Đơn vị từng được TP đầu tư sắm dàn nhạc cụ cho dàn nhạc giao hưởng trị giá đến 47 tỷ đồng. Nhưng nhiều nhạc cụ đắt tiền trong dàn nhạc này chưa từng được đem ra biểu diễn.
Dàn nhạc 47 tỷ mua về... đắp chiếu
Năm 2009, TP đã đầu tư, sắm cho HBSO (đóng tại tầng hầm Nhà hát TP.HCM, số 7 Công Trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM) một dàn nhạc cụ trị giá 47 tỷ đồng. Thời điểm ấy, nhiều nghệ sĩ đã vô cùng vui mừng, nhưng cũng không ít nghệ sỹ băn khoăn. Một nghệ sỹ hiện còn đang công tác đề nghị không nêu tên, tâm sự: “Việc đầu tư này có phần vội vàng, “vung tay quá trán”. Vì lô nhạc cụ cao cấp, giá trị rất lớn, nhưng chưa có nơi bảo quản nhạc cụ theo chuẩn quốc tế, chưa có điểm biểu diễn chuyên nghiệp và ổn định.
Tại Rạp Thanh Vân (đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3), khán phòng có diện tích khoảng 100m2 mới được cải tạo thời gian qua, là nơi đội ngũ nghệ sĩ HBSO thuê tập luyện, đồng thời là kho để dàn nhạc cụ 47 tỷ. Mặc dù có giá trị lớn, cần bảo quản nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không gian để dàn nhạc cụ này khá chật hẹp, vận chuyển khó khăn.
|
Rạp Thanh Vân, nơi chứa dàn nhạc cụ 47 tỷ và là nơi các nghệ sỹ tập luyện |
Có lẽ không nơi nào các nhạc cụ cồng kềnh, đắt tiền, cần không gian bảo quản đúng chuẩn nhưng lại cứ chở đi chở về trên xe tải sau mỗi đêm diễn như ở HBSO. Ngoài một số nhạc cụ do cá nhân tự sắm, một số nhạc cụ nhỏ các nhạc công có thể đăng ký mang về nhà để tiện tập luyện. Kho có hàng trăm loại nhạc cụ lớn nhỏ khác nhau vừa được bọc kín vừa để hở chiếm một phần khá lớn diện tích, khiến rạp trở nên chật chội. Hơn chục chiếc đàn contrabass và cello được bọc trong túi chuyên dụng, đặt ngay ngắn cùng với các nhạc cụ khác. Chiếc piano thương hiệu Bosendorfer nổi tiếng xuất xứ từ Austria có giá trị lớn nhất trong bộ nhạc cụ, sau khi mua được chuyển về rạp Thanh Vân bảo quản đã 9 năm, từ đó đến nay chưa tham gia nổi một tiết mục.
Hàng loạt nhạc cụ thuộc hàng “đỉnh” như chiếc đàn Piano thương hiệu Steinway & Sons có xuất xứ từ Mỹ cũng thuộc hàng danh tiếng, đỉnh cao trên thế giới, từng nhận rất nhiều giải thưởng của New York, Paris hay nhiều viện âm nhạc nhờ chất lượng vượt trội; đàn hạc được nhập từ Mỹ với nhiều họa tiết được mạ vàng 24K; đàn lavanxan, loại đàn tiền thân của piano, đóng vai trò trụ cột của dàn nhạc cổ điển… tất cả đều được bảo quản sơ sài.
Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO cho biết, mỗi lần có đoàn nước ngoài đến diễn hay dựng những vở lớn cần tập trung giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch thì hàng trăm con người lại chen chúc tập ở rạp Thanh Vân chật chội. Ngoài những chiếc piano đắt tiền, kho nhạc cụ còn có đàn celesta dùng biểu diễn các bài nhạc cổ điển. Các loại nhạc cụ lạ từ nước ngoài cũng được mua về để phục vụ các tiết mục giao hưởng tại HBSO. Phần lớn những nhạc cụ trong bộ 47 tỷ đồng mua 10 năm trước đều được bọc nhiều lớp. 6 chiếc máy lạnh công suất lớn vừa phục vụ các nghệ sĩ tập luyện vừa giữ nhiệt độ phù hợp để bảo quản nhạc cụ.
|
Nơi bảo quản dàn nhạc giao hưởng trị giá 47 tỷ |
Tuy nhiên, ông Đông, phụ trách kho nhạc cụ cho biết, mỗi lần di chuyển sang Nhà hát thành phố biểu diễn, tùy chương trình, phải cần 2 - 3 xe tải để chở đi và về. Nhiều loại lớn, đắt tiền nếu di chuyển nhiều sẽ nhanh bị hư hỏng.
