| Hotline: 0983.970.780

Đa lợi ích từ chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ Sáu 01/04/2022 , 15:02 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm góp phần phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm góp phần phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Minh Hậu.

54 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAHP

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đến người chăn nuôi các quy trình thực hành chăn nuôi tốt để nâng cao giá trị sản xuất và phòng ngừa dịch bệnh. Theo đó, địa phương này đã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đối với chăn nuôi heo, gia cầm, chăn nuôi bò thịt, bò sữa và nuôi ong.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, đến nay, toàn tỉnh có 54 cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi VietGAHP. Trong đó, có 2 cơ sở chăn nuôi gà an toàn sinh học, 2 cơ sở chăn nuôi heo thịt, 3 cơ sở nuôi cá tầm và 47 cơ sở nuôi ong mật và 2 cơ sở chăn nuôi bò sữa được cấp giấy chứng nhận Oganic.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho hay, hiện nay ngành nông nghiệp đã và đang hướng dẫn người dân xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas. Phương pháp này đang được người chăn nuôi quan tâm áp dụng cho cả mô hình trang trại lẫn chăn nuôi nông hộ. Cũng theo ông Long, phương pháp này vừa bảo vệ được môi trường lại vừa có thể thay thế chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình và trang trại chăn nuôi.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo và hướng dẫn người dân xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lợn. Theo đó, các trang trại sẽ áp dụng chế phẩm sinh học để phối trộn thức ăn hoặc phun trực tiếp vào chuồng nuôi, hố ủ phân hoặc cho vào hệ thống nước thải để giảm mùi hôi.

Tỉnh Lâm Đồng có 54 cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Ảnh: M.H.

Tỉnh Lâm Đồng có 54 cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Ảnh: M.H.

"Ngành chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng xác định, việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa dịch bệnh. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Đối với phương pháp này, người dân sẽ sử dụng các phế phụ phẩm như phôi bào, mùn cưa, rơm rạ, trấu… làm đệm lót và có bổ sung chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường". Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết.

Cũng theo ông Long, công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học là hướng đi mới và địa phương đã thu được những kết quả bước đầu là không gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, giảm bệnh tật, đàn gia súc tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt được người ưa chuộng và giá bán cao hơn. Đây là mô hình mang lại hiệu quả và phù hợp với quy mô chăn nuôi gà, lợn nông hộ.

Cùng với việc phát triển các phương pháp chăn nuôi nói trên, hiện nay người dân ở Lâm Đồng cũng chú trọng vào khâu xử lý chất thải bằng cách ủ phân hữu cơ. Với cách làm này, tình trạng phát sinh mùi hôi, khí độc được hạn chế đến mức tối thiểu. Cách làm này đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi khi vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi vừa có thể tận dụng chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho trồng trọt.

"Trước đây, nông dân thường ủ phân chuồng bằng cách ủ nóng, ủ nguội. Tuy nhiên, thời gian để phân hoai mục lâu nên hiện nay người nông dân áp dụng cách ủ phân có bổ sung chế phẩm vi sinh để thúc đẩy phân mau hoai mục hơn bằng cách sử dụng các chế phẩm có chứa vi sinh vật có tính năng phân giải chất hữu cơ", ông Phạm Phi Long cho hay.

Theo ông Phạm Phi Long, thời gian qua, dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên khắp cả nước, gây thiệt nặng nề cho ngành chăn nuôi và tỉnh Lâm Đồng cũng bị ảnh hưởng. Nhờ biện pháp chăn nuôi heo sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn và kết hợp với biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên dịch tả heo châu Phi ở địa phương nhanh chóng được khống chế, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do dịch bệnh này gây ra.

Hiện nay, đàn gia cầm của tỉnh Lâm Đồng hiện ở vào khoảng 9,7 nghìn con. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, đàn gia cầm của tỉnh Lâm Đồng hiện ở vào khoảng 9,7 nghìn con. Ảnh: Minh Hậu.

Từ an toàn sinh học sẽ tiến tới hữu cơ

Từ những lợi ích mang lại, hiện nay ngành chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng thực hiện kế hoạch từng bước chuyển dần hình thức chăn nuôi cũ sang quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó là tổ chức chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại vừa đến quy mô lớn theo phương pháp sản xuất hàng hóa. Tỉnh cũng khuyến khích người dân và lên kế hoạch phát triển mô hình chăn nuôi tiên tiến, công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Do vậy, ngoài việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ngành chăn nuôi đang triển khai xây dựng các mô hình, khuyến cáo chăn nuôi theo hướng hữa cơ nhằm giảm nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

"Chúng tôi đang hướng đến phương pháp chăn nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển chăn nuôi hướng tới đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic nhằm đạt được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm", ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết.

Cùng với việc thực hiện các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung xây dựng công tác xử lý khi có dịch bệnh. Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân khi phát hiện gia súc, gia cầm chết, chết hàng loạt phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết và gọi điện thoại đến đường dây nóng của tỉnh để xử lý kịp thời. Không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra khu vực ao hồ xung quanh trại, không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh.

Ngành nông nghiệp cũng cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm khi có dịch. Đồng thời thành lập chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn người, phương tiện ra vào khu có dịch. Bao vây, khống chế, tiêu hủy xác gia súc, gia cầm chết nghi mắc bệnh nguy hiểm bằng cách chôn, đốt theo quy định. Tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh ổ dịch bằng vôi bột hoặc hóa chất. Tiêm phòng cho toàn bộ gia súc, gia cầm xung quanh vùng có dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện tổng đàn gia súc của địa phương ở vào khoảng 540.000 con, trong đó, đàn trâu khoảng 13.000 con; đàn bò gần 100.000 con (bao gồm bò sữa 25.000 con, bò thịt 75.000 con); đàn lợn khoảng 416.000 con; dê 13.000 con và gia cầm khoảng 9,7 triệu con.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.