăn trở nhiều với nó. Cách đây 4 năm, huyện Tây Giang và xã Ch’ơm có mấy chương trình đưa đẳng sâm trở thành cây thoát nghèo, ông Bríu đã dành hết tâm huyết.

Sau khi tự mày mò, tìm hiểu về đẳng sâm, năm 2012 ông sang Lào mua 5.000 cây giống để trồng trên 1ha đất. Khi đem thứ cây đó về trồng, bà con bảo ông là khùng, là điên. Thứ cây đó mọc ở rừng, thích thì lên rừng tìm về ngâm rượu, trồng thứ cây đó chẳng cho thu nhập. Người ta nói, ông mặc kệ, cứ tiếp tục công việc của mình.

Sau 2 năm làm “gã khùng” với đẳng sâm, lứa đầu tiên ông thu được hơn 6 triệu đồng. Số tiền ấy là mơ ước của hầu hết người dân Ch’ơm bởi theo nương rẫy, trời có thương thì cũng chỉ đủ ăn, không dư được. Thừa thắng xông lên, ông vay mượn thêm tiền mở rộng thêm 3ha. Đan xen giữa lứa đầu và lứa sau, ông thu được 15 triệu đồng. Dân làng đồn nhau, bắt đầu theo ông trồng đẳng sâm.

09-41-09_nh-3
Cây đẳng sâm rất dễ trồng

Năm ngoái, 4ha đẳng sâm giúp Bhling Bríu “bỏ túi” 60 triệu đồng. Chẳng biết khi nào ông được người trong xã gọi là “vua" đẳng sâm. Hiện người cựu binh Cơ Tu ấy vẫn đang “bệ vệ” ở ngôi vua với diện tích và thu nhập từ đẳng sâm lớn nhất xã. Vào dịp bán cuối năm vừa qua, ông thu gần 100 triệu đồng.

Hầu như ngày nào, Bríu cũng có mặt ở đồi đẳng sâm của mình, phần chăm sóc, phần chờ dân bản tới để truyền lại kinh nghiệm gieo trồng. Bhling Bríu tâm sự: “Người xã mình còn nghèo lắm nên mình phải giúp mọi người có cái ăn, cái mặc bằng cách chỉ họ phương thức trồng và chăm sóc. Hiện tại, đẳng sâm đã giúp nhiều người thoát nghèo. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thị trường đầu ra chưa ổn định; phụ thuộc vào người mua lẻ tẻ từ dưới xuôi lên”, ông Bríu lo lắng.

09-41-09_nh-4
Củ đẳng sâm

Ông nói thêm, người dân Ch’ơm đa phần làm nương rẫy, cái nghèo cứ bám riết mãi. Khi thấy ông đổi đời nhờ đẳng sâm thì không ít người theo ông học hỏi. Với cách làm đó đã không ít người thoát nghèo. Anh Tơ Ngol Min, ở thôn Ré bộc bạch: “Hồi già Bríu mới trồng đẳng sâm, mình cứ nghĩ già… tào lao. Ai đời trồng cây gì mà ít tưới nước, bón phân, không bắt sâu, chỉ lâu lâu mới thấy làm cỏ. Mãi đến khi già Bríu bán củ đẳng sâm và được nhiều tiền hơn làm rẫy, mình mới hoàn toàn bị thuyết phục”.

Năm 2014, thực hiện Nghị quyết 23 của HĐND huyện Tây Giang về phát triển cây bản địa, huyện Tây Giang tiếp tục lồng ghép từ các nguồn vốn để hỗ trợ kinh phí cho việc trồng và chăm sóc cây đẳng sâm trồng với diện tích khoảng 9ha cho nhân dân 2 xã Ch’ơm và Gari. Mục tiêu đến năm 2020, cây đẳng sâm sẽ được trồng tại các xã Ch’ơm, Gari, Tr’hy, Lăng với diện tích 139ha và đẳng sâm được huyện nhà xác định là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo.

Cũng theo Min, sau khi được Bríu khuyến khích và giúp đỡ, anh đã đầu tư trồng 1ha đẳng sâm. Sau 2 năm trồng đã giúp gia đình anh thoát nghèo đói triền miên. Hiện anh đang lên kế hoạch để mở rộng thêm diện tích.

