| Hotline: 0983.970.780

Nghĩa trang, tầm nhìn trăm năm

Bài cuối: Gian nan chuyện đưa người chết vào… ở 'chung cư'

Thứ Sáu 27/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Người quản lý lách cách mở cửa rồi vồn vã lấy cái thang bắc cho ông Phú ghé thăm căn hộ của mẹ mình với món quà mang theo là một thẻ hương.

Ông Phú (bên trái) đang bắt tay quản trang của 'chung cư cho người chết'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phú (bên trái) đang bắt tay quản trang của "chung cư cho người chết". Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thì việc thực hiện tiêu chí môi trường cũng như hỏa táng, tang văn minh trong xây dựng nông thôn mới rất quan trọng.

Cách mà huyện Đan Phượng quy hoạch nghĩa trang, khuyến khích hỏa táng và gửi tro cốt vào các nhà để tro cốt cấp xã đáng để các địa phương khác học tập theo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Người phá tan luật tục

Gần nhưng ông Nguyễn Quang Phú ở làng Trung (xã Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội) hết bận cháu rồi trông xưởng nên mỗi năm chỉ đôi ba lần dịp thanh minh hay giỗ tết mới ra thăm mẹ tại “chung cư cho người chết” - tức nhà để tro cốt của xã mới khánh thành hai năm trước.

Còn ông Nguyễn Hợp Đính quản trang ở đây thì mồng một, hôm rằm nào cũng thắp hương hết lượt cho 10 chủ nhân của 10 ngôi nhà, hàng tuần lại vệ sinh sao cho thật sạch sẽ.

Ông bảo: “Tại đây có 480 nhà tức 480 ô để tro cốt nhưng mới chỉ có 10 cụ về ở thôi, trong đó có 2 cụ ở Hà Nội (gốc Liên Trung) về phải nộp đóng một khoản để duy tu, bảo dưỡng, còn 8 cụ hộ khẩu trong xã được miễn phí, mỗi năm con cháu chỉ mất 100.000 đồng tiền quét dọn vệ sinh, thắp nhang.

Cụ Hoàng Đức Đạt sau khi được đưa về đây, con cháu thấy thích quá mới nhận luôn một ô bên dưới nên chúng tôi phải để miếng ván đánh dấu tại đó đấy!”.

Tôi ngó quanh một vòng “chung cư cho người chết”, ngoài hai dãy nhà chứa tro cốt còn có nhà làm lễ, phòng bảo vệ và hai khu đất dự phòng để xây thêm nếu khu cũ đã kín chỗ. Tiểu đựng tro cốt được đặt trong những ô có cửa bằng bê tông, bên ngoài là bia đá và bát hương.

Ông Phú đang thắp hương viếng mẹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phú đang thắp hương viếng mẹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phú đang thắp hương viếng mẹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phú đang thắp hương viếng mẹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ít ai ngờ, chủ trương xây dựng “chung cư cho người chết” quy mô xã đầu tiên trong cả nước này lại được lãnh đạo địa phương quyết nhanh đến vậy.

Anh Hoàng Anh Tâm - Phó Chủ tịch UBND Liên Trung lý giải: Xã chúng tôi đất chật, người lại đông, gần 8.000 khẩu mà chỉ có khoảng 3ha nghĩa trang nên chỗ chôn sắp cạn kiệt, bắt buộc phải nghĩ đến cách ấy. Năm 2017 xã tổ chức hai cuộc họp bàn chuyện xây nhà để tro cốt và sau đó mở cuộc họp toàn dân cùng với 5 - 6 cuộc họp xen kẽ của các ban ngành, đoàn thể.

Chúng tôi đi tham quan cách người ta để tro cốt ở nghĩa trang Văn Điển và Ba Vì nhưng không áp dụng bởi người ta cho vào hũ dễ bị vỡ, thất lạc còn chúng tôi cho vào tiểu giống như truyền thống. Để khuyến khích, ngoài thành phố, huyện hỗ trợ xã cũng hỗ trợ cho mỗi ca 2 triệu trong đó 1 triệu cho hỏa táng, 1 triệu cho để tro cốt.

