| Hotline: 0983.970.780

Chuyện dưới chân núi Pha Luông [Bài 2]: Cầm quyền chủ tổ tiên cũng bị bắt vì... nghiện

Thứ Tư 27/09/2023 , 06:15 (GMT+7)

Cầm quyền chủ tổ tiên là người to hơn trưởng bản bởi quyết định việc tâm linh của cả họ. Ông Giàng A Ch ở bản Pha Luông là một người như vậy.

Nhà của ông cầm quyền chủ tổ tiên Giàng A Ch ở lưng chừng núi Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà của ông cầm quyền chủ tổ tiên Giàng A Ch ở lưng chừng núi Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Có tuổi vẫn hút thuốc phiện, viên hồng

Lúc tôi đến, ông cầm quyền chủ tổ tiên Giàng A Ch mới bị công an bắt… đi tù được mấy tháng vì tội tàng trữ ma túy. Ngôi nhà của ông dưới lưng chừng núi Pha Luông (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vì thế suốt ngày cửa đóng then cài, lối vào cỏ mọc che gần lấp mất. Giàng A Sợi - công an viên kể bản Pha Luông cũ có 86 hộ thì 42 hộ nghèo, 4 người nghiện đang cai tại tỉnh, khoảng 7 người buôn bán ma túy đã bị bắt. Ông cầm chủ tổ tiên Giàng A Ch một buổi đi nương về, gặp đội công an phòng chống ma túy của huyện lên, thấy bộ dạng mặt mũi đen xì, đi đứng dáng khác lạ vì đang nhịn thuốc mới bắt, khám xét được ma túy đang giấu ở trong người. Còn trường hợp Giàng A V cũng nghiện nặng, vợ mất, con đi làm xa, trông mấy đứa nhỏ, hễ thấy bóng dáng công an lại lủi trốn vào rừng nên vẫn chưa bị bắt…

Chưa bao giờ trong đời tôi lại thấy ai có nhiều giấy khen như thế. Vách nhà của trưởng bản Pha Luông treo đến 40 cái giấy khen mà vẫn chưa đủ chỗ nên anh Sồng A Tủa mới phải tháo cái gác xép ra để sắp tới treo thêm cỡ 30 cái giấy khen nữa vẫn đang xếp đống ở một góc.

“Xưa ở bản Pha Luông cũ thuộc xã Lóng Sập, năm 2003 cháy mất nhà, cháy luôn 10 cái giấy khen chứ không bây giờ mình phải có khoảng 80 cái đấy”, Sồng A Tủa cười và giải thích với tôi bằng thứ giọng Kinh lơ lớ về chuyện tại sao những giấy khen về thành tích phá cây thuốc phiện không còn, chỉ giữ được giấy khen về phá hủ tục và nay là phát triển kinh tế.

Đường lên bản Pha Luông cũ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đường lên bản Pha Luông cũ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sinh năm 1966, từ năm 1990 anh đã làm trưởng bản liên tục đến nay đã là 33 năm mà không ai thay thế được dù không hề biết chữ, dạy mãi cũng chỉ biết viết nghệch ngoạc mỗi từ Tủa để ký. Bản lọt thỏm giữa rừng nên bốn không - không điện, không đường, không trường học, không trạm xá. Trước đây người Mông chưa biết làm ruộng, chỉ đốt nương làm rẫy rồi trồng cây thuốc phiện. Pha Luông trở thành một trong những bản trồng nhiều thuốc phiện nhất vùng.

Bản có 42 hộ thì có 40 cái bàn đèn, có nhà cả hai vợ chồng đều nghiện, nằm hút thuốc phiện xám cả mặt. Năm 2003 được Đảng và Nhà nước vận động, người Mông từ bản cũ xuống bản mới khai hoang rồi biết làm ruộng bậc thang như người Thái, nhưng cuộc chiến với ma túy tới nay vẫn vô cùng phức tạp.

“Giàng A V, Phàng A T hai thằng nghiện nặng, thấy công an thì trốn vào ngủ trong hang, trong rừng, công an về mới ra. Sồng A T 85 tuổi, Giàng A G 80 tuổi hai thằng nghiện từ lúc còn thuốc đen, nay hút cả thuốc đen lẫn viên hồng. Già chúng nó không đi làm được mà phải đi xin các cháu tiền để mua thuốc. Mình đi ăn cỗ vẫn thấy chúng hút thuốc ngay trước mặt. Họ giờ không bắt những người nghiện quá 80 tuổi đi cai đâu, sợ chết ngay trong trại nhưng nếu buôn thuốc thì già mấy vẫn bắt. Trước đây bản cũ có 42 hộ thì 40 cái bàn đèn, nay vẫn còn 2 đèn bàn cho những thằng già hút, còn thằng trẻ chỉ hút viên hồng thôi (dân bản vẫn quen gọi hút viên hồng là đi cưỡi ngựa - PV), giá 10.000 đồng/viên. Nhiều lần người ta rủ mình hút nhưng không bao giờ dám”, Sồng A Tủa kể.

Lời Sồng A Tủa: Xưa hầu hết các hộ trong bản đều có người nghiện, nhà mình bố cũng nghiện nhưng mình thì không. Năm 2000 tổ chức họp cai cộng đồng, mình đưa bố đi cai về lại nghiện. Cứ cai đi cai lại 3 lần thì bố chết. Lúc đó cũng là thời gian bản hết thuốc đen (thuốc phiện) nên 3 năm không có nghiện. Sau đó có heroin, có viên hồng (hồng phiến) thì dân lại nghiện.

Chuồng ngựa của Sồng A Tủa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuồng ngựa của Sồng A Tủa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không nghiện nên cái đầu của A Tủa rất sáng. Một lần ra chợ huyện dự hội chợ, trong khi người ta mải đi uống rượu, ăn thắng cố, múa khèn hay mua sắm thì đôi mắt anh đã bị thu hút bởi một gian hàng bày một loại quả lạ: chanh leo. Sau khi hỏi tỉ mỉ kỹ thuật trồng và chăm sóc, làm giàn anh đã bỏ tiền ra mua 200 gốc chanh leo đầu tiên về trồng trong ánh mắt ngỡ ngàng của dân bản.

Năm ấy bán chanh, anh thu về hơn 100 triệu đồng, bằng người ta bán cả một đàn trâu mộng. Thấy thế người ta mới đua nhau trồng theo. Sau này, cây chanh leo hay mắc bệnh, rớt giá dần thì Pha Luông lại chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Chuồng nhà nào trong bản cũng có 5 - 7 con trâu, con bò trở lên nhưng chuồng nhà anh Tủa thì có đến 15 - 20 con, ngoài ra anh còn buôn bán trâu, bò, ngựa mỗi năm cỡ 150 con nữa. Anh còn tiên phong trong việc trồng 5.000 gốc nhãn, 4.000 gốc xoài, 10.000 gốc quế, thu nhập mỗi năm 300 - 400 triệu đồng, lãi trên 200 triệu đồng...

Vườn chanh dây của Sồng A Tủa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vườn chanh dây của Sồng A Tủa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cặp vợ chồng trẻ biết nghĩ khác

Ở giữa bản Pha Luông mới tôi để ý thấy gian hàng dưới chân nhà sàn của cặp vợ chồng trẻ Giàng A Páo và Mùa Thị Trà. Trước đây họ đều đi làm công nhân tại mấy khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Ninh rồi làm thuê ở Hà Nội trong mấy năm liền, lấy tiền về dựng được cái khung nhà. Chưa đủ tiền làm tiếp thì họ thưng cái vách bằng bạt, Trà về nhà trồng ngô, A Páo ra thị trấn Mộc Châu chạy giao hàng, gần 1 năm sau tích góp được hơn 100 triệu, trở lại bản, hoàn thiện xong cái nhà mà vẫn còn dư 50 triệu.

Vợ đòi mua xe máy mới, anh không chịu mà mua cho cái máy khâu để học nghề thổ cẩm rồi dựng cái cửa hàng ngay tại nhà. Đó là cửa hàng đầu tiên ở bản chuyên bán hàng thổ cẩm hay cho khách du lịch thuê, mỗi bộ giá 100.000 đồng/ngày. Còn A Páo thì làm xe ôm chở khách từ nhà lên lên Pha Luông giá 200.000 đồng/chuyến, dẫn khách từ chân núi lên đỉnh núi giá 300.000 - 400.000 đồng/lượt. Mùa tháng 11, 12 đến tháng 2 sương mù dâng lên, cùng mây trời sà xuống, giao hòa mù mịt, người dưới xuôi đổ lên săn mây khá đông, mùa tháng 3, tháng 4 hoa đỗ quyên rừng nở cũng lác đác có khách. Còn lại nửa năm khá vắng lặng.