Người giúp dân tiêu thụ

Những ngày đầu năm 2013, khi cây ba kích và đẳng sâm có dấu hiệu “hút” người dùng, anh Bùi Nam Chính (thôn Agrồng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) đã bắt tay vào ngâm rượu để bán, đồng thời nuôi ý tưởng làm thương hiệu với 2 loại cây đặc sản của miền sơn cước Tây Giang.

Một thời gian sau, Tây Giang được Tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) và Viện Nghiên cứu Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) phối hợp giúp phát triển 4 nghề gồm: rượu, chuối sấy khô, đan lát và chăn nuôi.

Nắm bắt cơ hội, anh Chính nộp hồ sơ phát triển nghề rượu, cụ thể là làm rượu ba kích và đẳng sâm. Sau khi khảo sát về tiềm lực kinh tế, mặt bằng... của các nhóm hộ đăng ký, 2 tổ chức trên đã chọn nhóm hộ của anh Chính.

“Nhóm hộ chúng tôi có 3 thành viên, 1 hộ nấu rượu, 1 hộ đi thu mua ba kích và đẳng sâm, còn tôi tiêu thụ.

Tôi được Malteser International và VIRI hỗ trợ tư vấn về hệ thống các máy móc cần thiết, cũng như kỹ thuật sử dụng trong làm rượu. Huyện Tây Giang hỗ trợ về máy lọc rượu, máy đóng nút chai, máy ghi ngày sản xuất… với tổng tiền 70 triệu đồng”, anh Chính bày tỏ.

09-41-09_nh-5
Cây đẳng sâm có thời gian sinh trưởng lâu, giá bán cao

Sau đó anh đầu tư mua thêm máy rửa đẳng sâm, ba kích, máy hút chân không… với hơn 30 triệu đồng. Và để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn mặt bằng, anh Chính vay ngân hàng 100 triệu đồng để mở rộng, trang bị thêm một số hạng mục. Tính luôn cả việc đăng ký thương hiệu, đăng ký kinh doanh và một số chai, vỏ, chum vại, ngốn của anh khoảng 250 triệu đồng tiền đầu tư.

Sau nhiều tháng khẩn trương, tháng 2/2015, sản phẩm thương hiệu “Rượu ba kích - đẳng sâm Chính Châu” được ra mắt với nhiều kiểu mẫu mã để khách hàng dễ lựa chọn; thậm chí, rượu được đóng hộp riêng lẻ hoặc gộp cả ba kích và đẳng sâm. Tại gian hàng ở Cơ sở sản xuất rượu Chính Châu, ngoài trưng bày các sản phẩm đã đóng chai, người sản xuất còn bày cả đẳng sâm và ba kích cùng hệ thống làm rượu. Do đó, khách hàng có thể lấy sản phẩm đã hoàn thành, hoặc tự mình chọn lựa ba kích, đẳng sâm rồi sau đó được quan sát các công đoạn làm rượu.

Anh Chính chia sẻ: “Đã làm kinh doanh thì phải chấp nhận cực khổ và cả rủi ro. Nhưng tôi may mắn được chính quyền địa phương giúp đỡ rất nhiều, nhất là tư vấn các thủ tục giấy tờ. Do đó mình có thêm động lực và hy vọng rằng sản phẩm rượu này sẽ nằm trong túi quà của du khách khi rời Tây Giang”.

09-41-09_nh-7
Đẳng sâm có giá bán từ 200.000 - 300.000 đồng/kg

Từ ngày anh Chính mở cơ sở thì đã đẩy giá đẳng sâm trên địa bàn lên cao. Theo “vua” đẳng sâm Bhling Bríu, vào khoảng hơn 1 năm trước, giá bán đẳng sâm tại vườn của bà con khá thấp, chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg. Từ khi có Cơ sở sản xuất rượu Chính Châu thu mua, giá cao và ổn định hơn, khoảng từ 120.000 - 250.000 đồng/kg, tùy lớn nhỏ.

“Nhờ vậy mà chúng tôi đỡ bớt cảnh bị tư thương ép giá, việc bán cũng đỡ khổ vì họ vào tận nơi. Họ còn khuyên bà con là không nên bán khi còn non, đồng thời phân tích cho bà con phải để củ sâm đạt chất lượng, như thế bán mới được giá và có thu nhập cao hơn”, ông Bríu nói.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị tổ chức Lễ Thượng cờ thống nhất non sông

Sáng 30/4, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, UBND tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ thống nhất non sông.

Bình luận mới nhất