| Hotline: 0983.970.780

Gửi về Bình Định:

Xã Canh Hòa lấy đất dân khai hoang chia cho cán bộ

Thứ Năm 01/10/2020 , 09:19 (GMT+7)

Ở xã Canh Hòa, dân đang thiếu đất canh tác thì đất rừng được cấp cho cán bộ, rồi đất được chuyển nhượng loạn xị cho người ngoài địa phương…

Cấp đất sai đối tượng gây bức xúc

Theo Quyết định số 672/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình, cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư (viết tắt dự án 672), vào năm 2010, UBND huyện Vân Canh (Bình Định) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân xã Canh Hòa. Sẽ chẳng có gì để nói nếu đất được cấp đúng đối tượng, đằng này người dân không có đất canh tác thì không được cấp, mà cán bộ xã và người nhà cán bộ xã thì được cấp đất. Sau đó, những người được cấp đất chuyển nhượng loạn xị, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Trong “Đơn xin cứu xét” của 19 hộ dân đồng bào dân tộc Chăm ở xã Canh Hòa gửi đến các cơ quan chức năng, các hộ dân này trình bày: Vào năm 2012, các hộ khai hoang lấy đất trồng rừng nguyên liệu giấy tại tiểu khu 375B, thuộc địa phận xã Canh Hòa với diện tích khoảng 35ha. Keo trồng xong, bỗng dưng UBND xã Canh Hòa “phát lệnh” phải nhổ bỏ keo. Rất xót của, nhưng 19 hộ dân nói trên bấm bụng chấp hành.

Những người dân xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định) khai hoang đất trồng rừng nguyên liệu nhưng bị xã thu hồi, sau đó xã lại cấp đất này cho người khác nên rất bức xúc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những người dân xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định) khai hoang đất trồng rừng nguyên liệu nhưng bị xã thu hồi, sau đó xã lại cấp đất này cho người khác nên rất bức xúc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến tháng 8/2019, những hộ dân nói trên bỗng phát hiện đất mình khai hoang tại tiểu khu 375B đã được UBND huyện Vân Canh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân khác. Những đối tượng được sở hữu hợp pháp phần đất ấy hầu hết là cán bộ xã hoặc người nhà của cán bộ. Sau đó, những người này chuyển nhượng đất cho người khác để lấy tiền.

Ông Lê Văn Cần, một trong 19 người đứng tên trong “Đơn xin cứu xét”, bức xúc cho biết: “UBND xã Canh Hòa nêu lý do đất chúng tôi khai hoang là đất rừng tự nhiên, để tái sinh, không được tác động, vậy mà sau đó lại cấp cho người khác, đối tượng được cấp đất hầu hết là cán bộ xã hoặc là người nhà của cán bộ”.

Những hộ dân nói trên nêu cụ thể trường hợp của bà Phan Thị Nga, vợ của ông Nguyễn Văn Cư, đang là cán bộ xã Canh Hòa. Bà Nga không hề “động tay” vào việc khai hoang đất tại tiểu khu 375B, thế nhưng bà lại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 1 phần đất nói trên tại thửa đất số 777 thuộc khoảnh 1, nằm trên địa bàn làng Canh Thành (xã canh Hòa), sau đó bà Nga đã chuyển nhượng cho hộ khác.

Ông Trần Trung Thạch ở xã Canh Hòa, sau 10 năm mới nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng giờ không biết đất mình được cấp nằm ở vị trí nào. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Trần Trung Thạch ở xã Canh Hòa, sau 10 năm mới nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng giờ không biết đất mình được cấp nằm ở vị trí nào. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tương tự, ông Đoàn Văn Mức, cựu Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, người đại diện một nhóm hộ gồm 3 người toàn là cán bộ xã nhận 15ha đất rừng theo dự án 672. Sau đó, ông Mức tiến hành các thủ tục tách thửa, chuyển nhượng cho người khác. Hoặc như trường hợp ông Đoàn Văn Môn, tại thời điểm được cấp 10ha đất rừng theo dự án 672, ông Môn đang giữ chức chủ tịch xã. Mới đây, ông Môn đã làm đơn trả lại diện tích đất rừng nói trên vì ông cho rằng không phù hợp với diện tích, vị trí mà ông đã kê khai.