Giờ tỷ lệ hỏa táng của Liên Trung đứng đầu huyện, khoảng 90% và cũng đứng đầu về để tro cốt tập trung. Thuận lợi là sự đồng lòng của dân, là diện tích dành cho nghĩa địa không còn nữa, là sự ủng hộ của các nhà chùa, bí thư chi bộ, trưởng thôn… Còn khó khăn là vẫn có khoảng 10% thích hung táng, bốc mộ rồi lại xây mộ để mong cho con cháu phát đạt…

Ông Nguyễn Văn Luyến - Trưởng thôn Hạ: Đặt vào nhà để tro không tốn kém gì nhưng vận động rất khó. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Luyến - Trưởng thôn Hạ: Đặt vào nhà để tro không tốn kém gì nhưng vận động rất khó. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Luyến - Trưởng thôn Hạ với 700 hộ kể: Ca hỏa táng đầu tiên của làng khoảng 7 - 8 năm trước và 2 năm nay đạt tỷ lệ 100%.

Sau khi hỏa táng rồi đem về chôn thấy diện tích mộ vẫn thế, xây ít nhất phải 1m2 tốn kém 10 - 12 triệu chưa kể nhiều lễ như hạ huyệt, khánh thành mộ, hoàn thổ nên gửi tro vào chỗ tập trung là tốt nhất. Khảo sát một chùa ở gần đây có xây tháp để tro, tầng 1 giá 60 triệu, tầng 2 giá 45 triệu, tầng 3 giá 40 triệu… Đắt quá!

Từ khi xã xây xong nhà để tro cốt, đã chẳng tốn kém gì mà còn được hỗ trợ thêm nhưng việc vận động để đưa vào không đơn giản một chút nào: “Gia đình đồng ý đã đành mà còn dòng họ, còn anh trên, em dưới, chỉ một hai người có ý kiến là đã khó. Như trường hợp mẹ ông Nguyễn Văn Cử, khi cụ mất người nhà đã định đem chôn nhưng chúng tôi vẫn đến vận động.

Nghe mấy từ hỏa táng mấy người con đã khóc to vì thương, mất hai ngày làm tư tưởng, lấy quyền của con trưởng, ông Cử đã quyết định cho mẹ mình đi hỏa táng.

Thấy thế chúng tôi dấn thêm một bước: “Nghĩa trang làng đất chật mà người chết mỗi năm 18 - 20 ca sẽ không đủ chỗ chôn, ông đưa cụ lên nơi an nghỉ cao tầng xã mới xây xong cho tiện lại tiết kiệm. Mình đăng ký đầu tiên thì người ta xếp cho hàng một”. Đó là ca đầu tiên của làng được đưa vào nhà để tro cốt, sau còn thêm một ca nữa”.

Nhà để tro cốt mới khánh thành của xã Liên Hà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà để tro cốt mới khánh thành của xã Liên Hà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Quang Phú vốn là công nhân giao thông, được đi lại mở mang tầm mắt nhiều nên hồi địa phương mới xây nhà để tro đã ra thăm và về nhà thuyết phục mẹ đang ốm nặng: “Mẹ ơi bây giờ xã hội tiến bộ rồi, khi khỏe con người ta lao động góp sức xây dựng gia đình, xã hội đến khi mất đi, tâm hồn còn để lại trong ký ức của con cháu còn thể xác thì tiêu tan. Nếu sau này mẹ mất thì đi thì hỏa táng rồi đưa vào nhà để tro của xã nhé!”. Bà gật đầu.  

Hỏa táng về, cả gia đình ông đều ngạc nhiên khi thấy cán bộ huyện, xã có mặt đầy đủ, đã thế ngoài phần hỗ trợ hỏa táng của thành phố 4 triệu, huyện 2 triệu, xã 2 triệu còn được thêm vì là ca đầu tiên đưa vào nhà để tro cốt.

“Chôn đã tốn kém, mất thời gian chờ đợi lại khi bốc mộ con cháu phải mò mẫm trong những thứ bẩn thỉu có thể lây bệnh. Đằng này hỏa táng, đưa vào nhà để tro rất tiện và sạch, đi tảo mộ cũng thế, chỉ cần báo quản trang mở cửa là xong. Tôi nay ngoài 70 tuổi, đã dặn con cháu rồi, sau này bố chết thì cho vào đây theo cụ”.

Một khu mộ của nhánh họ với 56 ngôi chưa có cốt bên dưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một khu mộ của nhánh họ với 56 ngôi chưa có cốt bên dưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đính dẫn tôi ra nghĩa địa làng để xem tình trạng mộ ken kín mộ, không ít trong số đó là do sự bao chiếm của các gia đình, dòng họ từ trước.

Dừng chân trước bức tường vây quanh khu mộ của một nhánh họ rộng chừng 200m2, ông đếm được 56 ngôi chưa có bia, tức bên dưới không có cốt.