Mùa Thị Trà - vợ A Páo (trái) giới thiệu cho khách về thổ cẩm của người Mông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa Thị Trà - vợ A Páo (trái) giới thiệu cho khách về thổ cẩm của người Mông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài bán hàng, vợ chồng A Páo làm nông là chính. Đám ruộng của nhà mỗi vụ thu được 50 bao thóc. Mấy mảnh nương của nhà, mảnh lấy cỏ thả đàn trâu 6 con, đàn bò 10 con, mảnh trồng mấy trăm gốc táo mèo đã cho thu hoạch vụ đầu, mảnh trồng ngô mỗi vụ thu hơn 1 tấn hạt.

“Giờ vợ chồng em mới đủ sống, đủ ăn chứ chưa có dư. Đợi cáp treo kéo lên đỉnh Pha Luông chúng em sẽ mở homestay ở đây. Homestay sẽ có nhà sàn, có máy xát, có ruộng bậc thang trồng lúa đặc sản, có nương trồng rau, có chuồng nuôi lợn đen, gà đen, có ao thả cá. Khách đến không phải ăn gà công nghiệp, lợn công nghiệp, cá công nghiệp dưới xuôi mà toàn đồ nhà làm ra. Em đã đi thăm homestay ở các nơi để học rồi, sẽ tổ chức đốt lửa trại, giã bánh dày, trưng bày nông cụ, đồ cổ gắn với dân tộc mình.

Em có đứa em trai là A Dơ năm nay 20 tuổi vẫn chưa lấy vợ. Bố mẹ giục thì nó bảo: “Con phải đi ra xã hội để học hỏi phát triển kinh tế”. Em mới khuyên nó đi học nghề đầu bếp bởi món ăn của người Mông đơn giản lắm, chỉ có luộc hay rang với gia vị là muối trắng cùng gừng. Phải đi học các món ăn ngon của các dân tộc khác về để hai anh em cùng làm homestay”, A Páo ấp ủ kế hoạch tương lai.

Suy nghĩ của A Páo còn cao hơn cả đỉnh núi Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Suy nghĩ của A Páo còn cao hơn cả đỉnh núi Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

A Páo là người đầu tiên trong bản mua máy xát gạo với giá 20 triệu. Anh đã đợi 5 năm rồi mà chưa có điện 3 pha nên nó vẫn phải chạy dầu. Bởi vì tốn kém mà anh chỉ xát hộ họ hàng, người để lại ít tiền mua dầu, người để lại đống cám coi như trả công vậy.

A Páo ấp ủ những điều mà chính tôi làm báo đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ du lịch nông nghiệp cũng phải giật mình, thán phục. Mấy năm trước có đoàn khảo sát của Nga về điều tra các loại thực vật quý ở trên núi Pha Luông. Họ hỏi trưởng bản ở đây có thanh niên nào khỏe mạnh, sáng dạ, ham hiểu biết thì được giới thiệu A Páo. Suy nghĩ của chàng thanh niên này đã vượt ra khỏi những đỉnh núi, đám mây của quê mình khiến cho dân Pha Luông nhiều lúc cũng không thể hiểu nổi. Ví dụ khi anh mua cái bàn bi a cho người ta chơi miễn phí, cả bản đều bảo phí tiền nhưng A Páo chỉ cười. Tôi hỏi, anh mới giải thích rằng người ta đến đánh bi a mệt thì muốn uống nước, uống bia, hút thuốc, phải mua hàng của nhà mình.

Biết nghĩ dài, nghĩ rộng là bởi A Páo học xong lớp 12 mới chịu lấy vợ, năm đã 20 tuổi. Có lẽ anh là người đầu tiên trong bản lấy vợ đủ tuổi như thế, bởi cùng trang lứa cứ 14, 15, 16 tuổi đã lập gia đình rồi, thậm chí có đứa còn lấy cả con cô ruột mình, tới khi sinh con ra di họa mới hiện hình. (Còn nữa)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.