| Hotline: 0983.970.780

Bộ Y tế hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm

Thứ Bảy 27/05/2023 , 17:04 (GMT+7)

Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trên cả nước.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, ngay sau khi Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM (ngày 21/5) và Bệnh viện Chợ Rẫy (ngày 23/5), Bộ đã ngay lập tức liên hệ với các nhà cung ứng thuốc trong nước, nước ngoài và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có thuốc chữa trong thời gian sớm nhất có thể.

Song song đó, để đẩy nhanh tiến độ nhận thuốc, Bộ Y tế đã chủ động liên hệ với WHO đề nghị hỗ trợ tìm kiếm từ kho dự trữ thuốc trong khu vực và trên toàn cầu để có thể đáp ứng thuốc điều trị trong nước sớm nhất.

Ngay lập tức, WHO thông báo hiện còn 6 ống thuốc tại kho toàn cầu ở Thụy Sỹ và lập tức cử 1 chuyên gia chuyển thuốc về Việt Nam ngay trong ngày.

Đến ngày 24/5, thuốc đã được chuyển về Việt Nam và Bộ Y tế đã ngay lập tức chuyển cho các cơ sở y tế để điều trị cho bệnh nhân.

Nói về kế hoạch dự trữ thuốc hiếm của Bộ Y tế trong thời gian tới, ông Lê Việt Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến 3 - 6 trung tâm trên cả nước.

"Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15 - 20 loại và botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này", Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược thông tin.

Cũng theo ông Dũng, Cục Quản lý Dược cũng đang họp với WHO nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO.

"Hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó, Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm", ông Lê Việt Dũng nói.

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) có giá dao động từ 6.000 - 8.000 USD/lọ, là loại thuốc hiếm. 

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) có giá dao động từ 6.000 - 8.000 USD/lọ, là loại thuốc hiếm

Trước đó, năm 2020-2021 bùng phát ngộ độc botulinum ở nhiều tỉnh, thành và đều được xác định có nguồn gốc từ sản phẩm patê Minh Chay. Lúc này, ngành y tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng thiếu thuốc giải độc. Các trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) phải vận chuyển các lọ thuốc giải độc cuối cùng đến nơi có ca bệnh nhập viện.

Thời điểm này, WHO cũng tài trợ 2 đợt với 12 lọ thuốc giải độc botulinum. Đây là loại thuốc rất hiếm, có giá dao động từ 6.000 - 8.000 USD/lọ. 

Giữa tháng 3/2023, tại Quảng Nam ghi nhận ba chùm ca ngộ độc botulinum khiến 10 người phải nhập viện cấp cứu do ăn món cá chép muối ủ chua để lâu ngày. Kết quả xét nghiệm mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện xác định trong món ăn này có chứa clostridium type E. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phải vận chuyển các lọ thuốc cuối cùng ra Quảng Nam cứu bệnh nhân ngộ độc. Và lúc này, Việt Nam chỉ còn lại 2 lọ thuốc giải độc botulinum cuối cùng.

Ngày 13/5, TP.HCM ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc botulinum, trong đó 5 người (3 trẻ em, 2 người lớn) cùng ăn bánh mì cùng giò lụa mua của người bán dạo và 1 trường hợp ăn món mắm để lâu năm (đã tử vong). Hai lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cuối cùng được vận chuyển từ Quảng Nam vào TP.HCM để cứu 3 bệnh nhi. Hiện 1 bệnh nhi đã hồi phục, 2 bệnh nhi khác đang trong quá trình tập sức cơ, tự thở được, còn 2 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn trong tình trạng nguy kịch vì quá thời gian truyền thuốc giải độc.

Phòng chống ngộ độc do botulinum

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt;

Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.