| Hotline: 0983.970.780

Cò tín dụng náo loạn vùng quê

Bà Điệp là ai, có quan hệ thế nào với cán bộ ngân hàng MSB, HDBank?

Thứ Sáu 17/06/2022 , 10:29 (GMT+7)

Trong nhóm "cò" tín dụng, xuất hiện người phụ nữ tên Nguyễn Minh Điệp, người này là ai và có quan hệ thế nào với cán bộ ngân hàng MSB, HD Bank ?

"Cò Điệp"  chị gái kết nghĩa của "Cò Thiết" ?

Theo nội dung đơn thư tố cáo của người dân nổi lên một người phụ nữ tên Nguyễn Minh Điệp. Người dân cho biết khi được ông Thiết đưa đến ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng MSB, HD Bank tại phòng công chứng. Bà Điệp xuất hiện để hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn. Đồng thời,  ông Thiết cũng giới thiệu mình là “đệ tử”, em kết nghĩa của người phụ nữ này.

Ông Bình và Ông Đạo tại nơi được cho là nhà bà Điệp nơi được ông Thiết đưa đến nhiều lần trước đó. 

Ông Bình và Ông Đạo tại nơi được cho là nhà bà Điệp nơi được ông Thiết đưa đến nhiều lần trước đó. 

Để tìm hiểu thêm về bà Điệp, phóng viên đã có chuyến đi cùng ông Nguyễn Danh Đạo và ông Nguyễn Danh Bình tìm đến nhà Điệp để hỏi về khoản vay của họ.

Đây là hai trường hợp đã từng được ông Thiết đưa đến tận nhà bà Điệp để nhờ vả vay vốn tại ngân hàng HD Bank sau khi ông Lê Quý Hiển rời ngân hàng MSB chuyển sang công tác tại đây.

Căn nhà 507 giờ là trụ sở công ty An Phát. 

Căn nhà 507 giờ là trụ sở công ty An Phát. 

Vào một buổi sáng Chủ nhật đầu tháng 6, theo chân ông Đạo và ông Bình địa chỉ tại 507 đường Hồng Hà, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội ở khu vực ngay chân cầu Chương Dương. Đập vào mắt chúng tôi là căn nhà 507 đóng cửa kín mít, tắt đèn tối om, cửa bị tạt sơn chằng chịt, chúng tôi gọi cửa nhưng không có người trả lời, dường như không có người sinh sống.

Chúng tôi lân la hỏi chuyện về bà Điệp đều bắt gặp ánh mắt ái ngại của những người dân sinh sống nơi đây. Theo bà Giang (nhân vật đã được đổi tên) sinh sống gần đấy cho biết: “chắc nó đi trốn nợ rồi, thỉnh thoảng có người về đây nhưng chẳng ai gặp được cả, thấy có tiếng cửa với thấy đèn một lúc rồi thôi”. Nhiều người dân ở đây cho biết, trước đây có nhiều người đến tìm bà Điệp nhưng cũng không gặp được.

Dấu vết tạt sơn trước cửa căn nhà 507 đường Hồng Hà nơi bà Điệp từng sinh sống. 

Dấu vết tạt sơn trước cửa căn nhà 507 đường Hồng Hà nơi bà Điệp từng sinh sống. 

Chúng tôi cũng tìm đến ông Nam (nhân vật đã được đổi tên) là tổ trưởng tổ dân phố khu vực trên khi nhắc đến tìm bà Điệp, ông Nam lắc đầu và nhận ra ngay: “nhà 507 chứ gì, bây giờ Điệp không có ở đấy đâu và cũng chẳng ai biết bà Điệp ở đâu cả”. Người dân nơi đây cũng cho biết căn nhà 507 trên thực tế cũng không phải nhà bà Điệp, đây là nhà đi thuê và người phụ nữ này cũng đang bị chủ căn nhà trên kiện ra Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm để đòi trả lại nhà vào năm 2020.

Qua tìm hiểu, ngày 1/4/2021, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã ra Thông báo về việc xét xử vụ án cho người vắng mặt tại nơi cư trú trên phương tiện thông tin đại chúng để tìm bà Nguyễn Minh Điệp; sinh năm 1972. Hiện không rõ địa chỉ nơi ăn ở sinh hoạt thường xuyên. Theo thông báo này, TAND quận Hoàn Kiếm đang giải quyết vụ án sơ thẩm về việc “Đòi nhà ở cho thuê số 507 Hồng Hà, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội”, giữa ông Trần Quang Vinh, bà Đỗ Thanh Xuân là chủ căn nhà trên với vợ chồng bà Điệp.

