| Hotline: 0983.970.780

26 năm chờ đợi vẫn chưa được tái định cư?!

Thứ Năm 13/05/2021 , 08:30 (GMT+7)

Một gia đình giao đất để xây dựng trạm bơm tiêu Đông Mỹ nhưng đã qua 26 năm, chủ hộ đã chết nhưng gia đình vẫn chưa được giải quyết đền bù thỏa đáng.

Trạm bơm tiêu Đông Mỹ, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội

Trạm bơm tiêu Đông Mỹ, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội

26 năm vẫn chưa được cấp đất tái định cư

Bà Phùng Thị Thúy Hạnh, sinh năm 1946 trú tại thôn 4, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội phản ánh về việc gia đình bà giao 301m2 đất thổ cư do cha ông để lại cho dự án Cải tạo nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ nhưng 26 năm nay không được đền bù thỏa đáng. Theo đó, mảnh đất trên được bố mẹ ông Phạm Hữu Vọng (chồng bà Hạnh) để lại cho ông Vọng và bà Phạm Thị Nguyên (chị gái ông Vọng) để sử dụng làm nơi thờ cúng và được giao cho ông Vọng quản lý. 

Qua tìm hiểu năm 1995, UBND huyện Thanh Trì được giao thực hiện Quyết định số 2607/QĐ – UB ngày 17/10/1994 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt luận chứng kỹ thuật kinh tế về cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt bằng của Trạm bơm tiêu Đông Mỹ và cải tạo mạng lưới điện sinh hoạt nông thôn tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Để đảm bảo tiến độ, UBND huyện Thanh Trì đã vận động gia đình ông Phạm Hữu Vọng giao đất.

Điều đáng nói, dù chưa có Quyết định thu hồi đất của UBND TP. Hà Nội, gia đình ông Phạm Hữu Vọng đã tự nguyện giao 301m2 đất thổ cư của gia đình đang sử dụng để phục vụ dự án. Tại thời điểm trên, UBND huyện Thanh Trì mới chỉ tiến hành đền bù, hỗ trợ về tài sản hoa màu trên đất. Còn đối với phần đất của gia đình ông Vọng, gia đình có nguyện vọng được Nhà nước trả đất tại một nơi khác nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền giao đất tái định cư.

Sau khi bàn giao đất cho chính quyền huyện Thanh Trì để thực hiện dự án Cải tạo nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ. Các cơ quan có thẩm quyền đã nhiều lần tiếp xúc với gia đình ông Vọng để thống nhất việc bàn giao đất cho gia đình. Thế nhưng, đến năm 2000 do mắc bệnh hiểm nghèo, ông Vọng đã mất mà UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa giao được đất cho gia đình ông Vọng.

Vẫn chỉ là lời hứa

Sau khi ông Vọng mất, bà Phạm Thị Nguyên – chị gái ông Vọng đã đại diện gia đình, mang đơn đi “gõ cửa” khắp nơi đề nghị UBND huyện Thanh Trì, UBND TP. Hà Nội xem xét giao đất tái định cư cho gia đình ông nhưng cũng chỉ nhận được lời “hứa hẹn” của UBND TP. Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì.

Phần đất của gia đình ông Phạm Hữu Vọng, bà Phạm Thị Nguyên đã hiến đển xây dựng trạm bơm tiêu Đông Mỹ

Phần đất của gia đình ông Phạm Hữu Vọng, bà Phạm Thị Nguyên đã hiến đển xây dựng trạm bơm tiêu Đông Mỹ

Cụ thể, Công văn số 3737/UBND – TNMT ngày 05/12/2008 của UBND TP. Hà Nội đã giao UBND huyện Thanh Trì kiểm tra cụ thể, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo kết quả về UBND TP. Thực hiện Công văn trên, ngày 31/12/2008 UBND huyện Thanh Trì đã có văn bản số 425/UBND – TNMT trả lời bà Nguyên với nội dung: “Do việc thực hiện dự án quá lâu (từ năm 1994) và khi triển khai giải phóng mặt bằng lại không đảm bảo quy trình theo quy định (không có quyết định thu hồi đất của Thành phố) nên việc đền bù đất cho các hộ dân chưa thực hiện được vì căn cứ vào Quyết định số 18/2008/QĐ – UBND ngày 24/04/2008, quyết định ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên phải có quyết định thu hồi đất. Để giải quyết vướng mắc trên, UBND huyện đã giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho huyện giải quyết dứt điểm việc đền bù đất đối với 03 hộ gia đình. Ngày 19/12/2008, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 211/TNMT để xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn giải quyết tồn tại của 03 hộ gia đình trên. Sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, thì UBND huyện sẽ triển khai thực hiện”.

Đến ngày 09/09/2010, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành văn bản số 2146/UBND – TN&MT. Theo đó, ngày 14/07/2010, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3478/QĐ – UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ, nên việc đề nghị bồi thường tái định cư của gia đình bà Nguyên sẽ được UBND huyện đề nghị UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi đất cả diện tích đất đã giải phóng mặt bằng trước đây để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ.

Tiếp đến ngày 10/01/2011, UBND huyện Thanh Trì lại tiếp tục ban hành văn bản số 18/UBND – TN&MT có nội dung: “Ngày 14/07/2020, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3478/QĐ – UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ, nên việc đề nghị bồi thường tái định cư của gia đình bà Nguyên sẽ được UBND huyện đề nghị UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi đất cả diện tích đất đã giải phóng mặt bằng trước đây để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ.”

Sau đó, ngày 05/08/2014, UBND huyện Thanh Trì đã có văn bản số 1857 gửi UBND TP. Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường có nội dung: “Để đảm bảo quyền lợi về chỗ ăn ở và giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ nhằm ổn định tình hình chính trị tại địa phương, UBND huyện Thanh Trì báo cáo UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét giao đất tái định cư cho các hộ theo diện tích đất của các hộ mà trước kia UBND huyện và UBND xã đã sử dụng để mở rộng mặt bằng cải tạo trạm bơm, dựng cột điện và trạm biến thế điện.”

Tính đến thời điểm hiện tại, bà Phạm Thị Nguyên đã mất vào năm 2020, chồng bà Nguyên là ông Nguyễn Văn Thi được bà Nguyên ủy quyền đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin bồi thường đất thổ cư bị thu hồi phục vụ xây dựng trạm bơm Đông Mỹ cũng đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Do đó, Bà Phùng Thị Thúy Hạnh dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải kế thừa di nguyện của những người đã khuất tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng có liên quan để đòi lại quyền và lợi ích chính đáng của gia đình bà.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.