Trong khi đó, ở bên ngoài, khe hở giữa hai ngôi mộ rộng chừng 1m người ta còn tận dụng đào hố chôn chêm vào với tâm lý muốn được tiếp đất cho mát mẻ.

Là quản trang kiêm thành viên ban bát âm nên ông Đính hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn trong cuộc vận động đưa người chết vào “chung cư”: “Có cụ ở làng Trung đã đăng ký miệng, đặt chỗ cho cả hai vợ chồng nhưng khi ông mất con cái đưa đi hỏa táng rồi đặt thẳng xuống đất chỗ mà người ta đã giữ sẵn, trũng đến mức mới chỉ đào 30cm nước đã ào vào, hạ huyệt phải lấy chậu múc nhưng vừa bỏ tiểu xuống là nước lại trào tan hết cả tro. Chôn như thế chẳng khác gì chôn trong vũng trâu đằm?

Người ta bảo hỏa táng là nóng, tôi phản biện lại rằng lúc sống thì xác và hồn chung nhưng chết hồn lìa khỏi xác rồi, thiêu đi có biết gì nữa? Người ta bảo đưa vào nhà để tro cốt ra đóng vào khóa chẳng khác gì ở tù, tôi phản biện lại rằng có bao ô thoáng bên trên tha hồ các “cụ” ra vào tự do. Làm quản trang ngày ra trông coi, vệ sinh, có bận tối còn phải ngủ lại để canh phòng bọn nghiện nhưng chỉ được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng nên tôi ra đây không phải vì tiền mà vì lòng thiện.

Khuyến mãi lớn mà vẫn chưa ai “mở hàng”

999 ô chưa có một ca nào được đặt. Ảnh: Dương Đình Tường.

999 ô chưa có một ca nào được đặt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi theo chân ông Nguyễn Văn Từ quản trang của xã Liên Hà ra “chung cư cho người chết” có diện tích gấp nhiều lần của xã Liên Trung với nhà để tro cốt mỗi dãy 5 tầng, tổng 999 chỗ.

Chưa có ca nào được đặt nên ông bảo cửa cũng chẳng cần phải khóa: “Có cụ quê ở đây sau đi kinh tế mới trong Lâm Đồng, lúc còn khỏe về đã dặn khi nào chết đặt tro cốt vào nhà nhưng khi chết, con cháu không đồng ý vì vẫn có đất ngoài nghĩa trang đợi sẵn…”.

Chị Lê Thị Tuyết - Bí thư xã Liên Hà cho biết cũng tương tự như Liên Trung, địa phương nằm trong quy hoạch đô thị, đất nghĩa trang đã cạn nên năm 2018 khởi công khu nhà để tro cốt trị giá hơn 8 tỉ đồng đến đầu năm 2020 thì khánh thành.

Với 999 ô được quy hoạch cho tỷ lệ mất khoảng hơn 40 người của tổng dân số 9.000 khẩu trong hơn 20 năm nhưng tới nay vẫn chưa có trường hợp nào “mở hàng” dù đã treo khuyến mãi ca đầu tiên vào sẽ được hỗ trợ 5 triệu, thứ hai được 4 triệu, thứ ba được 3 triệu, thứ tư được 2 triệu, thứ năm được 1 triệu.

Chị Lê Thị Tuyết - Bí thư xã Liên Hà: Chúng tôi đã vận động nhiều nhưng chưa được ca nào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lê Thị Tuyết - Bí thư xã Liên Hà: Chúng tôi đã vận động nhiều nhưng chưa được ca nào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cái khó nhất là thay đổi nhận thức chết là phải được đào sâu, chôn chặt của bà con. Mấy tháng nay xã vận động qua gọi loa, qua các cuộc họp, tuần trước còn tổ chức hẳn một hội nghị tang văn minh mời cả nhà sư ở Hội Phật giáo huyện về giảng ý nghĩa của hỏa táng, để vào nhà tro cốt nhưng vẫn chưa thấy ai đăng ký.

Huyện Đan Phượng có tổng diện tích 77,3km2, dân số gần 170.000 người, hàng chục năm nay do quy hoạch đô thị nên các xã không được phép mở rộng nghĩa trang, đất chôn đã sắp cạn kiệt khiến Liên Trung rồi Liên Hà phải xây nhà để tro cốt, Hạ Mỗ sắp khởi công, còn 2/3 số xã khác cũng đang tính toán. Dự báo khi những diện tích đất xen kẹt trong các nghĩa trang truyền thống 1 - 2 năm tới được sử dụng hết, phải đóng cửa thì bắt buộc phải chuyển vào nhà lưu trữ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.