Chưa đủ thủ tục đã ồ ạt thi công
Dự án nhà máy sản xuất cát nhân tạo được thực hiện tại khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường và xã Trường Lâm (thị xã Nghi sơn, tỉnh Thanh Hóa) do Hợp tác xã vận tải Kinh Gia làm chủ đầu tư. Dự án được chấp thuận chủ trương năm 2021 với tổng vốn đầu tư là 76 tỷ đồng. Dự án có diện tích sử dụng đất hơn 4ha.
Theo phản ánh của người dân, dù dự án mới chỉ có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng chủ đầu tư dự án đã ngang nhiên đưa nhân công, máy móc, thực hiện san gạt mặt bằng, xây dựng trụ móng...
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 28/1/2024, Đội kiểm tra quy tắc xây dựng thị xã Nghi Sơn, phối hợp với Phòng Quản lý đô thị đã trực tiếp kiểm tra hiện trạng mặt bằng. Qua kiểm tra phát hiện đơn vị thi công đã xây móng tường với chiều dài 44m, chiều cao 0,5m. Ngoài ra, theo xác nhận của của cơ quan chức năng, thời điểm thi công dự án nhà máy sản xuất cát nhân tạo tại Khu kinh tế Nghi Sơn, chủ đầu tư chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất và cấp giấy phép xây dựng.
Từ căn cứ trên, UBND thị xã Nghi Sơn đã yêu cầu Hợp tác xã vận tải Kinh Gia dừng việc xây dựng trên mặt bằng dự án, chấp hành nghiêm các quy định về xây dựng và đất đai. Giao UBND xã Tân Trường giám sát việc chấp hành pháp luật của Hợp tác xã vận tải Kinh Gia. Trường hợp đơn vị không chấp hành, đề nghị địa phương lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Mặc dù chỉ đạo là vậy, thế nhưng theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, sáng ngày 7/3 tại mặt bằng dự án xuất hiện nhiều máy móc, thiết bị tập kết, phục vụ việc san gạt nền. Kế bên là lực lượng công nhân đang thi công hố móng, cùng hàng trăm khối đất, đá chất thành đống chờ thi công. Hiện nay, mặt bằng dự án cơ bản đã được cải tạo, san gạt bằng phẳng. Dù đơn vị thi công khi chưa được cho phép, nhưng không có bất cứ lực lượng chức năng nào có mặt tại hiện trường để ngăn chặn hành vi trên.
Chưa hỗ trợ người dân ổn định đời sống
Theo Ban giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thị xã Nghi Sơn, để thực hiện dự án trên, 11 hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, đến nay đã được đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, ngoài khoản tiền đền bù đất, tại xã Tân Phúc còn nhiều hộ dân chưa được nhận tiền hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm sau khi thu hồi đất.
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (thôn Tân Phúc, xã Tân Trường) có 6 sào đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án, tương ứng số tiền được đền bù là hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, sau khi nhận khoản tiền đền bù đất, gia đình bà cùng nhiều hộ dân khác vẫn "ngóng" khoản tiền trên.
"Gia đình đồng ý chủ trương thu hồi đất đề làm dự án và bàn giao đất theo quy định sau khi nhận được tiền bồi thường. Tuy nhiên, gần 1 năm nay chúng tôi chưa nhận số tiền hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm sau khi thu hồi đất. Người dân đề nghị chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý để chi trả cho gia đình khoản tiền trên để ổn định đời sống", ông Nguyễn Hữu Quý (con trai bà Phượng) cho biết.
Về việc này, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết: “UBND xã đang rà soát và lập danh sách các hộ dân trong diện hỗ trợ ổn định đời sống và hỗ trợ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi thu hồi đất nông nghiệp, trình cấp có thẩm quyền để chi trả cho người dân. Đây là chính sách của nhà nước nên quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo”.
Theo phản ánh của người dân tuyến đường dân sinh đi qua dự án thuộc diện hoàn trả vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho người dân khi di chuyển qua khu vực này. Vấn đề này cần sớm được UBND xã Tân Trường và chủ đầu tư dự án xem xét, giải quyết kịp thời.