Theo đó, ông Vinh và bà Xuân đã cho vợ chồng bà Điệp thuê căn nhà trên với giá 15 triệu đồng/tháng. Thời hạn thuê nhà là 2 năm kể từ ngày 20/12/2010. Thế nhưng đến tận bây giờ vợ chồng bà Điệp vẫn không trả nhà. Trước đó, vụ việc đã được ông Hùng, bà Xuân đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm giải quyết nhưng không có kết quả.

“Lừa nhiều lắm chứ không riêng gì ở Quốc Oai”

Để làm rõ hơn về người phụ nữ Nguyễn Minh Điệp, chúng tôi đã tìm đến gia đình bà Xuân hiện đang cư trú tại nhà của bố mẹ tại ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, TP. Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Xuân cho biết: “bà Điệp lừa rất nhiều người chứ không riêng gì người dân tại Quốc Oai, theo tôi được biết ngoài tôi còn lừa cả người dân Hà Tây, hôm tôi đi uống cà phê bên chợ Gạo đối diện đường Hồng Hà cũng gặp nhiều trường hợp là nạn nhân của bà Điệp”. "Sau này người ta biết căn nhà 507 là nhà của tôi không thì căn nhà đấy bị lấy lâu rồi", bà Xuân kể. 

Bà Xuân trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Bà Xuân trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Cũng theo bà Xuân, hiện nay gia đình bà đang bị bà Điệp chiếm đoạt 2 căn nhà cùng nhiều tiền của trong đó có căn nhà 507 đường Hồng Hà. Theo đó, trong vụ kiện đòi nhà năm 2021, khi gần được giải quyết xong và tiến hành cưỡng chế. Bà Điệp bỗng dưng có đơn khởi kiện: “Yêu cầu tuyên bố giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất vô hiệu; yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa bà Điệp và bà Xuân từ những năm 2010.

Bà Xuân cho biết, trước đó căn nhà 507 bà Xuân đã bán cho bà Điệp, sau đó bà Xuân lại mua lại căn nhà này và cho bà Điệp thuê lại. Theo bà Xuân, hiện nay bà Xuân cũng đang bị bà Điệp chiếm căn nhà số 9 Quán Thánh khi bà Điệp đưa người nhà vào ở và không trả nhà.

“Tôi là chủ nhà mà nhà họ chây ỳ không trả bao nhiêu năm nay, giờ gần đòi được thì kiện ngược, chồng tôi đau yếu không đến đôi co với họ được, lần trước đến họ còn đuổi đánh, bao nhiêu năm nay gia đình tôi đến khổ vì bà Điệp, vợ chồng chúng tôi làm ăn tự do không có lương hưu, dự định sử dụng căn nhà 507 cho thuê để có lương hưu sống qua ngày. Vậy mà bao nhiêu năm nay bà Điệp vẫn cứ chiếm dụng không trả cho chúng tôi. Giờ vợ chồng tôi mang tiếng là có 2 căn nhà vậy mà phải đi ở nhờ nhà bố mẹ”, bà Xuân bức xúc.

Ngoài ra, bà Xuân cũng cho biết thêm, trước đây, trong quá trình giao dịch với bà Điệp, bà cũng được giục ra phòng công chứng từ rất sớm từ 6-7g sáng nhưng phải ngồi chờ gần đến trưa mới được gọi vào làm việc. Nếu đến buổi chiều thì lại phải ngồi chờ đến 6-7g tối, cán bộ ngân hàng còn làm cả ngoài giờ.

“Lúc đấy họ cho ngồi chờ đói mềm ra rồi, mệt rồi, hoa mắt rồi, thì họ đưa cái gì cho ký thì cũng chả buồn đọc, ký đại đi rồi về, bọn tôi ít chữ nên cũng chẳng bao giờ để ý. Nếu đi sáng thì chờ đến trưa, đi chiều thì chờ đến gần tối, lúc đến tôi thấy bà Điệp đi vào liên hệ gọi điện với ai mà lâu lắm đến mấy tiếng đồng hồ, rồi bắt tôi đưa hết sổ đỏ giấy tờ cho bà Điệp để vào làm việc trước”, bà Xuân kể. Đây là thủ đoạn tương tự đã xảy ra đối với người dân Quốc Oai như đã nêu ở bài trước.

Mặt khác, bà Xuân cũng cho biết thêm, trước đây khi biết bà hay đi làm việc ở ngoài đê. Bà Điệp hay nhờ bà Xuân tìm hỏi hộ những người lao động tự do lên thành phố mưu sinh cho thuê mượn giấy tờ tùy thân. Theo đó, mỗi giấy chứng minh nhân dân thì được trả 2 triệu đồng. “Sau này tôi mới biết, bà Điệp thuê mượn những giấy tờ này để lập các công ty, sau nhiều trường hợp cũng khóc dở, mếu dở, điêu đứng vì trót đưa giấy tờ cho bà Điệp”, bà Xuân kể.

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất