| Hotline: 0983.970.780

Vì sao công an chưa vào cuộc?

Thứ Năm 16/08/2012 , 09:47 (GMT+7)

Ngày 6/8/2012, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Ngọc Thông đã ký Thông báo số 893/UBND-TTr về kết quả thanh tra.

Đất cho thuê 50 năm ở Cụm công nghiệp Làng nghề - Chợ sắt Tề Lỗ đã biến thành biệt thự

Sau loạt bài báo trên của NNVN, đồng thời nhận được đơn tố cáo của công dân xã Tề Lỗ, UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã quyết định thành lập đoàn thanh tra để làm rõ những vấn đề báo nêu về quá trình thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án “Cụm Công nghiệp Làng nghề - Chợ sắt Tề Lỗ”.

>> Lãnh đạo UBND xã Tề Lỗ gian lận
>> Những “quái chiêu” thu hồi đất

Ngày 6/8/2012, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Ngọc Thông đã ký Thông báo số 893/UBND-TTr về kết quả thanh tra. Đọc bản thông báo trên, chúng tôi nhận thấy như sau:

Các Kết luận thanh tra số 48-49-50-51 của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (UBKTTUVP) đều kết luận dứt khoát rằng ông Nguyễn Kim Hữu, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, và một số người khác đã biến 15.002 m2 đất công ích của xã (đất 5%) thành đất canh tác quỹ I của dân để nhận số tiền đền bù cao hơn, lấy của Nhà nước 459,2 triệu đồng bỏ ngoài sổ sách, không nộp ngân sách. Kết luận của UBKTTUVP ghi rõ đó là đất 5% chứ không có bất cứ một loại đất nào khác. Cho đến nay, chưa có một văn bản nào của cấp có thẩm quyền bác bỏ kết luận của UBKTTUVP.

Thế nhưng trong thông báo kết quả thanh tra nói trên, UBND huyện Yên Lạc lại kết luận rằng trong 15.002 m2 đất đó có cả đất của Hội Người cao tuổi, đất của một số hộ dân kê khai thiếu... Kết luận đó đã lặp lại y chang những lời thanh minh của ông Nguyễn Kim Hữu tại Văn bản số 03 ngày 6/2/2007. Như vậy thì đấy là kết luận thanh tra hay kết luận... thanh minh cho ông Nguyễn Kim Hữu? Và nếu kết luận của Thanh tra huyện Yên Lạc đúng thì kết luận của UBKTTUVP là sai?

Tuy góp phần thanh minh cho ông Nguyễn Kim Hữu, nhưng Thanh tra huyện Yên Lạc cũng đã phải thừa nhận việc kê khai gian, biến đất 5% của xã thành đất canh tác quỹ I của dân là có thật, và số tiền chiếm đoạt của Nhà nước, không đưa vào sổ sách, không nộp ngân sách xã là 375 triệu đồng. Và việc khai gian, chiếm đoạt tiền đó là “do chủ quan của ông Nguyễn Kim Hữu và ông Nguyễn Đức Dần (địa chính xã)”.

Theo quyết định của UBND huyện Yên Lạc, UBND xã Tề Lỗ đã nộp về ngân sách huyện 135 triệu đồng số tiền chiếm đoạt đó, còn 240 triệu đồng cho đến nay vẫn không quyết toán được. Điều hết sức hài hước là Thanh tra huyện Yên Lạc lại cho rằng xã đã dùng khoản tiền 240 triệu đồng đó để “Chi cho các khoản phục vụ công tác GPMB”. Việc thanh minh này của Thanh tra huyện Yên Lạc là không chấp nhận được. Khi thực hiện bất cứ một dự án nào, Nhà nước cũng dành một khoản kinh phí để phục vụ công tác GPMB (ngoài kinh phí đền bù hỗ trợ cho dân). Dự án Cụm Công nghiệp Làng nghề - Chợ sắt Tề Lỗ cũng không ngoại lệ. Đâu phải chờ ông Nguyễn Kim Hữu thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt như trên mới có kinh phí để “Chi cho các khoản phục vụ công tác GPMB”? Nếu không có sự gian dối và khoản tiền chiếm đoạt đó, thì chẳng lẽ không thể GPMB Cụm Công nghiệp Làng nghề - Chợ sắt Tề Lỗ được hay sao?

Ông Dương Văn Gia, một công dân của thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, nhận xét: Chia chác nhau hết rồi, giờ bị phanh phui ra, không cãi vào đâu được, thì lấp vào chuyện chi phí GPMB cho xong, chứ còn sao nữa?

Việc kê khai gian dối đất công thành đất canh tác quỹ I, chiếm đoạt tiền “Là do ý thức chủ quan của ông Nguyễn Kim Hữu... (trích Kết luận thanh tra)”. Như vậy là trên cương vị Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Kim Hữu đã ý thức hoàn toàn được việc mình làm là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm, và đã làm xong. Hành vi đó của ông Nguyễn Kim Hữu đã có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại khoản 2 điều 165 BLHS. Chiếm đoạt được tiền của Nhà nước bằng việc kê khai gian dối nhưng “không vào sổ sách, không nộp ngân sách xã”, hành vi này của ông Nguyễn Kim Hữu có dấu hiệu cấu thành tội “Tham ô tài sản” được quy định tại khoản 3 điều 278 BLHS.

Việc UBND xã Tề Lỗ nộp 135 triệu đồng tiền chiếm đoạt của Nhà nước về ngân sách huyện chỉ là hành vi khắc phục một phần hậu quả, khi sự việc đã bị lôi từ trong bóng tối ra ánh sáng, và UBND huyện có quyết định buộc phải nộp, chứ hoàn toàn không xoá bỏ được hành vi có dấu hiệu cấu thành 2 tội danh trên.

Nhận được đơn của công dân xã Tề Lỗ tố cáo hành vi trên của ông Nguyễn Kim Hữu, ngày 19/6/2012, PC 46 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có Công văn số 250/TB-CAT(PC46) trả lời rằng “chờ kết luận của Thanh tra huyện Yên Lạc”. Nay kết luận của Thanh tra huyện đã có rồi. Còn chờ gì nữa mà PC 46 Công an tỉnh Vĩnh Phúc chưa vào cuộc?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.