| Hotline: 0983.970.780

Xây chợ 5 năm, chờ tiền… xây tiếp

Thứ Hai 16/01/2023 , 11:43 (GMT+7)

Khởi công năm 2018, trải qua 3 lần gia hạn nhưng đến nay, chợ Ia Le vẫn chỉ là niềm mong mỏi của hàng trăm tiểu thương và hàng ngàn người dân trong vùng.   

Chợ xây 5 năm chưa xong.

Chợ xây 5 năm chưa xong.

5 năm = 50% khối lượng công trình

Tại Quyết định số 414/QĐ-UBND, ngày 4/6/2018, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình chợ Ia Le, thuộc huyện Chư Pưh. Công trình được giao cho Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện làm chủ đầu tư.

Theo đó, chợ Ia Le chính thức được khởi công từ năm 2018, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Với nguồn vốn xây dựng gần 10 tỷ đồng từ việc thu tiền đấu giá sử dụng đất và cho thuê ki-ốt khu vực xung quanh chợ, công trình xây dựng chợ Ia Le mang mục tiêu rất tốt đẹp và hết sức nhân văn: “Đảm bảo thuận lợi giao thương kinh tế trong vùng, nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo không gian mua bán thuận lợi cho người dân, đồng thời phát triển xã Ia Le trở thành xã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới do Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009. Tăng cường cơ sở vật chất và làm tăng thêm vẻ đẹp mỹ quan khu vực, góp phần đưa nền kinh tế huyện Chư Pưh nói chung đi lên, cũng như đưa nền kinh tế nhân dân xã Ia Le nói riêng ngày càng phát triển thịnh vượng” (trích nguyên văn Quyết định số 414/QĐ-UBND, ngày 4/6/2018 của UBND huyện Chư Pưh).

Tốt đẹp là vậy, nhân văn là vậy, tuy nhiên đến cuối năm 2022, quá 2 năm so với kế hoạch đặt ra ban đầu, công trình xây dựng chợ Ia Le vẫn chưa hoàn thành, tiến độ được đánh giá tại thời điểm này mới chỉ đạt… 50%!

Điều đáng nói là qua 3 lần gia hạn và 2 năm “lỗi hẹn” với người dân và tiểu thương trong vùng, nhưng đến thời điểm hiện tại, công trình chợ Ia Le vẫn chưa hoàn thành, số tiền bỏ ra thi công 50% khối lượng công trình vẫn chịu cảnh “dãi gió dầm sương” bao năm qua.

Lần gia hạn gần nhất thể hiện tại Quyết định 166/QĐ-UBND, ngày 20/12/2021 của UBND huyện Chư Pưh, do Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Thái ký, nêu rõ: “Gia hạn thời gian thi công công trình chợ Ia Le, huyện Chư Pưh đến ngày 30/10/2022”.

Khối lượng công trình mới chỉ hoàn thành 50%.

Khối lượng công trình mới chỉ hoàn thành 50%.

Cũng tại Quyết định 166 nêu trên, lý do gia hạn được nêu rõ: "Kinh phí thực hiện công trình lấy từ nguồn đấu giá sử dụng đất và cho thuê ki-ốt khu vực quanh chợ. Nhưng việc đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, tổ chức bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành công, đến nay vẫn chưa thu tiền đấu giá sử dụng đất và cho thuê ki-ốt được nên nguồn kinh phí bố trí cho công trình còn hạn hẹp, dẫn đến tiến độ thi công công trình không đảm bảo, vì không có vốn để thanh toán cho đơn vị thi công".

Để lấy nguồn đất xây chợ, UBND huyện Chư Pưh đã bố trí một khoảng đất tạm cho hơn 130 tiểu thương buôn bán tạm ở phía sau công trình. Việc chợ xây gần 5 năm vẫn chưa hoàn thành khiến nhiều tiểu thương không khỏi lo lắng về vị trí buôn bán không ổn định. Đồng thời, việc xây chợ được lấy từ nguồn đấu giá nên tiểu thương như ngồi trên “đống lửa” vì sợ không có tiền đấu giá để có vị trí buôn bán thuận lợi.

