| Hotline: 0983.970.780

Xã Sơn Đông làm ngơ cho Công ty Minh Đức xả thải ra môi trường?

Thứ Năm 16/07/2020 , 08:33 (GMT+7)

Doanh nghiệp xả hàng ngàn m3 xỉ thải đổ xuống ao khiến cá chết trắng, nước nổi váng, bốc mùi xi măng nhưng chính quyền địa phương không xử lý triệt để.

Khối lượng chất thải lớn bị đổ ra môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: PV.

Khối lượng chất thải lớn bị đổ ra môi trường gây ô nhiễm. Ảnh: PV.

Ảnh hưởng môi trường

Gần đây, người dân thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cung cấp thông tin về việc thời gian gần đây bị nhiều xe tải chở khối lượng rác thải lớn ngang nhiên đổ ra đất vườn nhà, ao nuôi cá gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sinh hoạt, cá chết trắng ao…

Cụ thể, thửa đất được đổ phế thải nói trên là mảnh ao rộng hơn 1.000m2. Thửa đất này thuộc diện đất nông nghiệp trước đây thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Năng Tụy, thôn Bình Sơn (nay là thôn Đại Sơn) xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Nay đã chuyển nhượng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Quang.

Đến nay chưa có kết quả kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân. Nhưng cá chết và nguồn nước sinh hoạt của người dân khu vực đang bị ảnh hưởng là có thật, xuất hiện hiện tượng nổi váng, bốc mùi xi măng.

Theo anh Nguyễn Năng Thành - người dân ở đây cho biết, việc đổ đất phế thải vào thửa đất nói trên là do ông Nguyễn Ngọc Quang muốn san lấp ao để xây dựng mô hình trang trại.

Việc đổ thải làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông, ao cá nhà anh Nguyễn Thanh Luân cá chết trắng ao. Bức xúc với sự việc trên, một số người dại diện các hộ dân thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông có đơn đến UBND xã đề nghị giải quyết sự việc ô nhiễm nói trên.

UBND xã Sơn Đông đã giao cho ông Đào Cam Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã chỉ đạo xác minh, xem xét giải quyết; trong quá trình giải quyết, UBND xã đã có Công văn số 102/UBND-CA ngày 12/5/2020 về việc đánh giá tác động môi trường và chỉ đạo xử lý vi phạm.

Theo đó, UBND xã Sơn Đông xác định, hành vi của ông Nguyễn Ngọc Quang làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường khu dân cư xung quanh.

Đất thải đổ ở đây là tro xỉ và rác giống như bụi thải từ các lò sản xuất xi măng. Người dân ở đây cho biết, liên tiếp những ngày đầu tháng 5/2020, khối lượng tro xỉ đổ xuống đây ước khoảng vài trăm xe, mỗi xe tải trọng khoảng 5 khối. Người dân ở đây đã ngăn chặn không cho đổ, nhưng các lái xe vẫn tranh thủ đổ trộm.

Sau khi thông tin trên được báo chí tiếp cận, ông Đào Cam Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông thừa nhận, nguồn tro xỉ chất thải loại nói trên được vận chuyển từ trong Công ty CP Bê tông và Xây dựng Minh Đức - Sơn Tây ra ngoài, theo phản ánh hiện trạng của người dân là khoảng 1.500m3.

Xử lý chiếu lệ

Ngày 21/5/2020, UBND thị xã Sơn Tây có Văn bản số 878/UBND-TNMT; UBND thị xã Sơn Tây có ý kiến chỉ đạo xử lý việc ông Nguyễn Ngọc Quang theo Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo thông báo kết quả giải quyết nội dung theo phiếu chuyển đơn số 112 của ban tiếp Công dân thị xã Sơn Tây, UBND xã Sơn Đông đã yêu cầu trong vòng 15 ngày (đến hết ngày 17/6/2020), ông Nguyễn Ngọc Quang phải múc bỏ toàn bộ số lượng chất thải đã đồ ra khỏi khu đất gây ô nhiễm môi trường. Nếu hết thời gian trên ông Quang không thực hiện thì UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Quang vẫn “án binh bất động” gây bức xúc cho người dân khu vực đổ thải.