Bi hài hơn là các trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đã được cấp từ năm 2010 nhưng từ đó đến nay không đến tay người dân, đến bây giờ nhận được giấy thì không biết đất mình nằm ở đâu, diện tích bao nhiêu.

Nảy sinh nhiều trường hợp tranh chấp đất

Việc cấp đất rừng ở xã Canh Hòa đã loạn xị, chuyện sang nhượng đất rừng ở đây còn loạn xị hơn. Nhiều diện tích đất sau nhiều lần “sang tay”, cuối cùng thuộc quyền sở hữu của người ngoài địa phương, dẫn đến tranh chấp, khiếu nại loạn cả lên.

Đơn xin trả lại đất của ông Đoàn Văn Môn, cựu Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, bởi ông cho rằng việc cấp đất không phù hợp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đơn xin trả lại đất của ông Đoàn Văn Môn, cựu Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, bởi ông cho rằng việc cấp đất không phù hợp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ví như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Điệp ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh). Năm 2018, bà Điệp nhận chuyển nhượng của ông Đoàn Văn Mức, cựu chủ tịch xã Canh Hòa, thửa đất số 731a, khoảnh 1, thuộc địa bàn làng Canh Thành (xã Canh Hòa) với số tiền 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay bà Điệp không thể canh tác trên diện tích đất nói trên vì đã bị người dân lấn chiếm. “Đất này tôi mua bằng tiền tươi chứ không phải đứng thay tên cho cán bộ nào cả, thế nhưng hiện nay đã bị người khác lấn chiếm, chưa thể canh tác được”, bà Điệp bộc bạch.

Hoặc như trường hợp của bà Trịnh Thị Dân ở huyện Tuy Phước, người đã nhận chuyển nhượng thửa đất số 777, khoảnh 1, cũng thuộc khu vực làng Canh Thành. Đây là phần đất cấp cho bà Phan Thị Nga, vợ ông Nguyễn Văn Mùi, cán bộ xã Canh Hòa. Trải qua nhiều lần chuyển nhượng, hiện nay bà Trịnh Thị Dân là người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 777. Tuy nhiên, hiện nay bà Dân không thể canh tác trên diện tích đất này vì đang xảy ra tranh chấp giữa bà Dân với ông Chăm So Hòa, người làng Canh Thành, bởi ông Hòa cho rằng đây là đất của ông do cha mẹ để lại từ năm 2001. Bà Dân cho biết: “Thửa đất này trước đây là của bà Nga, sau đó được chuyển nhượng qua tay nhiều người khác, đến lượt tôi nhận chuyển nhượng từ một người ở TP Quy Nhơn với giá 250 triệu đồng. Mặc dù tôi đã có Giấy cứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể sản xuất được vì đang xảy ra tranh chấp”.

19 hộ dân đứng tên trong 'Đơn xin cứu xét' gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét việc cấp đất lâm nghiệp ở xã Canh Hòa không đúng đối tượng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

19 hộ dân đứng tên trong “Đơn xin cứu xét” gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét việc cấp đất lâm nghiệp ở xã Canh Hòa không đúng đối tượng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Đỗ Ngọc Lâm, cán bộ địa chính xã Canh Hòa, từ năm 2007, dự án 672 bắt đầu thực hiện đo đạc, cấp đất rừng cho người dân tại xã Canh Hòa. Đây là dự án của Trung ương nên phần lớn việc đo đạc do đơn vị tư vấn thực hiện, UBND huyện Vân Canh là cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND xã chỉ là đơn vị phối hợp.

Mục tiêu của Dự án 672 là thực hiện đo đạc, cấp đất lâm nghiệp theo hiện trạng đang sản xuất, chỉ cần đất đó đang được canh tác, không phân biệt người đang canh tác là cán bộ hay dân thường. Tuy nhiên, hồ sơ và diện tích đất chồng chéo rất nhiều. Hiện hồ sơ lưu trữ liên quan đến dự án 672 tại huyện không còn giữ được gì. Để giải quyết những tồn tại, tôi đã giao Thanh tra huyện đến Chi cục Đất đai của tỉnh tìm thông tin về dự án 672, nhưng tìm mãi không ra. Nếu việc cấp đất rừng đúng đối tượng, có sổ đỏ, thì chuyện mua bán, chuyển nhượng là hợp pháp. Tuy nhiên, nếu phát hiện sai phạm, cấp đất không đúng đối tượng, huyện sẽ xử lý nghiêm, không bao che.

(Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.