Sai phạm từ trong mỏ, hoành hành ra ngoài đường
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin tại bài viết “Sai phạm quy định khai thác tại vùng mỏ Quang Sơn” vào ngày 1/6/2021, phản ánh về việc có gần chục điểm mỏ đá đang hoạt động và tất cả đang khai thác không tuân theo quy định an toàn. Điều này cũng đã dẫn đến những hệ quả về việc sạt lở đá xuống đường giao thông, xuống đất nông nghiệp và thường trực đe dọa tính mạng người dân.
Tuy nhiên, không chỉ sai phạm trong quá trình khai thác, mà việc vận chuyển các sản phẩm đá đi tiêu thụ cũng gây ra hệ lụy rất lớn. Những tuyến đường giao thông bê tông nông thôn từ xóm Lân Đăm, xóm Xuân Quang và đường nhựa liên xã từ QL1B – xã Quang Sơn – xã Tân Long bị cày nát, không còn nhận ra đó là mặt đường nhựa, đường bê tông nữa. Nắng thì thì bụi bay mù mịt, mưa thì biến thành những ao nước, bùn đất như mặt ruộng,…
Từ những loại xe có trọng tải khoảng dưới 10 tấn, cho đến những xe đầu kéo siêu trường, siêu trọng có trọng tải ước tính lên đến 60 – 70 tấn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Điều này khiến người dân đêm nằm ngủ không yên giấc vì tiếng xe gầm rú, còi xe, ngày không dám mở cửa ra đường vì ô nhiễm, bụi bẩn.
Chính quyền bất lực hay buông lỏng?
Sau nhiều ý kiến của nhân dân, cử tri các xã Quang Sơn, Tân Long (huyện Đồng Hỷ) và báo chí phản ánh, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo cơ quan liên ngành (Sở Xây dựng, Sở Giao thông, UBND huyện Đồng Hỷ, và các đơn vị liên quan…) họp bàn giải pháp đảm bảo khai thác và siết chặt việc xe quá khổ, quá tải vận chuyển gây hư hỏng đường.
Ngày 28/5, UBND huyện Đồng Hỷ ra thông báo số 48 yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Công an huyện, cùng một số đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp xử lý như: bổ sung biển báo về trọng tải, lên kế hoạch sửa chữa mặt đường, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm về an toàn giao thông,...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng ngày 12/6, đoạn đường từ xóm Lân Đăm và xóm Xuân Quang (xã Quang Sơn) – xã Tân Long – QL1B vẫn hoạt động bình thường và không có bóng dáng của các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát. Chỉ trong hơn 1h đồng hồ theo dõi, vẫn có hàng trăm 100 xe tải các loại, từ 5 tấn cho tới những xe đầu kéo có trọng tải lớn lên đến trên 40 tấn ra vào vận chuyển các loại đá từ các mỏ ra.
Thanh tra giao thông né tránh trách nhiệm?
Làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Thái Nguyên thông tin: Hàng năm đơn vị có kế hoạch thanh tra, được Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải phê duyệt. Nhiệm vụ của đơn vị nhiều, quản lý cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nhưng quân số thì ít. Những lĩnh vực như quản lý hành lang đường bộ, vận tải hành khách, xử lý đơn thư,… nhiều mà lại mất rất nhiều thời gian.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, khu vực đường giao thông xã Quang Sơn, xã Tân Long được phân cấp do huyện Đồng Hỷ quản lý, còn đơn vị chỉ quản lý ngoài QL1B và các đường tỉnh lộ. Mỗi lần đơn vị đóng chốt làm nhiệm vụ xử lý quá tải, thì các xe chở đá báo nhau sẽ không chạy, nên ít khi xử lý được.
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến của lãnh đạo Thanh tra giao thông tỉnh Thái Nguyên, bởi việc xe tải vượt quá tải chạy nghênh ngang cả ngày lẫn đêm là điều đang diễn ra hàng ngày.