Chợ chờ tiền, tiểu thương chờ… chợ

3 lần gia hạn vẫn quá hạn 2 năm, để sau 5 năm thi công, công trình chợ Ia Le vẫn chưa thể hoàn thành. Bức xúc, các tiểu thương buôn bán tại chợ Ia Le đã gửi “Đơn cứu xét”, qua 2 buổi đối thoại giữa chính quyền với các hộ tiểu thương vào ngày 25/2/2022 và 4/3/2022, công trình xây dựng chợ Ia Le vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, ông Lê Văn Thạch, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh, cho biết: "Sở dĩ công trình chợ Ia Le xây dựng gần 5 năm chưa thể bàn giao là do việc thiếu vốn. Nguồn vốn để xây chợ là từ việc đấu giá đất và cho thuê ki-ốt, nhưng đã qua 8 lần đấu giá vẫn chưa thành công. Chính vì không có tiền nên nhà thầu xây dựng cũng bỏ giữa chừng, đến khi có kinh phí trả thì họ mới tiếp tục xây dựng".

Chưa chưa xây xong đã xuất hiện những hư hỏng.

Chưa chưa xây xong đã xuất hiện những hư hỏng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hạ, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Chư Pưh thì: “Qua nhiều lần đấu giá từ năm 2018, mới được 1/13 lô trúng đấu giá. Số tiền thu về là 1,2 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, huyện Chư Pưh đã tổ chức 2 cuộc đấu giá và người dân đã tham gia đấu giá hết 12 lô còn lại với số tiền thu về khoảng 8,2 tỷ đồng. Tuy nhiên trong phiên đấu này, huyện Chư Pưh lại sai mục đích sử dụng đất. Cụ thể, bản đồ quy hoạch chung là đất dịch vụ nhưng huyện lại làm hồ sơ đấu giá là đất ở. Do sai sót đó nên huyện lại phải trả lại tiền cho người dân và hủy kết quả đấu giá”, ông cho biết.

Từ rất nhiều lần đấu giá như trên, công trình xây dựng chợ Ia Le vẫn dậm chân tại chỗ. Theo đó, chợ thì chờ có tiền để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, còn tiểu thương thì chờ… chợ để thuận tiện trong việc kinh doanh buôn bán.

Gia đình chị Lê Thị S., tiểu thương chợ Ia Le, huyện Chư Pưh đã có hàng chục năm buôn bán, kinh doanh ở ngôi chợ này. Theo chị S. thì từ năm 2018, khi khởi công xây dựng mới chợ Ia Le, các tiểu thương được bố trí buôn bán tạm ở phía sau chợ. Trong những năm qua, huyện có mở nhiều cuộc đấu giá để bán các ki-ốt phía trước nhưng giá quá cao nên hầu như tiểu thương trong chợ không thể nộp hồ sơ tham gia được.

“Tiểu thương chúng tôi mong chính quyền đẩy nhanh việc xây chợ để bà con sớm có nơi buôn bán. Đồng thời có những chính sách đặc biệt để tất cả tiểu thương khó khăn có điều kiện được buôn bán, kinh doanh trong chợ”, chị S. bộc bạch.

Còn bà Nguyễn Thị V. thì: “Gia đình tôi không có ruộng rẫy, tất cả đều trông vào sạp tạp hóa ở chợ từ bao nhiêu năm qua. Việc kéo dài thời gian xây dựng chợ Ia Le đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của gia đình, không chỉ với riêng tôi mà còn với hầu hết các chị em khác buôn bán trong chợ này”.

Những sẻ chia của các tiểu thương trên là hoàn toàn chính đáng, bởi một ngày công trình xây dựng chợ Ia Le chậm tiến độ, là một ngày gây khó khăn cho tiểu thương nơi đây, khó khăn cho cả những người dân trong vùng khi có nhu cầu đi chợ mua sắm…

Ông Nguyễn Tuấn Hiệp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Pưh: “Để kịp thời chấn chỉnh sai sót, khắc phục hậu quả, UBND huyện và các hộ trúng đấu giá đã làm việc và thống nhất hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá… Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức việc đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Khi có kinh phí sẽ tiếp tục xây dựng chợ”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.