Xây nhà hát để có chỗ cho... dàn nhạc?
Nói về kế hoạch xây nhà hát 1.500 tỷ, bà Phạm Thị Thái, nguyên Giám đốc Nhà hát Hoà Bình, Q.10 cho biết: Chuyện xây nhà hát tôi biết từ khi còn đang công tác, TP đã có kế hoạch từ mấy chục năm trước rồi. Từ kế hoạch này mà TP mua dàn nhạc cụ giao hưởng về nhưng không có chỗ bảo quản cố định, phải gửi chỗ này chỗ kia, Nhà hát TP một ít, rạp Thanh Vân một ít, vận chuyển tới lui, bảo quản không tốt nên xuống cấp. Trong dàn nhạc cụ này, có những cây đàn trị giá cả triệu USD. Nói chung, từ giao thông, bệnh viện, trường học… cái nào cũng cần, bao nhiêu năm nay TP cũng đầu tư xây dựng nhiều lắm chứ, nhưng bây giờ thông tin, mạng xã hội bàn luận nhiều quá, nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi làm.
Chiếc piano thương hiệu Bosendorfer có giá trị lớn nhất trong bộ nhạc cụ nhưng chưa 1 lần thử sức |
“Là người làm trong ngành văn hoá lâu năm, tôi rất ủng hộ việc TP phải có một nhà hát tầm cỡ, nhưng vấn đề là xây thời điểm nào, vị trí ở đâu thì thích hợp… Thuận lòng người và thuận cả ý trời nữa. “Ý chị là xem xét 3 yếu tố “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà?” - PV đặt vấn đề.
“Đại ý là thế. Ngoài ra thì nhà hát làm như thế nào, ai làm? Đó là những yếu tố quan trọng. Tôi khẳng định Việt Nam mình chưa có người nào, đơn vị nào đủ trình độ, kinh nghiệm để làm được nhà hát giao hưởng. Riêng sân khấu nhà hát giao hưởng là không ai biết làm, vì quy cách, tiêu chuẩn nó khác hoàn toàn các sân khấu bình thường. Nhà hát Hoà Bình cũng là một công trình tương đối hiện đại, đủ điều kiện biểu diễn một số loại hình nghệ thuật, nhưng không đáp ứng được một chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Vì mộ số hạng mục như hậu đài, công trình phụ đi kèm chưa đủ tiêu chuẩn”, bà Thái nói.
Chiếc Piano đỉnh cao thương hiệu Steinway & Sons của Mỹ |
Còn soạn giả Thạch Tuyền, người khá nổi tiếng trong giới nghệ sĩ sáng tác, viết kịch bản sân khấu, phim thẳng thắn: “Xây Nhà hát giao hưởng bây giờ là lãng phí. Bởi rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là chưa có khán thính giả. Ở các nước châu Âu, họ đến nhà hát giao hưởng mặc đồ vest, váy đầm, họ chuẩn bị đến một buổi nhạc giao hưởng với tâm thế thưởng thức, nghiêm trang, khi nhạc nổi lên, người ta tưởng tượng, tâm hồn bay bổng theo tiếng nhạc du dương... ấy là vì họ hiểu nhạc. Còn ta, ai biết nghe? Tôi đảm bảo đa số vé mời, còn không, vừa nghe giao hưởng vừa tán róc, nói chuyện ồn ào, nghe điện thoại… thì còn gì là nhạc giao hưởng?”.
Đàn Hạc trong dàn nhạc giao hưởng |
Tôi hỏi: “Theo anh, khi nào thì TP đủ khả năng xây nhà hát này?”. Anh đáp: “Cái đó khó nói lắm. Nhưng nói đảm bảo hiệu quả thì có lẽ… khó. Tôi nghĩ, nhạc giao hưởng là thứ nhạc cao sang, chưa phù hợp với người Việt Nam. Nếu xây lên đảm bảo nhà nước phải nuôi giàn nhạc chứ nhà hát đó không thể tự nuôi, thu không thể bù chi. Không phải ngẫu nhiên mà đại đa số dư luận không đồng tình, cho rằng lãng phí”.