| Hotline: 0983.970.780

Bỏ giấy phép lái xe, không chấp hành xử phạt

Thứ Sáu 02/06/2017 , 08:30 (GMT+7)

Thời gian qua, theo báo chí phản ánh thì tình trạng người vi phạm giao thông khi bị Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt, tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) để chấp hành quyết định xử phạt (QĐXP) nhưng rất nhiều trường hợp người vi phạm không chấp hành và bỏ GPLX...

Hành vi đó gây khó khăn, quá tải cho cơ quan xử lý vi phạm giao thông trong việc lưu trữ GPLX và hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến việc xử phạt.

Người vi phạm bị xử phạt không chấp hành, bỏ lại GPLX xuất phát từ nhiều lý do như người vi phạm có nơi cư trú xa với nơi tạm giữ GPLX, nếu quay lại lấy thì rất mất thời gian, gây tốn kém, thay vào đó họ có thể báo mất để được cấp lại GPLX, thủ tục vừa gọn nhẹ, tiện lợi. Bên cạnh đó, do số tiền nộp phạt cao nhiều lần so với lệ phí đề nghị cấp lại GPLX nên người vi phạm thường bỏ GPLX xảy ra phổ biến (theo quy định lệ phí xin cấp lại GPLX hạng A1 cũng bằng tiền làm bằng lái xe là 135.000 đồng).

Tình trạng trên cần phải có biện pháp khắc phục, nếu không người vi phạm sẽ “nhờn luật”, ý thức người tham gia giao thông không được nâng lên; dẫn đến tình trạng thực thi các quy định của pháp luật không nghiêm; tình trạng tồn đọng GPLX ở cơ quan xử lý vi phạm giao ngày càng tăng lên, khó giải quyết, dễ thất lạc hoặc nguy cơ hư hỏng. Để chấn chỉnh tình trạng này, theo tôi cần tập trung vào những giải pháp sau:

Thứ nhất, khi ra QĐXP người vi phạm giao thông, CSGT cần phải xác định rõ nơi cư trú (thường trú, tạm trú), cơ quan, đơn vị công tác, điện thoại liên lạc, người thân của người vi phạm… Nếu người vi phạm không chấp hành QĐXP, không đến nhận GPLX thì gọi điện thoại liên lạc, yêu cầu người vi phạm đến nộp phạt. Nếu người vi phạm vẫn không chấp hành thì ra quyết định cưỡng chế thi hành QĐXP theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quyết định được gửi đến nơi cư trú, công tác của người vi phạm để đề nghị phối hợp trong việc thi hành QĐXP; có thể vận động gia đình, nơi công tác của người vi phạm nộp thay hoặc có thể phối hợp với ngân hàng khấu trừ tài khoản của người vi phạm (nếu có). Đồng thời, các trường hợp người vi phạm “chây ì” không nộp phạt thì phải “bêu tên” người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, răn đe người vi phạm.

Thứ hai, cơ quan xử lý vi phạm giao thông cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người vi phạm được chấp hành QĐXP một cách nhanh chóng, tiện lợi như người vi phạm có thể chấp hành QĐXP thông qua bưu điện, thông qua internet hoặc nộp phạt qua tài khoản ngân hàng…

Thứ ba, cần phải xây dựng hệ thống phần mềm kết nối dữ liệu giữa cơ quan xử lý vi phạm giao thông với cơ quan cấp GPLX. Các thông tin của người vi phạm giao thông nhưng chưa chấp hành QĐXP, còn tạm giữ GPLX phải được thông tin đến cơ quan cấp GPLX. Khi nhận được đề nghị của người dân về việc cấp lại GPLX nhưng phát hiện chưa chấp hành QĐXP và bỏ GPLX tại cơ quan xử lý vi phạm giao thông thì phải kiên quyết từ chối và đề nghị chấp hành QĐXP.

Nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp nêu trên thì tình trạng người vi phạm pháp luật giao thông bỏ GPLX sẽ hạn chế, các QĐXP vi phạm giao thông sẽ được tôn trọng và chấp hành.

(Kon Tum)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.