Đến ngày 2/7/2020 vừa qua, UBND xã Sơn Đông có thêm quyết định xử phạt hành chính số 237/QĐ-XPVPHC đối với ông Nguyễn Thành Long trú tại 94 Nguyễn Khuyến, Đống Đa, Hà Nội vì hành vi vi phạm hành chính là “làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất”.

Theo nội dung văn bản này, mức tiền ông Long phải nộp phạt là 3,5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi xảy ra vi phạm. Thời giạn thực hiện các biện pháp khắc phục là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Năng Thành, người dân cho rằng, chính quyền xã đã quá chần chừ trong việc xử lý dứt điểm vụ việc, đã 2 tháng qua nhưng số chất thải kia vẫn chưa được di chuyển.

Ông Thành chia sẻ thêm, đối với vi phạm của người dân ví dụ như xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, thì chỉ cần hôm trước thôi hôm sau chính quyền đã lập biên bản xử phạt vi phạm, thế nhưng đối với vi phạm nói trên của ông Quang thì mặc kệ người dân sống chung với ô nhiễm. Mặc dù việc đổ chất thải nói trên là đất thuộc đất nông nghiệp.

Trong khi đó, UBND xã Sơn Đông xác định, khu đất đổ thải trên là đất nông nghiệp và việc đổ thải này đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân thôn Đại Sơn, xã Sơn Đông. Hành vi này đã vi phạm Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Người dân cho rằng, phải chăng UBND xã đã quá ưu ái cho sai phạm, trong khi sai phạm đã quá rõ ràng.

Người dân địa phương kiểm tra bên trong khối chất thải khổng lồ bị đổ ra môi trường. Ảnh: PV.

Người dân địa phương kiểm tra bên trong khối chất thải khổng lồ bị đổ ra môi trường. Ảnh: PV.

Cần xử phạt nặng để răn đe

Theo TS. Lê Xuân Trường, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, rác thải công nghiệp là những chất thải được sản sinh từ các hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp... Tùy vào tính chất của mỗi ngành nghề mà mức độ nguy hại của rác thải cũng khác nhau.

Tuy nhiên xét cho cùng thì mỗi loại rác thải đều là mối đe dọa đối với môi trường và sức khỏe con người nếu không được thu gom và xử lý theo đúng quy định, TS. Trường chia sẻ.

TS. Trường cho biết thêm, xử lý rác thải công nghiệp là công việc phức tạp, cần phải do những người có kinh nghiệm chuyên môn trực tiếp thực hiện cùng với sự can thiệp của các phương tiện máy móc hiện đại, công nghệ xử lý tiên tiến.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, rất nhiều công ty, xí nghiệp vẫn xem nhẹ sức ảnh hưởng của rác thải mà tự ý xử lý thiếu khoa học hay lén lút đổ trộm ra môi trường, để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Liên quan vụ đổ xỉ thải ở xã Sơn Đông, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Hành vi đem các chất thải rắn từ Công ty CP Bê tông và Xây dựng Minh Đức - Sơn Tây ra môi trường đổ trộm thay vì phải chở đến cơ sở xử lý rác thải đã vi phạm nghiêm trọng về gây ô nhiễm cho môi trường.

Nếu mẫu kiểm nghiệm từ các cơ quan chức năng cho thấy có sự nguy hại đến môi trường hành vi trên sẽ cấu thành “tội gây ô nhiễm môi trường” theo Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi này sẽ bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể liên quan”.

Cũng theo LS Hùng, nếu hành vi vi phạm là của cá nhân thì tùy vào số lượng chôn rác thải và mức độ gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm (Khoản 3 Điều 235 BLHS 2015).

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm (Khoản 4 Điều 235 BLHS 2015).

Nếu hành vi vi phạm là của pháp nhân thương mại thì tùy vào số lượng chôn rác và mức độ gây ô nhiễm môi trường có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 12-20 tỉ đồng.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1-5 tỉ đồng hoặc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm (Điểm c, đ Khoản 5 Điều 235 BLHS 2015).

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm